GS.TS Nguyễn Đức Khương:
Phát triển bền vững là chủ đề quốc tế quan trọng
(PetroTimes) - Tiếp nối thành công của Diễn đàn Bền vững Việt Nam (Vietnam Sustainability Forum) lần thứ I năm 2018, VSF lần thứ II sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 17 và 18.1.2019. Đây là diễn đàn quốc tế dành cho các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, và các tổ chức phi chính phủ cùng nhau chia sẻ, trình bày và thảo luận về sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp cho phát triển bền vững. Petrotimes có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đức Khương, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu – IPAG Business School (CH Pháp), Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) – đơn vị sáng lập VSF - về mục tiêu và vai trò của diễn đàn trong định hướng giải pháp phát triển và tăng trưởng bền vững…
GS.TS Nguyễn Đức Khương |
PV: VSF lần thứ Nhất 2018 đã để lại ấn tượng mạnh bởi tính bao trùm trong nội dung, với số lượng chuyên gia, diễn giả tham gia tham luận kỷ lục. VSF năm nay 2019 hướng đến những vấn đề gì, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Đức Khương: VSF 2019 có chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững”, với 5 chuyên đề: nguồn nhân lực, ảnh hưởng CMCN 4.0 đến chuyển đổi kinh tế – xã hội, bền vững môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thông điệp diễn đàn năm nay đưa ra là câu chuyện phát triển bền vững ở tầm vĩ mô. Như chúng ta đã biết, phát triển bền vững có nội hàm rộng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực và là chủ đề mang tính quốc tế quan trọng của thế kỷ 21 này. Phát triển bền vững gắn với nhu cầu của con người, dù ở nơi đâu, được sống trong một môi trường hoà bình, không ô nhiễm, an toàn và có cơ hội mưu sinh bình đẳng.
Để đảm bảo bền vững trong dài hạn, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp là chìa khoá để thành công. Điều này đặc biệt đúng trong môi trường KHCN thay đổi liên tục và sự ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, vì chỉ có con người mới có khả năng làm chủ KHCN, đổi mới sáng tạo để phục vụ mục tiêu phát triển của mình. Bên cạnh đó, để chính sách phát triển bền vững đi vào cuộc sống cần sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của mọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức và chính quyền. Các giải pháp, những cách làm tốt nhất đến từ kinh nghiệm trong và ngoài nước cần được chia sẻ, thảo luận và đưa vào thực tiễn.
PV: Yếu tố nhân lực trong phát triển bền vững liên quan trực tiếp đến thế hệ tương lai. Vậy vấn đề cốt lõi ở Việt Nam hiện nay có được đề cập đến trong diễn đàn năm nay không, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Đức Khương: Như tôi đã chia sẻ trên nhiều diễn đàn và nhiều thời điểm, con người là yếu tố nền tảng của toàn bộ quá trình phát triển. Khảo sát năm 2016 của tập đoàn tư vấn PwC về công nghiệp 4.0 chỉ ra rằng: thách thức lớn nhất của các nhà lãnh đạo trong tương lai không phải là công nghệ, mà chính là con người. Khi CMCN 4.0 đưa công nghệ vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, nguồn nhân lực tay nghề cao sẽ thành yếu tố quyết định để nền kinh tế vận hành được, bao gồm cả những kỹ sư máy tính, điện, điện tử, kỹ sư công nghệ số, kỹ sư tự động hoá v.v. Để Việt Nam tiếp nhận và tiến tới làm chủ được công nghệ, thậm chí cải tiến, phát minh ra những công nghệ mới, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chính là điểm khởi đầu mấu chốt. Chính vì vậy, việc xây dựng và cải cách chương trình giáo dục đào tạo không chỉ để phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế mà còn phải đón đầu nhu cầu của tương lai. Chúng ta cần một chiến lược tổng thể hướng tới nâng cao chất lượng lao động, với các kế hoạch chi tiết theo phân khúc lứa tuổi và ngành nghề.
Ứng dựng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình |
PV: Những yếu tố cốt lõi của CMCN 4.0 là gì và vai trò của công nghệ 4.0 trong phát triển bền vững?
GS.TS Nguyễn Đức Khương: Những yếu tố cốt lõi là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Công nghệ trong thời đại CMCN 4.0 đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có thể đưa đến thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế, lao động và phương thức sản xuất. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người trong cả dịch vụ và sản xuất; trong khi đó, IoT và dữ liệu lớn sẽ cho phép nắm bắt (và đón bắt) nhu cầu khách hàng rõ ràng hơn và nhanh hơn. Tốc độ dịch chuyển của nền kinh tế cũng vì thế mà nhanh hơn rất nhiều so với hiện tại. Tốc độ vận hành của nền kinh tế tăng lên sẽ vừa là thử thách, vừa là cơ hội cho mô hình phát triển bền vững.
Mặt khác, công nghệ 4.0 nói chung góp phần thay đổi cơ bản cách khai thác và sử dụng nguyên nhiên vật liệu, chuyển hoá nền kinh tế từ mô hình khai thác-dùng-bỏ hiện nay sang mô hình tuần hoàn sản xuất, tái sử dụng và tái chế. Trên phương diện phát triển bền vững, công nghệ 4.0 được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác quan trọng mà thế giới đang rất cần để chuyển đổi khỏi lối mòn hiện tại. Với AI, IoT và dữ liệu lớn, các quyết định kinh tế sẽ có tính hiệu quả khác biệt, với căn cứ khoa học và ảnh hưởng đến tính bền vững của môi trường - xã hội được đo lường rõ ràng.
PV: Tỷ trọng của lĩnh vực nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ một phần lớn. Nông nghiệp công nghệ cao có phải là công nghiệp hóa nông nghiệp? Và liệu có đi ngược lại với nguyên tắc phát triển bền vững về môi trường, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Đức Khương: Công nghiệp hoá nông nghiệp được hiểu là đổi mới công cụ, máy móc và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp để tăng quy mô sản xuất, năng suất và chất lương. Công nghệ cao có hàm lượng tích tụ khoa học và tiến bộ kỹ thuật ở một trình độ tiên tiến, có tính tương thích và thân thiện với môi trường cao. Do vậy, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của phát triển bền vững, sử dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn đưa đến những tính năng ưu việt cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, và tạo điều kiện thuận lợi cho thâm nhập chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Hiện nay, các quốc gia phát triển hàng đầu đang tập trung xây dựng nền nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu nhờ ứng dụng công nghệ cao. Mục đích là tăng năng suất và thu nhập, xây dựng khả năng thích nghi và chống chịu với biến đối khí hậu, và giảm phát khí thải nhà kính ở mọi công đoạn của chu trình sản xuất.
PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!
Lê Tùng (thực hiện)