Một năm biến động "đốt" hơn 1.000 tỷ đồng của vợ chồng bầu Kiên
Là một thế lực lớn tại ACB, dù trải qua biến cố lớn song vợ chồng bầu Kiên vẫn đang nắm giữ lượng lớn cổ phần ở ngân hàng này. Đến nay, giá trị cổ phần của vợ chồng “ông trùm” một thời đạt trên 2.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với tháng 4/2018, song con số này có thể sẽ được cải thiện.
Sự bứt tốc trong phiên giao dịch chiều của nhóm cổ phiếu VN30 đã hỗ trợ đáng kể giúp VN-Index kết phiên giao dịch 25/1 với trạng thái tăng điểm.
Cụ thể, trong khi VN30-Index đạt tăng 3,79 điểm tương ứng 0,44% thì VN-Index hồi phục 0,61 điểm tương ứng nhích nhẹ 0,07% lên 908,79 điểm. Giao dịch trong phiên nhìn chung giằng co, khá chật vật với thanh khoản thấp.
Toàn sàn HSX chỉ có 110,29 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.677,77 tỷ đồng. Con số này tại HNX là 25,46 triệu cổ phiếu tương ứng 348,38 tỷ đồng, chỉ số tăng nhẹ 0,11 điểm tương ứng 0,11% lên 102,78 điểm.
Thị trường ghi nhận 855 mã không hề có giao dịch. Trong khi đó, tương quan số mã tăng giảm trên sàn khá cân bằng. Có 276 mã giảm, 27 mã giảm sàn so với 270 mã tăng và 18 mã tăng trần.
Tính theo thị giá của ACB thì vợ chồng bầu Kiên đang có 2.046 tỷ đồng, giảm tới 1.055,7 tỷ đồng so với mức đỉnh tháng 4/2018. |
Thị trường nhận được sự hỗ trợ đáng kể của cổ phiếu ngân hàng như CTG, MBB, VPB, TCB…
Ngoài ra, những mã có vốn hoá lớn như VNM, VIC, VRE, VJC… cũng đang phát huy vai trò của mình. Ngược lại, VHM, BID, SAB, TPB diễn biến tiêu cực đã phần nào kìm hãm đáng kể chỉ số.
Trên HNX, mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số là ACB. Mã này tăng 100 đồng tương ứng 0,34% lên 29.200 đồng/cổ phiếu đã hỗ trợ HNX-Index tăng 0,12 điểm.
Cổ phiếu ACB trong thời gian gần đây gần như đi ngang với mức tăng khiêm tốn trong suốt 1 tháng giao dịch qua đạt 0,69% và ghi nhận sụt giảm 10,14% trong 1 năm.
ACB từng đạt mức giá hơn 44.400 đồng vào 9/4/2018, thời điểm thị trường đang tăng nóng. Tuy nhiên, sự thoái trào của chỉ số sau đó cũng kéo theo mức giảm tại các mã cổ phiếu ở trên sàn. So với mức đỉnh, ACB hiện đã mất 15.067 đồng/cổ phiếu, mất 34,04% giá trị.
Thời gian qua, mặc dù đã thực hiện rút gần hết vốn khỏi Vietbank, song ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và người thân vẫn còn sở hữu lớn tại ACB.
Gia đình bầu Kiên đang nắm trên 10% cổ phần ACB và cùng gia đình ông Trần Mộng Hùng đồng sở hữu trên 5% cổ phần thông qua nhóm công ty của Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG).
Trong đó, ông Kiên sở hữu 31,57 triệu cổ phiếu còn bà Đặng Ngọc Lan sở hữu trên 38,5 triệu cổ phiếu ACB. Tính theo thị giá của ACB thì vợ chồng bầu Kiên đang có 2.046 tỷ đồng, giảm tới 1.055,7 tỷ đồng so với mức đỉnh tháng 4/2018.
Điều này có thể được cải thiện nếu giá cổ phiếu ACB tiếp tục phục hồi tốt trong bối cảnh ngân hàng này đã tăng lãi tới 2,4 lần trong năm 2018, đạt 6.388 tỷ đồng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự phân hóa tiếp tục thể hiện rõ nét khi dòng tiền chỉ chảy vào một số cổ phiếu nhất định mà thiếu sự lan tỏa sang những cổ phiếu khác cùng ngành nghề. Nguyên nhân có thể là do dòng tiền hiện tại trên thị trường là tương đối yếu.
Công ty này dự báo, trong ngắn hạn, thị trường vẫn duy trì nhịp đi ngang với các nhịp tăng giảm xen kẽ trong biên độ nhỏ. Các cổ phiếu có sự phân hóa ngày càng mạnh. Nhà đầu tư nên tiếp tục tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan tâm đến các chỉ số chung.
Theo Dân trí