IS bị đánh bại, Iraq sẽ cầm trịch cục diện Trung Đông?
(PetroTimes) - Cuộc chiến 5 năm với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lấy đi rất nhiều thứ của Iraq. Sau khi đánh bại được tổ chức khủng bố này, cùng với người hàng xóm Syria, Iraq đang dần tìm đường trở lại chính trường quốc tế trong bối cảnh khu vực Trung Đông vẫn đang bị chia rẽ giữa hai phe Mỹ-Iran bên cạnh những rạn nứt nội bộ.
Iran và Hoa Kỳ là những kẻ thù truyền kiếp. Và Iraq với vai trò trung gian, đã trở thành một “cầu nối”, theo nhà khoa học chính trị Iraq Ihssan al-Chemmari.
Cố vấn An ninh Quốc gia Iraq Faleh al-Fayyadh trong một cuộc gặp với Tổng thống Syria Al-Assad (phải) |
Sau hơn một thập kỷ bị quốc tế cấm vận dưới thời Saddam Hussein và 15 năm tiếp theo chìm trong bạo lực đẫm máu bao gồm một cuộc chiến tàn khốc chống lại IS, Iraq đang dần chào đón trở lại những chuyến thăm của nhiều nhà lãnh đạo quốc tế trong những tháng gần đây. Cụ thể, Bộ Ngoại giao của Mỹ và Iran hay Quốc vương Jordan gần đây đều đã đến thăm đất nước dầu mỏ này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng ông sẽ tới Iraq trong năm nay. Theo một nguồn tin chính phủ Baghdad, một lời mời cũng đã được gửi tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Vai trò trung gian
Cách đây không lâu, Baghdad đã khởi xướng một cuộc hòa giải giữa Qatar, quốc gia chống đối chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, và Syria, quốc gia đang chật vật tái hòa nhập về khối Ả Rập.
Theo AFP, gần đây, Cố vấn An ninh Quốc gia Iraq Faleh al-Fayyadh thậm chí đã tự mình đến Riyadh (thủ đô của Ả Rập Xê Út) để gửi một thông điệp đến Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran về kế hoạch tái thiết khu vực.
Đứng giữa Washington, quốc gia tiên phong của Liên minh quốc tế chống IS, và Tehran, quốc gia hỗ trợ các lực lượng bán quân sự góp phần đánh bại IS, “Iraq đóng vai trò như một tòa án chuyên xử những vụ rắc rối”, theo nhà khoa học địa chính trị Karim Bitar.
Không phải chờ lâu, quốc gia này đã sớm bộc lộ những ảnh hưởng tiêu cực của việc đóng vai trò trung gian. Chính trường nước này không phải là nơi để cùng nhau đưa ra giải pháp phát triển đất nước mà là nơi để các chính trị gia cáo buộc lẫn nhau về tội “làm con rối” cho các cường quốc khác như Iran, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ả Rập Xê Út. Theo ông Bitar, việc tái thiết và củng cố chính quyền Iraq có thể đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều nếu Iraq không tự biến mình thành một chiến trường chính trị, kinh tế và ngoại giao sau khi từng là chiến trường quân sự của thế giới trước đó.
Chiến lược ngoại giao “đu dây”
Theo ông Chemmari, sự căng thẳng Iran-Mỹ là “quá sâu đậm để Iraq đưa ra một sáng kiến” trong khu vực và chính quyền Iraq còn phải quan tâm đến vấn đề nội bộ bị chia rẽ bởi những lợi ích khác nhau. Cụ thể, tham vọng ngoại giao thân Mỹ của của Thủ tướng Adel Abdel Mahdi là hoàn toàn trái ngược với phương châm chống Mỹ của Quốc hội.
Áp lực lên Baghdad có thể sớm tăng mạnh sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc Patrick Shanahan vào ngày 12/2/2019. Quốc hội đã kêu gọi nhà nước Iraq ra lệnh rút những binh lính Mỹ cuối cùng còn sót lại trên lãnh thổ nước này. Ở diễn biến ngược lại, “ông Shanahan đã hỏi Thủ tướng Iraq về việc tham gia vào liên minh chống Iran”, theo nguồn tin chính thức của Chính phủ Iraq. Chuyến thăm này diễn ra sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc sử dụng Iraq để “theo dõi Iran”.
Theo cảnh báo của chuyên gia Fanar Haddad tại Đại học Quốc gia Singapore, nếu Chính phủ Iraq thật sự “chọn phe” thì chính sách đối ngoại “không rắc rối” mà Baghdad duy trì bấy lâu này sẽ “tan thành mây khói”. Đó là vì quyền lực ở chính trường nước này bị “chia năm xẻ bảy” bởi nhiều thế lực và đồng minh khác nhau của Iraq.
“Điều này (chia rẽ nội bộ) sẽ buộc Iraq phải làm mất lòng hoặc Iran hoặc Mỹ, trong khi họ cần phải duy trì mối quan hệ thân thiết với cả hai”, ông Bitar phân tích.
Theo ông Haddad, nếu không làm cả hai vừa lòng, Iraq sẽ rất dễ “mất lợi ích ngoại giao”. Nhờ vào chính sách ngoại giao hợp lý, Iraq vừa thành công trong việc nối lại giao dịch đường bộ với nước láng giềng Jordan và sắp mở lại các đồn biên phòng đã đóng cửa suốt 30 năm với Ả Rập Xê Út.
Baghdad hiện đang làm bạn với tất cả các bên ở Syria: Mỹ, Nga, người Kurd, lực lượng đối lập với Tổng thống Assad và cả chính quyền Assad. Trong những tháng gần đây, Iraq thậm chí đã tiến hành các cuộc không kích chống lại IS ở Syria theo yêu cầu chính thức của chính quyền Assad.
Và Iraq giữ rất tốt bí mật của họ với tất cả các đồng minh. Theo đánh giá của một nguồn tin quân sự phương Tây, Iraq là một đối tác rất quan trọng. Liên minh quốc tế chống IS đã đầu tư 2,5 tỷ đô la để đào tạo gần 200.000 thành viên trong lực lượng an ninh Iraq vì “đất nước này có thể tạo ra ảnh hưởng lớn trong khu vực”.
Iraq “xin” Mỹ cho phép tiếp tục mua dầu của Iran |
Những xúc tu IS còn lại trên thế giới |
Syria chuyển giao các chiến binh IS cho Iraq |
G.K