Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): “Siết chặt” hơn hoạt động chuyển giá
(PetroTimes) - Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đó chính là tăng cường quy định về cơ chế chuyển giá. Cụ thể, dự thảo đã phản ánh những thông lệ quốc tế và nguyên tắc tốt gắn với thực tế tại Việt Nam.
Hộ sản xuất chuyển đổi lên doanh nghiệp có thể được miễn thuế 2 năm |
Vì sao doanh nghiệp sợ thanh tra? |
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao |
Hoạt động chuyển giá “nhức nhối” tại Việt Nam
Theo báo cáo gần đây nhất năm vào đầu năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017. Tỷ lệ này đã giảm rất nhiều so với tỷ lệ bình quân 50% doanh nghiệp báo lỗ vài năm trước đây. Tuy nhiên, tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI vẫn là vấn đề khiến các cơ quan thuế phải đau đầu.
Việc thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam được cơ quan thuế chỉ ra là không phải do tăng trưởng doanh số yếu |
Nổi tiếng nhất phải kể đến những tên tuổi như: Công Ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam). Theo Cục thuế TP HCM, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, công ty này liên tục báo lỗ cho đến cuối năm 2012. Việc thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam được cơ quan thuế chỉ ra là không phải do tăng trưởng doanh số yếu, thực tế sản lượng của công ty vẫn tăng trưởng trên 25% mỗi năm.
Đến thời điểm tháng 12/2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỉ đồng. Như vậy, về mặt kỹ thuật, lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã phải phá sản. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.
Hay như trường hợp Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam cũng khiến người ta phải giật mình về những con số. Trong suốt gần 20 năm hoạt động, Pepsi Việt Nam cũng liên tục kê khai lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Rồi tên tuổi lớn như Metro Việt Nam. Doanh nghiệp này bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam từ đầu năm 2002 với số vốn ban đầu là 120 triệu USD, trong đó vốn pháp định là 36 triệu USD. Sau khoảng 12 năm hoạt động, 2002-2013, Metro Việt Nam đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại Metro Việt Nam lên hơn 301 triệu USD vào tháng 5/2013.
Điều đáng lưu ý là trong giai đoạn này, Metro Việt Nam liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỉ USD và chỉ duy nhất năm 2010 là có lãi 173 tỉ đồng. Mặc dù lỗ nhưng Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc.
Sau khi Metro rút lui và sang nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh cho tập đoàn TCC, đầu năm 2016, chuỗi bán sỉ này đã thay đổi nhận diện thương hiệu và đổi tên thành MM Mega Market. Vốn điều lệ của công ty tăng 1.911 tỷ đồng lên 3.620 tỷ đồng, với 100% vốn nước ngoài.
Ngoài những trường hợp điển hình nêu trên, tại Việt Nam còn rất nhiều trường hợp chuyển giá khác đã được cơ quan thuế Việt Nam thanh tra và làm rõ được hành vi. Nhưng bên cạnh đó cũng còn rất nhiều trường hợp với những “chiêu” tinh vi khiến cơ quan thuế đang phải đau đầu.
Những điểm mới hữu ích của Dự thảo Luật
Trước thực tế nhiều bất cập trong việc quản lý thuế của các doanh nghiệp FDI, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được đánh giá đã củng cố thêm các quy định về cơ chế chống chuyển giá và được xây dựng dựa trên Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được đánh giá đã củng cố thêm các quy định về cơ chế chống chuyển giá |
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đó chính là tăng cường quy định về cơ chế chuyển giá. Cụ thể, dự thảo đã phản ánh những thông lệ quốc tế và nguyên tắc tốt gắn với thực tế tại Việt Nam. Ví dụ như những nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc "bản chất quyết định hình thức". Những yêu cầu về báo cáo tài chính đối với công ty đa quốc gia cho cơ quan Thuế đã phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là yêu cầu báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Điều này phù hợp với thông lệ tốt nhất trên thế giới.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã tạo khung pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu với các cơ quan Thuế của các nước khác. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì các công ty đa quốc gia không chỉ hoạt động tại Việt Nam mà còn ở nhiều đất nước khác. Việc chia sẻ thông tin thuế tốt hơn sẽ đảm bảo các công ty không chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước khác. Như vậy, những điểm mới này rất hữu ích, và chúng được phát triển trên cơ sở những thành quả mà Việt Nam đã thu được trong Nghị định số 20.
Đặc biệt, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng đã có quy định cho phép Việt Nam có thể rà soát và cập nhật lại 70 Hiệp định thuế song phương theo hướng áp dụng thành một Hiệp định thuế đa phương. Tất cả những điều này sẽ giúp Việt Nam có một Hiệp định thuế tiêu chuẩn giúp giải quyết những kẽ hở khiến các doanh nghiệp không thể chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế suất thấp hơn.
Hy vọng với những điểm mới của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) thì hoạt động chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI sẽ được kiểm soát tốt hơn, nguồn ngân sách sẽ đỡ mất đi một nguồn thu lớn.
Lê Minh