Nhiệt điện Thăng Long: Đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu
Sử dụng công nghệ hiện đại; hệ thống băng tải vận chuyển than và tro xỉ khép kín, không khói bụi; hệ thống quan trắc giám sát online; đường nội bộ sạch sẽ; cây xanh, thảm cỏ xanh tươi, không khí trong lành... là những gì chúng tôi thấy được khi đến thăm nhà máy nhiệt điện Thăng Long ở Quảng Ninh.
Nhà máy nhiệt điện Thăng Long nhìn từ trên cao |
Hiệu quả từ nhà máy
Cuối tháng 3, chúng tôi có dịp về xã Lê Lợi – một xã miền núi ven biển của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh để thăm nhà máy nhiệt điện Thăng Long. Trên vùng đất sú vẹt, ngập mặn, chua phèn trước đây chỉ dùng để nuôi tôm giờ đã thay thế bằng hai dự án công nghiệp quy mô, mở ra cho huyện Hoành Bồ nhiều cơ hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhiều người dân cho biết, có dự án, đường xá đã được đầu tư khang trang kết nối với nhiều khu vực trong tỉnh, giúp giao thương thuận lợi. Đời sống của người dân trong xã khấm khá hơn vì được tuyển vào làm việc tại nhà máy; dịch vụ cũng phát triển do sự chuyển dịch lao động.
Nhà máy nhiệt điện Thăng Long có công suất 2x300MW do Tập đoàn Geleximco đầu tư, được xây dựng trên diện tích 124,44 ha bao gồm nhà máy chính, bãi thải xỉ, cảng than và khu vực phụ trợ khác. Dự án có tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng. Đây cũng là dự án nhiệt điện tư nhân có quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 627/QĐ-TTg ngày 29/7/2003.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết nhà máy Nhiệt điện Thăng Long được xây dựng trong thời gian kỷ lục, 3 năm với các mốc vận hành thương mại đều sớm hơn từ 2 tuần đến 2 tháng, tiết kiệm cho chủ đầu hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, tổ máy 1 nhà máy đã chính thức phát điện thương mại lên hệ thống lưới điện quốc gia vào tháng 5/2018, sau 2 tháng tổ máy số 2 cũng hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng đề ra.
Tính đến hết năm 2018, nhà máy đã vận hành an toàn, ổn định, cung cấp cho hệ thống điện 1,278 tỷ kWh, lũy kế đến tháng 3 năm 2019, sản lượng của nhà máy đã đạt trên 2,1 tỷ kWh.
Theo tính toán ban đầu, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3,7 tỷ kWh, không chỉ đem lại lợi ích cho chủ đầu tư, góp phần giảm áp lực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam; giải quyết khó khăn cho ngành công nghiệp khai thác than; làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội địa phương...mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành năng lượng nói chung, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu điện vẫn còn rất lớn.
Nhờ hiệu quả từ nhà máy tư nhân, nhất là vấn đề lựa chọn công nghệ, các giải pháp đảm bảo môi trường nên tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn Geleximco liên danh với Công ty TNHH Hong Kong United thực hiện dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Hệ thống quan trắc môi trường được giám sát trực tuyến |
Công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường
Cho đến thời điểm này, nhiệt điện than vẫn còn là mối nghi ngại của nhiều người vì cho rằng nó là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường (khói bụi và tro xỉ) nhưng thực tế không phải vậy khi giải quyết được vấn đề công nghệ.
Dù có chủ trương xây dựng từ rất sớm, song chủ đầu tư đã ý thức rất rõ về vấn đề môi trường nên đã quyết định sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn theo thiết kế và công nghệ của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lò hơi này thuộc loại có bao hơi, tuần hoàn tự nhiên, có quá nhiệt trung gian; Năng suất hơi quá nhiệt 485t/h, hiệu suất lò hơi 86,9%, khử mùi lưu huỳnh trực tiếp trong buồng đốt bằng đá vôi; Tuabin kiểu ngưng hơi có quá nhiệt trung gian, cửa trích hồi nhiệt. Đặc biệt, nhà máy sử dụng loại than xấu nhất với nhiệt trị của than nhỏ hơn 4.000 kcal/kg. Điều này giúp cho ngành than giải quyết hơn 2 triệu tấn than xấu mỗi năm.
Việc sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn cũng là giải pháp công nghệ tốt cho vấn đề giảm ô nhiễm khí thải ra môi trường nhờ giảm được lượng phát thải NOx và SOx so với các nhà máy điện dùng lò than phun. Cụ thể, nhiệt độ đốt thấp từ 850 – 9200C giúp hạn chế độc hại phát thải ra môi trường vừa đạt hiệu quả kinh tế cao do than đốt chưa cháy hết được tuần hoàn đi tuần hoàn lại cho đến khi bị đốt kiệt. Nhà máy cũng sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, đảm bảo nồng độ bụi trong khói thải nhỏ hơn 100mg/Nm3; đồng thời thu giữ bụi lên tới gần 99%. Nhiên liệu được sử dụng để khởi động lò là dầu Diesel khi đốt gần như không cho muội dầu.
Ngoài ra, hệ thống của nhà máy còn xử lý được các loại nước thải khác nhau, sử dụng công nghệ xử lý nước nhiễm than, nhiễm dầu…Nước thải đạt xử lý tiêu chuẩn QCVN 40:2011 và không xả ra môi trường mà được tái sử dụng hết.
Toàn bộ quá trình xử lý môi trường trong quá trình hoạt động của nhà máy đều được quan trắc, giám sát online 24/24 và gửi số liệu trực tuyến tới các cơ quan quản lý về môi trường theo quy định.
Theo quan sát thực tế, chúng tôi thấy, kết cấu nhà máy khá hiện đại, được thiết kế hợp lý, tránh được tối đa bụi thải ra môi trường. Bên dưới mái vòm là khu vực chứa than hàng trăm nghìn tấn, đủ để nhà máy hoạt động liên tục hơn 1 tháng. Nối liền mái vòm là đường băng tải dài hơn 3km chạy thẳng ra cầu cảng ven vịnh Cửa Lục cùng với tuyến đường bê tông vận chuyển đường bộ (khi băng tải gặp sự cố) chạy song song đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho nhà máy.
Đối với vấn đề vận chuyển tro xỉ, Geleximco đã đầu tư hơn 6 triệu USD xây dựng hệ thống vận chuyển khép kín kèm công nghệ dập bụi bằng nước từ nhà máy ra bãi thải xỉ rộng khoảng 57 ha, sức chứa 4,32 triệu m3 .
Ông Cao Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ninh cho biết, hiên nay, công tác bảo vệ môi trường của nhà máy đã được quan tâm giám sát chặt chẽ và chúng tôi tiếp tục đồng hành trong quá trình vận hành nhà máy, đảm bảo tính hiệu quả cũng như không ảnh hưởng đến môi trường.
Hiện,trong khuôn viên nhà máy, dọc các con đường và ven bãi thải xỉ cây xanh, thảm cỏ đã và đang được Nhiệt điện Thăng Long tiếp tục trồng thêm nhằm tạo không khí trong lành, giảm bớt bụi trong quá trình vận chuyển. Hoạt động này không chỉ tốt cho người dân khu vực quanh dự án mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính cán bộ công nhân nhà máy. Đây cũng là ý thức trách nhiệm và mong muốn của chủ đầu tư.
"Đối với nhà máy này, đầu tiên chúng tôi xác định là phải là nơi công viên xanh sạch đẹp, công nhân - kỹ sư đến đây họ cảm thấy như đến một nơi họ yêu thích, không căng thẳng, ô nhiễm, đấy là cái nơi để phấn đấu làm việc lâu dài mà không phải chỉ đến một thời gian" – Ông Vũ Văn Tiền khẳng định.
Với những gì được thấy, chúng tôi có niềm tin rằng Nhiệt điện Thăng Long sẽ làm tốt công tác vận hành, đảm bảo môi trường vì điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn là trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Đồng thời nó cũng góp phần gìn giữ và phát triển giá trị thương hiệu của Geleximco trong tương lai.
Theo Báo Công Thương Điện tử
Tư nhân làm nhiệt điện than: Tại sao không? Để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện sau năm 2020, một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay với ngành điện là cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhiệt điện than. Từ thực tế Vingroup với thương hiệu Vinfast, Sungroup với sân bay Vân Đồn, và đặc biệt là Gleximco với nhiệt điện Thăng Long, việc huy động các nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân để “chạy nước rút” các dự án nhiệt điện than được xem là lời giải quan trọng cho bài toán đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. |