Cắt giảm thủ tục hành chính: Không phải cắt giảm lấy được để báo cáo thành tích
(PetroTimes) - Có những điều kiện, thủ tục kinh doanh không phải và không đáng phải cắt giảm, hoặc buộc phải giữ để bảo đảm quản lý nhà nước mà lại cắt giảm đi là phải rà soát lại. Ngược lại có tình trạng khi ban hành văn bản ‘cắt giảm’ nhưng lại ‘đẻ’ ra thủ tục, điều kiện khác, đây là điều phải lưu ý”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu quan điểm.
Ngày 19/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp. |
Trong năm 2018, cả nước có 13 bộ, ngành hoàn thành 173 thủ tục hành chính (TTHC) kết nối với NSW (đạt 97% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP), giải quyết 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27.000 doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao các bộ, ngành phấn đấu triển khai mới 138 TTHC trên NSW. Tới hết năm 2018, các bộ đã hoàn thành 106 thủ tục, chiếm 77% so với mục tiêu.
Bên cạnh triển khai liên thông các TTHC tại cảng biển, thủy nội địa, các bộ, ngành cũng triển khai cơ NSW tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.
Lãnh đạo cơ quan thường trực của Ủy ban, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong năm 2018, nhìn chung các bộ, ngành đã có chuyển biến tích cực trong thực hiện, tạo ra đột phá khi trong 5 tháng cuối năm đã triển khai thêm 100 thủ tục mới, tiếp tục mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành đã đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là có chuyển biến căn bản trong thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại vướng mắc như số lượng TTHC triển khai mới chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cần phải tập trung khắc phục để góp phần đưa đất nước bứt phá, phát triển toàn diện trong năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Thường trực Chính phủ đã bàn và tính tới việc nếu để các bộ, ngành trực tiếp thực hiện chính phủ điện tử, chính phủ số và những dạng công nghệ thông tin thế này thì hiệu quả rất hạn chế. Nên chăng chuyển sang thuê dịch vụ về công nghệ thông tin để tư nhân làm với các yêu cầu bảo mật, an ninh, kỹ thuật kết nối”.
Bên cạnh đó, tiến độ phát triển nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị không theo kịp tốc độ triển khai dẫn đến một số thời điểm hệ thống quá tải, không đáp ứng kịp với giao dịch phát sinh.
Toàn cảnh phiên họp. |
Qua trực tiếp khảo sát ở một số địa phương, Chủ tịch Ủy ban cho rằng, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, việc cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tốt hai mục tiêu tạo thuận lợi thương mại đi kèm với chống gian lận thương mại.
“Quan điểm không phải cắt giảm lấy được để báo cáo thành tích, mà phải đạt được cả hai mục tiêu trên, tăng cường khả năng quản lý, phối hợp các bộ, cơ quan với nhau và với Tổng cục Hải quan. Có những điều kiện, thủ tục kinh doanh không phải và không đáng phải cắt giảm, hoặc buộc phải giữ để bảo đảm quản lý nhà nước mà lại cắt giảm đi là phải rà soát lại. Ngược lại có tình trạng khi ban hành văn bản ‘cắt giảm’ nhưng lại ‘đẻ’ ra thủ tục, điều kiện khác, đây là điều phải lưu ý”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.
Đặc biệt với kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc: “Bộ nào không ban hành được trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm tra thì không được phép kiểm tra chuyên ngành, phải chấm dứt và bãi bỏ chuyện này. Nếu không sẽ dẫn tới bộ nào cũng có quyền kiểm tra”.
Phó Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị lấy ý kiến các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách thu hút và sử dụng FDI tại Bình Dương mới đây nhiều ý kiến phàn nàn về việc kiểm tra sau thông quan tràn lan. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành làm rõ, VCCI tham gia giám sát trên cơ sở đánh giá rủi ro, tác động hiệu quả kiểm tra sau thông quan như thế nào.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý không chuyển tất cả từ tiền kiểm sang hậu kiểm, có những hàng hóa bắt buộc phải tiền kiểm nhưng phải quy định rõ trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, tiêu chí, cách thức kiểm tra.
Việc kiểm tra chuyên ngành sau thông quan, quan trọng là các bộ, ngành ban hành các quy trình và thủ tục, còn việc đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc và trực tiếp làm công tác kiểm tra phải đi theo hướng xã hội hóa, để tư nhân, doanh nghiệp làm, Phó Thủ tướng dẫn kinh nghiệm của Australia trong chuyến làm việc tại quốc gia này vào giữa năm 2017.
Đồng thời, trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành phải tính đến bài toán nhân sự, quy trình, thủ tục, công nghệ, hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, kết nối một cửa quốc gia với ASEAN và quốc tế, đồng thời phải có giải pháp để người dân và cộng đồng doanh nghiệp giám sát chặt chẽ lĩnh vực này.
Thành Chung