Ai đang chống ai tại Libya?
(PetroTimes) - Nền hòa bình mong manh ở đất nước vốn chưa bao giờ phục hồi kể từ khi Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011 một lần nữa lại bị phá vỡ. Ai đứng đằng sau điều này và các quốc gia khác phản ứng thế nào về các chiến sự và nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn diện ở Libya?
Ai chống ai?
Cho đến năm 2017, chỉ còn hai trung tâm quyền lực đối lập lớn ở Libya là Chính phủ Đoàn kết dân tộc (Government of National Accord - GNA) có trụ sở tại thủ đô Tripoli, do Faiz Saraj lãnh đạo và Hạ viện cùng Chính phủ lâm thời (National Salvation Government - NSG) có trụ sở tại thành phố Tobruk (phía đông bắc của đất nước), đứng đầu là Abdullah Abdulrahman al-Thani.
Dọc biên giới Libya với Algeria, Nigeria và Chad, là nơi sinh sống của các bộ lạc thiểu số, trong đó chủ yếu là bộ lạc Tubu, thường xuyên xung đột với cả GNA và NSG.
Đội quân lớn nhất và đông đảo nhất trong cả nước, Quân đội Quốc gia Libya (LNA), do thống chế Khalifa Haftar chỉ huy, ủng hộ Chính phủ lâm thời ở Tobruk.
Thống chế Khalifa Haftar |
Khalifa Haftar là ai?
Đó là một quân nhân chuyên nghiệp 75 tuổi, đã từng tham gia lật đổ chế độ quân chủ Libya năm 1969, là một trong những người thân cận với thủ lĩnh Muammar Gaddafi và có điều đặc biệt là đã từng theo học tại Học viện quân sự Frunze ở Moscow.
Năm 1986, Haftar với cấp bậc đại tá đã bị lực lượng vũ trang của Chad bắt giữ trong cuộc xung đột giữa hai nước. Gaddafi, người đã phủ nhận sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Libya trên lãnh thổ Cộng hòa Chad, đã từ chối Haftar và những sĩ quan bị Chad bắt làm tù binh cùng với ông ta. Kể từ đó, nhà lãnh đạo tương lai của LNA sống ở Chad, Zaire (nay là Congo) và Kenya, sau đó chuyển đến Hoa Kỳ và theo một số nguồn tin, đã bắt tay hợp tác với CIA.
Sau khi Gaddafi bị lật đổ, Khalifa Haftar trở về quê hương, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh vũ trang chống lại các nhóm khủng bố. Năm 2015, Hạ viện đã bổ nhiệm ông làm tư lệnh LNA. Vào năm 2016, các đội quân của vị thống chế này đã thiết lập quyền kiểm soát các bến cảng xuất khẩu dầu quan trọng của đất nước.
Vì sao quân đội của Haftar tấn công Tripoli?
Nỗ lực của một số quốc gia và Liên hợp quốc (LHQ) để hòa giải Tripoli và Tobruk đã không thành công. Đồng thời, vào năm 2018, sau khi các lực lượng khủng bố tấn công và chiếm giữ các cảng xuất khẩu dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Đoàn kết dân tộc, quân đội của Haftar đã đánh đuổi bọn khủng bố, nhưng không trả lại lãnh thổ cho GNA. Năm 2019, trong các hoạt động quân sự quy mô lớn chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan, những kẻ buôn lậu và các băng đảng tội phạm ở phía tây nam đất nước, LNA của Khalifa Haftar đã chiếm giữ khoảng 90% lãnh thổ toàn quốc.
Vào ngày 4/4/2019, phát ngôn viên chính thức của LNA, chuẩn tướng Ahmed Al-Mismari đã mô tả chính phủ ở Tripoli là "một chính quyền được hình thành bất hợp pháp". Khalifa Haftar cùng ngày đã ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công vào thủ đô của đất nước.
Các sự kiện đã phát triển như thế nào kể từ ngày 4/4?
Với việc quân đội của Haftar khởi sự tấn công vào Tripoli, các bộ trưởng trong nội các của thủ tướng GNA Faiz Saraj đã “tạm lánh” sang nước láng giềng Tunisia. Đồng thời, vào ngày 6/4, các nhóm vũ trang từ Misurata (cách Tripoli 200 km về phía đông), sở hữu vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng, pháo binh và nhiều tên lửa bắn loạt, đã kéo về thủ đô để giúp đỡ các lực lượng thân chính phủ.
Cũng trong ngày hôm đó, LNA của Khalifa Haftar đã tiếp cận thủ đô ở khoảng cách 10 km tính từ trung tâm thành phố và tuyên bố đã toàn quyền kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli. Ngay trong ngày 7/4, LNA tuyên bố rằng các hoạt động của mình ở Tripoli đang diễn ra theo kế hoạch và cuộc tấn công đang được phát triển từ 7 hướng.
Theo LHQ, đến ngày 8/4, hơn 2,8 nghìn người đã bỏ trốn khỏi thủ đô và tính đến ngày 9/4, đã có 51 người thiệt mạng trong thời gian xảy ra chiến sự ở Libya.
Vào ngày 10/4, LNA tuyên bố thiết lập quyền kiểm soát căn cứ quân sự của GNA ở vùng Al-Aziziyah cách Tripoli 40 km.
Một đơn vị quân đội của LNA chuẩn bị tiến vào Tripoli |
Thế giới phản ứng thế nào với những gì đang xảy ra ở Libya?
Bộ Ngoại giao Đức và Vương quốc Anh đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang của cuộc xung đột quân sự ở Libya.
Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi, đã khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm kiếm một giải pháp chính trị cho quốc gia láng giềng này. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hisham Furati cho biết, do tình hình xấu đi ở Libya, Bộ Nội vụ Tunisia phối hợp với các đơn vị quân đội đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho đất nước.
Hoa Kỳ kêu gọi Haftar dừng cuộc tấn công vào Tripoli, đồng thời Mỹ cũng đã tạm thời rút các đơn vị quân đội đồn trú của mình ra khỏi Libya.
Những người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga và Ai Cập đã kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột nên kiềm chế và nhanh chóng ngồi vào bàn đối thoại. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý rằng Moscow không đơn phương quy kết bên nào có lỗi trong tình hình hiện nay ở Libya.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl cáo buộc Ai Cập ủng hộ quân đội của Haftar. "Haftar có các nguồn tài trợ khác nhau, nhưng sự hỗ trợ chính trị và quân sự đến từ nước láng giềng Ai Cập", ông Kneissl khẳng định.
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Libya đã được lên kế hoạch vào ngày 10/4 (tức ngày 11/4 theo giờ bán cầu Đông) và hội nghị Liên hiệp quốc gia dự kiến diễn ra vào 14-16/4 tại thành phố Ghadames của Libya đã bị hoãn lại trong bối cảnh xung đột leo thang.
Bá Thủy (Theo RT)