Nhật Bản-Hàn Quốc gia tăng căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột
(PetroTimes) - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 10/1 kêu gọi Nhật Bản nên có thải độ "khiêm tốn hơn" khi nhìn về lịch sử. Tuyên bố này được lãnh đạo Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh hiềm khích giữa Seoul với Tokyo về quá khứ chiến tranh, đặc biệt là trên hồ sơ gái giải sầu cho quân đội Thiên hoàng vẫn chưa thuyên giảm. Đây chỉ là một trong nhiều ngòi nổ trong quan hệ giữa hai quốc gia này.
Trong bài viết mang tựa đề “Một sự cố trên biển khơi dậy căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc”, Philippe Mesmer, thông tín viên báo Le Monde tại Tokyo, đã đi sâu vào giải thích những nguyên nhân dẫn đến trận khẩu chiến dữ dội diễn ra giữa Tokyo và Seoul hồi cuối năm ngoái, với Nhật Bản bị tố cáo là cố tình gây sự.
Báo Le Monde đã nhắc lại sự cố xảy ra ngày 20/12/2018 trên Biển Nhật Bản (mà Hàn Quốc gọi là "Biển Đông" - the East Sea) khi một máy bay trinh sát Kawasaki P-1 của Nhật Bản bay đến gần một khu trục hạm Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In |
Phía Tokyo đã tố cáo việc chiến hạm Hàn Quốc chốt radar điều khiển hỏa lực trên chiếc phi cơ Nhật Bản – có nghĩa là đã có động thái nhắm bắn. Seoul đã bác bỏ cáo buộc trên, và tố cáo ngược lại là Tokyo đã “bóp méo sự thật”, trong lúc chính máy bay tuần tra của Nhật đã gây nguy hiểm khi bay sát trên đầu tàu của Hàn Quốc.
Sự cố ngày 20/12 xảy ra ít lâu sau khi Tokyo ngày 13/12 đã cực lực đả kích các cuộc tập trận quân sự của Hàn Quốc gần quần đảo Dokdo, do Seoul kiểm soát nhưng bị Nhật Bản đòi chủ quyền (với tên gọi Takeshima). Lời đả kích của Tokyo lần này khác thường, vì trong những năm gần đây, Hàn Quốc vẫn thường có những cuộc tập trận tương tự, nhưng Nhật Bản không hề phản ứng dữ dội như vậy.
Theo Le Monde, thái độ bất mãn của Nhật Bản bắt nguồn việc từ việc chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, vào tháng 7/2018, đã đòi xét lại thỏa thuận đạt được năm 2015 giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và cựu Tổng thống Park Geun Hye (2013-2017) về việc giải quyết vĩnh viễn “vấn đề phụ nữ giải sầu”.
Một lý do khác khiến Nhật Bản giận dữ là hai phán quyết vào tháng 10 và tháng 11/2018 của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, buộc các tập đoàn Nhật Bản Nippon Steel & Sumitomo Metal và Mitsubishi Heavy Industries là phải bồi thường cho các công nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời Thế chiến Thứ hai.
Theo ghi nhận của Le Monde, phía Nhật Bản có dấu hiệu chủ động gây nên căng thẳng. Báo chí Nhật Bản đã tiết lộ rằng chính Thủ tướng Shinzo Abe đã ra lệnh cho công bố đoạn video, được mô tả là bằng chứng về hành vi nguy hiểm của Hàn Quốc, bất chấp hai cuộc gặp song phương với Seoul về vấn đề này, và ý kiến dè dặt của Bộ Quốc phòng Nhật. Đối với tờ báo Pháp, các khó khăn chính trị nội bộ của đương kim thủ tướng đã thúc đẩy ông làm căng với Hàn Quốc.
Căng thẳng giữa Seoul và Tokyo đã khiến giới phân tích quan ngại, trong bối cảnh cả hai đều là đồng minh thân thiết của Washington tại châu Á. Tokyo và Seoul đã từng ký nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó có thỏa thuận GSOMIA về chia sẻ thông tin tình báo.
Ông Shin In Kyun, giám đốc một cơ quan tham vấn tại Seoul mang tên Mạng Lưới Quốc Phòng Hàn Quốc, ghi nhận: “Sự xấu đi trong quan hệ giữa Seoul và Tokyo có thể gây tổn hại cho quan hệ hợp tác ba bên với Hoa Kỳ trong địa hạt quốc phòng”.
H.Phan