Hoàn thiện thể chế phát triển Tập đoàn Kinh tế Nhà nước
Bài 3: Thể chế ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp?
(PetroTimes) - Việc cải cách thể chế, đặc biệt là tôn trọng quyền sở hữu, cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch của các chủ thể kinh tế trong cùng một “sân chơi” thị trường, là điều kiện rất cần thiết để các nguồn lực có thể được phân bổ hiệu quả hơn và đó cũng chính là động lực quan trọng thúc đẩy các loại hình doanh nghiệp phát triển, góp phần vào thành công chung của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.
Vẫn chưa hoàn thiện
Trong suốt 30 năm đổi mới, các chính sách phát triển doanh nghiệp nhà nước liên tục thay đổi trong từng giai đoạn để phù hợp với điều kiện phát triển trong bối cảnh mới của hội nhập và tạo điều kiện cho toàn nền kinh tế phát triển.
Hội thảo khoa học "Hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước". |
Mở đầu là Quyết định số 217/HĐBT được ban hành với các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước được tự chủ trong sản xuất kinh doanh, hạch toán độc lập, lấy thu bù chi. Cùng với đó là các cơ chế kiểm soát thương mại trong nước được bãi bỏ.
Năm 1990, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bắt đầu được tiến hành dựa trên Quyết định số 143/HĐBT. Từ đó, hàng loạt các văn bản được ban hành nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. trong đó, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP đánh dấu nhiều chuyển biến mới trong chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đối tượng cổ phần hóa được mở rộng bao gồm cả các công ty thành viên của các tổng công ty nhà nước và ngay cả chính tổng công ty nhà nước.
Luật doanh nghiệp năm 2005 được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để quản lý khối doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp trong nền kinh tế hoạt động trong môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn. Việc xuất hiện mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) đã giúp tăng cường hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nghị định số 69/NĐ-CP cũng được ban hành dành riêng cho tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
Thay đổi đáng kể nhất của việc cải tiến mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước là Nghị định số 99/2012/NĐ-CP đã điều chỉnh lại quy định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Ngoài mục đích phân tách rõ ràng quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các cơ quan như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, UBND tỉnh, hội đồng quản trị...
Nghị định này hướng đến việc giảm bớt quyền lực của hội đồng quản trị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chuyển lên cấp trên quản lý theo thẩm quyền. Nếu doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, trách nhiệm đầu tiên là hội đồng thành viên, kế đến là bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh. Một số quyền của Thủ tướng Chính phủ cũng được chuyển sang cho Chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo Hoàn thiện thể chế phát triển Tập đoàn Kinh tế Nhà nước, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh đã thẳng thắng chỉ ra rằng, những điều chỉnh đề cập ở trên chưa đảm bảo việc tách biệt chức năng quyền sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước tại các cơ quan chủ quản. Việc thu lại một số quyền quyết định của hội đồng quản trị tại các tổng công ty, tập đoàn nhà nước chuyển lên cho các bộ chủ quản, làm cho hai chức năng này càng trở nên lẫn lộn.
Không những thế, việc thực hiện các quyền chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước lại bị phân tán cho nhiều cơ quan: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ quản lý kinh tế - kỹ thuật; các bộ quản lý chức năng như: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; UBND cấp tỉnh; hội đồng quản trị tổng công ty 91; hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế nhà nước.
Bên cạnh đó, một số cơ quan khác như Văn phòng Trung ương Đảng, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... tham gia Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cũng được hiểu gần như là tham gia quản lý, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước. Điều này khiến cho trách nhiệm giải trình và trách nhiệm pháp lý của các quyết định không được xác định rõ ràng - Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh.
DNNN chưa đạt kỳ vọng
Cho đến nay, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn được coi là hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các khu vực khác, đặc biệt trong việc tiếp cận đất đai và vốn. Đất đai không phải là mối bận tâm lớn của các doanh nghiệp nhà nước, bởi lẽ, các doanh nghiệp này được thừa hưởng mặt bằng rộng rãi, thuận lợi và đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm và hiệu quả chưa cao. |
Các doanh nghiệp nhà nước thường có lợi thế hơn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng so với các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài lý do giá trị tài sản đảm bảo lớn, doanh nghiệp nhà nước thường được đánh giá là an toàn vì được Nhà nước bảo lãnh hoặc bảo lãnh ngầm, và do đó dễ tiếp cận các nguồn ưu đãi.
Trong thực tế, quy định doanh nghiệp không được huy động vốn gấp 3 lần vốn chủ sở hữu thường chỉ áp dụng chặt chẽ với doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhiều doanh nghiệp nhà nước được coi là ngoại lệ. Không chỉ được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong nước, các doanh nghiệp nhà nước còn được ưu tiên tiếp cận vốn vay nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay tín dụng thương mại của nước ngoài hoặc được Chính phủ cho vay lại từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành.
Theo Phó giám sư -Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh, bàn sâu về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, cho thấy, về động cơ hình thành là nhằm phục vụ cho việc quản lý vĩ mô, bình ổn kinh tế, và đảm bảo an sinh xã hội; công nghiệp hóa và thu hẹp khoảng cách công nghiệp với các quốc gia phát triển thông qua lợi thế kinh tế nhờ quy mô và chuẩn bị đối diện với thách thức cạnh tranh hậu WTO. Tuy nhiên, đằng sau cả ba động cơ này là một chủ trương xuyên suốt, khu vực kinh tế nhà nước (nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước) luôn đóng vai trò chủ đạo và chi phối toàn nền kinh tế.
Đã có tổng cộng 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập. Với động cơ hình thành và phát triển như thế, các tập đoàn kinh tế nhà nước được hưởng rất nhiều ưu đãi đặc biệt từ phía Chính phủ, nhất là việc các tập đoàn kinh tế nhà nước có thể mở rộng được quy mô và phạm vi hoạt động nhờ vào nguồn tín dụng dồi dào với chi phí thấp, hoặc thông qua tín dụng nhà nước, thông qua các hình thức bảo lãnh tín dụng công khai hoặc ngầm ẩn. Được tạo mọi điều kiện để phát triển nhưng nguyên nhân do đâu mà các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn bị đánh giá là có hiệu quả thấp?
Giải đáp câu hỏi trên, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ việc hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam đều mở rộng hoạt động trong các ngành rủi ro cao như bất động sản, tài chính, ngân hàng… không hề liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn (trung bình hoạt động trong 6,4 ngành, cao nhất trong số các quốc gia trong khu vực và châu Á).
Việc mở rộng đầu tư vào các ngành ít liên quan đến ngành kinh doanh chính như vậy sẽ làm phân tán nguồn lực, hiệu quả không cao và chứa đựng rủi ro lớn. Chưa kể, cùng với sự tăng liên tục về số lượng công ty con, công ty cháu, rồi công ty liên kết, đồng thời sở hữu chéo của nhau, tất yếu sẽ hình thành những nhóm đặc quyền liên kết với nhau chặt chẽ và tác động trở lại tới chính sách của các bộ, ngành theo hướng có lợi cho nhóm. Đặc biệt, sự bành trướng quá nhanh và liên kết ngày càng chặt chẽ của các tập đoàn kinh tế nhà nước làm cho sự kiểm soát của Nhà nước trở nên khó khăn.
Có thể thấy rằng, việc hoàn thiện thể chế để các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế ngày càng bình đẳng trong sân chơi kinh tế thị trường là điều cấp thiết. Đảng và Chính phủ đang cùng lúc phải cải thiện thể chế đồng thời xử lý vấn đề lợi ích nhóm để đưa các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trở lại đúng vị trí của mình để vận hành thị trường đúng theo quy luật tất yếu của nó.
Tùng Dương