Doanh nghiệp dệt may đối mặt với cạnh tranh gay gắt
(PetroTimes) - Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh, muốn trụ vững và phát triển, doanh nghiệp ngành dệt may buộc phải tập trung vào 3 yếu tố quan trọng là tăng năng suất; đầu tư dần cho tự động hóa; chọn đơn hàng cao cấp, hàng kỹ, có giá gia công cao.
Tiếp nối thành công năm 2018 (kim ngạch xuất khẩu gần 29 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2017), ngành dệt may xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2019 tăng trưởng trong tình hình đơn hàng tương đối tốt.
Hiệu ứng tăng trưởng của ngành dệt may đang tiếp diễn tích cực, khi kết thúc quý I/2019, xuất khẩu hàng dệt may đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 46,6%, đạt 2,14 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 12,6%, đạt 577,89 triệu USD, tăng 7,6%; thị trường EU chiếm 12,1%, đạt 556,61 triệu USD, tăng 3,1%.
Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2018 |
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay, đơn hàng đến với các doanh nghiệp may Việt Nam đang ổn định theo chiều hướng tăng trưởng từ 8-10% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất tới quý II, quý III/2019.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, đơn hàng may mặc xuất khẩu cho năm 2019 của công ty đã gần đủ từ cuối năm 2018. Với riêng thị trường Mỹ, năm 2019, Văn phòng đại diện của TNG tại New York đang phát huy hiệu quả tốt từ việc ký kết được các hợp đồng rất lớn từ các khách nổi tiếng như Nike, A&F, GIII.
Trước những thông tin tốt đối với ngành dệt may, lãnh đạo ngành vẫn cho rằng năm 2019 vẫn là năm khó lường khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.
Cùng với đó, hiện mức lương công nhân may Việt Nam trung bình 300 USD/tháng, cao thứ hai (chỉ đứng sau Trung Quốc) trong nhóm 10 nước xuất khẩu lớn nhất trong ngành may mặc xuất khẩu nên ngành đang phải cạnh tranh gay gắt với đối thủ về vấn đề này.
Trước tình hình trên, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, muốn trụ vững và phát triển, doanh nghiệp ngành may buộc phải tập trung vào 3 yếu tố quan trọng là: tăng năng suất; đầu tư dần cho tự động hóa để giảm nhân công; chọn đơn hàng cao cấp, hàng kỹ, có giá gia công cao, dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao của chúng ta.
“Với 3 trọng tâm trên, các doanh nghiệp may Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát tốt. Không những vậy, điều kiện sản xuất xanh - sạch, đảm bảo các yếu tố an toàn môi trường, an sinh xã hội cũng là một lợi thế của ngành dệt may Việt Nam để các đối tác lựa chọn”, ông Lê Tiến Trường khẳng định.
Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2018, thặng dư thương mại 20 tỷ USD, trong đó, riêng may mặc dự kiến về đích khoảng 32 tỷ USD. Đây được xem là một mục tiêu lớn nhưng cũng thể hiện quyết tâm của ngành trong việc vươn lên, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong thị trường khu vực cũng như thế giới.
Lê Minh
Sản xuất vải vẫn là “điểm nghẽn” của ngành dệt may |
CPTPP và EVFTA: Doanh nghiệp dệt may chủ động đón cơ hội |
Dệt may Việt Nam giữa xung đột thương mại Trung - Mỹ |