Quản lý tài chính Tập đoàn Kinh tế Nhà nước
Bài 3: Hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát tài chính như thế nào?
(PetroTimes) - Mô hình Tập đoàn Kinh tế (TĐKT) có sự tham gia của Nhà nước với tỷ lệ vốn chiếm phần lớn đang gặp nhiều thách thức, do đó cần phải có sự quản lý tài chính của Nhà nước một cách chặt chẽ. Bởi vậy cần nhanh chóng hoàn thiện, đưa vào thực tiễn cơ chế giám sát tài chính các TĐKT có vốn Nhà nước.
Để hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước với TĐKT có vốn Nhà nước đầu tư, bên cạnh sự cần thiết phải giám sát tài chính theo quản lý chuyên ngành thì phải có sự quản lý, giám sát tài chính của Nhà nước đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào TĐKT.
Cần giám sát chặt các khoản đầu tư "trước" chứ không phải sau như hiện nay. |
Bởi vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy triển khai mô hình Ủy ban quản lý, giám sát tài chính của Nhà nước trên phương diện Chủ sở hữu (CSH) đầu tư vốn vừa được thành lập. Trong đó, tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phân định rõ quyền quản trị Công ty với quyền CSH (cổ đông) trong doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo Hoàn thiện thể chế phát triển TĐKT Nhà nước, PGS-TS Phạm Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính nhấn mạnh, đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước cần đảm bảo theo thông lệ của thị trường và tuân thủ theo các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Các TĐKT nhận vốn của Nhà nước để kinh doanh phải đặt mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, gia tăng giá trị vốn của Nhà nước và chịu trách nhiệm đối với phần nhiệm vụ được giao. Ngược lại, TĐKT có vốn Nhà nước cũng phải được giao thêm tính chủ động trong các quyết định đầu tư.
Từ đó, cần phải xem xét rõ nguyên tắc đầu tư và hoạt động kinh doanh đối với vốn Nhà nước là phải “bảo toàn và phát triển vốn” trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiểu như thế nào cho đúng, phù hợp.
Tiếp đến, cần hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước với TĐKT theo chức năng chủ sở hữu. Trong đó, trên cơ sở mô hình Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nêu trên, cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước cần được hoàn thiện lại để phù hợp với mô hình quản lý mới. Về cơ bản, cần thống nhất về quan điểm trong xây dựng khung chính sách cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước đối với TĐKT.
Cụ thể gồm một số điểm như tiếp tục thống nhất quan điểm “quản lý vốn Nhà nước” thay cho quan điểm “quản lý tài sản Nhà nước” như trước đây. Theo đó, cơ chế quản lý tài chính sẽ tập trung vào khâu giám sát tài chính thông qua theo dõi, kiểm tra, thu thập thông tin để phân tích, đánh giá, cảnh báo rủi ro cho các TĐKT nhằm đảm bảo an toàn vốn Nhà nước.
Tiếp theo, cần định vị chính xác trách nhiệm, quyền hạn của người góp vốn, từ đó ban hành danh mục công khai về quyền lực giám sát quản lý và về trách nhiệm, quyền hạn các bên. Xác định đầu mối chịu trách nhiệm cao nhất là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ ba, trình tự giám sát TĐKT theo hướng chú trọng giám sát trước và giám sát trong, đồng thời truy cứu trách nhiệm “sau”. Tăng cường quy chuẩn hóa cơ chế giám sát tài chính theo quy định pháp luật. Thực hiện được vấn đề này vừa tăng cường tính dự báo, kiểm soát rủi ro vừa tạo thêm dư địa cho Người đại diện CSH vốn Nhà nước có những quyết định đầu tư đúng đắn, kịp thời, nhanh chóng bắt kịp sự biến động của thị trường.
Theo PGS-TS Phạm Tiến Đạt, cần tăng quyền cho người đại diện về giám sát tài chính thông qua cho phép người đại diện tham gia vào quá trình thẩm định, đánh giá hoạt động của TĐKT không chỉ ở Công ty mẹ mà tham gia vào giám sát các công ty con có 100% vốn đầu tư từ công ty mẹ. Đồng thời, xây dựng các chỉ tiêu gồm cả định tính và định lượng để đánh giá người đại diện để tránh hiện tượng lạm quyền, có hành vi vi phạm các quy định của CSH vốn Nhà nước.
Cần làm rõ cơ chế "bảo toàn vốn Nhà nước". |
Thứ năm, hoàn thiện các bộ tiêu chí giám sát TĐKT, phù hợp với từng mô hình kinh doanh của TĐKT (mô hình công ty mẹ - công ty con trong đó công ty mẹ tham gia kinh doanh; hoặc mô hình công ty mẹ - công ty con trong đó công ty mẹ nắm vốn), chú trọng cả tiêu chí định tính và định lượng. Đồng thời xem xét áp dụng các đánh giá, xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế trong đánh giá. Xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát chung của quốc gia, áp dụng chung cho các TĐKT bên cạnh bộ chỉ tiêu giám sát chuyên ngành.
Cuối cùng, phải có quy định cơ chế báo cáo linh hoạt bao gồm cả báo cáo thông qua hệ thống nhập dữ liệu do một cơ quan thực hiện quản lý và phân cấp quyền truy cập sử dụng thông tin để báo cáo. Đồng thời, xem xét nghiên cứu để phân loại hệ thống báo cáo gồm báo cáo chung áp dụng cho mọi chủ thể quản lý, báo cáo riêng theo yêu cầu giám sát của từng chủ thể để tránh chồng chéo, trùng lắp.
Mức độ thông tin báo cáo cho CSH Nhà nước nên được phân cấp dựa trên tỷ lệ đầu tư vốn để nắm bắt thông tin chính xác và quản lý hiệu quả. Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn khung báo cáo theo tỷ lệ và để TĐKT tự quyết định thông tin báo cáo dựa trên hướng dẫn.
Có thể thấy rằng việc xây dựng một cơ chế hoàn thiện để giám sát, quản lý TĐKT là cực kỳ phức tạp. Mặc dù nghiên cứu của PGS-TS Phạm Tiến Đạt và các cộng sự đã chỉ ra những hạn chế, một số khuyến nghị để hoàn thiện chính sách về quản lý, giám sát tài chính các TĐKT có vốn nhà nước đã khá đầy đủ nhưng vẫn còn một điểm khá quan trọng chưa được xét tới đó là vấn đề “thua lỗ” của các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Hàng chục năm nay chúng ta quá quen thuộc với kinh tế “nhiệm vụ” và lúc nào cũng thắng lợi, vượt kế hoạch. Chính vì vậy, khi định lượng, đặt ra các tiêu chí quản lý giám sát tài chính cũng cần phải xét đến trường hợp đầu tư dự án lớn phải trả lãi ngân hàng, đào tạo nhân lực, khấu hao thiết bị trong hàng chục năm. Đó là chưa kể đến yếu tố thị trường khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cực lớn, sức ảnh hưởng của thị trường thế giới tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam có thể kéo doanh nghiệp phải “lỗ kế hoạch” hàng chục năm ròng trước khi có lãi.
Nếu không tính toán và cụ thể hóa vấn đề này thành cơ chế mở và toàn diện thì các TĐKT có vốn Nhà nước sẽ tiếp tục rơi vào cái vòng luẩn quẩn “bảo toàn vốn” mà không thể lớn mạnh, thực sự là trụ cột nền kinh tế quốc gia trong tương lai.
Thành Công