Châu Âu khởi động cuộc đua xe điện với châu Á
(PetroTimes) - Maros Sefcovic, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, vừa khởi sự chương trình đầu tư lớn, được mệnh danh là “kế hoạch Airbus về ắc quy xe hơi” (đầu tư có thể lên tới 250 tỉ euro, từ nay đến 2025). Dự án của châu Âu mang tên chính thức “Liên minh Ắc quy châu Âu”, với trụ cột là Đức và Pháp, hai quốc gia chế tạo xe hơi hàng đầu của khối.
Quyết định của châu Âu tài trợ mạnh cho lĩnh vực chế tạo ắc quy, vừa được đưa ra, có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng trong cuộc chiến xe hơi điện, nơi các nhà sản xuất châu Á đang dẫn đầu. Vì sao châu Âu lại đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm này?
Điều cơ bản là vì ắc quy xe hơi điện chiếm đến 40% giá trị của một chiếc xe. Hiện tại, châu Âu rất mạnh về động cơ và bộ phận kiểm soát tốc độ, nhưng lại yếu về ắc quy. Dự kiến đến năm 2025, bốn quốc gia chính trong lĩnh vực xe hơi điện, rất có thể trong đó sẽ có Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc (đang đứng đầu thị trường hiện nay), sẽ chiếm hơn 71% thị trường xe hơi điện toàn cầu.
Maros Sefcovic, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu |
Hiện tại có hai hướng đầu tư. Một là nhanh chóng đầu tư xây dựng một nhà máy ắc quy lithium-ion. Nhược điểm của hướng này là thời điểm nhập cuộc hiện nay là quá trễ, châu Âu sẽ khó mà cạnh tranh lại các tập đoàn châu Á đi trước. Hướng thứ hai là đầu tư cho nghiên cứu sản xuất “ắc quy rắn”. Đây là hướng đi của Saft - chi nhánh của tập đoàn Total - chuyên về ắc quy. Dự tính phải hơn 10 năm sản phẩm này mới có thể ra lò, nhưng ưu thế của ắc quy này là an toàn hơn, hiệu suất hơn, và cần ít kim loại hiếm hơn.
Chạy đua để không bị bỏ rơi trong cuộc chiến xe hơi điện có ý nghĩa quan trọng trước hết, để giúp châu Âu có thể thực hiện được các mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngay tại chính châu lục. Hiện tại, Bruxelles đang đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chính vì vậy các nhà sản xuất sẽ buộc phải tăng tốc cuộc đua xe hơi điện.
S.Phương