Doanh nghiệp đường lo “khó chồng khó”
(PetroTimes) - Chưa đầy một năm nữa việc thực thi cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với mặt hàng đường có hiệu lực, có nghĩa là sẽ chính thức xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường. Trước tình hình này, giá đường trong nước đang lao dốc, các doanh nghiệp mía đường lo “khó chồng khó”.
Giá đường chưa có dấu hiệu cải thiện
Thời gian vừa qua, ngành mía đường đang đối diện với những “sóng gió” khi giá đường trên thị trường hiện giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự phục hồi. Sự sụt giảm này đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành mía đường lao đao vì lợi nhuận sụt giảm, phải đóng cửa nhà máy.
Theo dự báo, nguồn cung đường niên vụ 2018-2019 khoảng trên 2,2 triệu tấn |
Một tên tuổi lớn trong ngành mía đường như Công ty CP Mía đường Sơn La cũng ghi nhận những tác động tiêu cực đến lợi nhuận của Công ty khi giá giảm sâu. Tính chung nửa đầu năm tài chính 2018-2019 (từ 1/7 đến 31/12/2018), doanh thu đạt 446,7 tỷ đồng, tăng đến 82% so với nửa đầu năm ngoái (đạt 245,5 tỷ đồng). Đáng nói, dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 36,33 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân được đại diện Công ty lý giải là do giá đường giảm sâu. Trong khi giá mật rỉ bán ra quý II/2018 tăng nhẹ, thì giá đường lại giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước, từ mức bình quân 12.399 đồng/kg xuống còn 9.911 đồng/kg.
Theo dự báo, nguồn cung đường niên vụ 2018-2019 khoảng trên 2,2 triệu tấn (bao gồm tồn kho hơn 600 ngàn tấn, sản xuất dự kiến 1,5 triệu tấn và đường nhập khẩu năm 2018 gần 100 ngàn tấn) trong đó chưa kể lượng đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 500.000 ngàn tấn và đường lậu luôn bán dưới giá thị trường đường trong nước từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng.
Trong bối cảnh đó nguồn cung thế giới tiếp tục dư thừa khoàng 7 triệu tấn và giá đường liên tục giảm, dẫn đến tâm lý tiêu cực về bức tranh thị trường đường trong nước. Mức dư thừa này dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2019, nên có thể giá sẽ giảm thấp nhất trong 5 năm qua.
Chỉ có cách doanh nghiệp tự cứu mình
Trước bức tranh kinh doanh nhiều gam màu tối của ngành, ngày 29/3/2019, trong văn bản số 41/CV-HHMĐ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kéo dài thời gian quản lý hạn ngạch thuế quan từ 3-5 năm (tức là tiếp tục trì hoãn thực thi cam kết ATIGA với mặt hàng đường).
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 |
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhiều nhà máy đường đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng. Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niên vụ 2018/2019 mà còn dẫn đến những năm tiếp theo của ngành mía đường khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Trước đó, liên quan đến thực thi cam kết ATIGA đối với mặt hàng đường, ngày 20/2/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản số 1034/BCT-XNK, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp thành viên, kể từ ngày 1/1/2020 sẽ chính thức xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết ATIGA, để các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp bối cảnh mới.
Với tinh thần này, tại cuộc làm việc với Hiệp hội Mía đường Việt Nam và một số doanh nghiệp mía đường ngày 8/3/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, việc trì hoãn thực thi cam kết ATIGA đối với mặt hàng đường đến 1/1/2020 là một việc làm chưa có tiền lệ của Việt Nam trong thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương đối với ngành mía đường.
“Thời điểm 1/1/2020 dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn thêm được nữa, các doanh nghiệp mía đường cần phải có các phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng với bối cảnh mới” - Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh ngành đường Việt Nam còn nhiều bất cập về vùng nguyên liệu, tập quán canh tác… khiến giá thành sản xuất mía cao hơn so với các nước khác, việc hội nhập với thị trường trong khu vực và thế giới là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt cũng là chất xúc tác để các nhà máy đường nhìn nhận lại mình, tự đổi mới, chú trọng gia tăng tỷ lệ cơ giới hoá trên đồng ruộng, liên kết chặt chẽ hơn với nông dân trồng mía.
Lê Minh
VSSA hiến kế các giải pháp cứu nguy cho các doanh nghiệp mía đường |
Doanh nghiệp mía đường đang là "con nợ" của người trồng mía |