Người Việt thấp hơn chuẩn của thế giới
(PetroTimes) - Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực.
Người Việt vẫn chưa tăng trưởng chiều cao |
Người Việt vẫn… lùn? |
Đó là thông tin được GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết tại Hội thảo Quốc tế về Dinh dưỡng người Việt diễn ra mới đây.
Trong những năm qua, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở nước ta đã cải thiện đáng kể, năm 2017 còn 24,3% suy dinh dưỡng thể thấp còi và 13,4% suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (so với 59% và 52% năm 1985). Tuy nhiên, hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7cm.
Các chuyên gia nhấn mạnh, dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng, kiểm soát sức khoẻ, bệnh tật trong các giai đoạn của vòng đời. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng với 3 vai trò chính gồm: Tạo điều kiện thuận lợi để có thể có sức khỏe tốt; Phòng ngừa các bệnh liên quan đến ăn uống; Khôi phục sức khỏe sau thời kỳ bệnh tật, thương tích.
(Ảnh minh họa) |
Chính vì vậy, đầu tư cho dinh dưỡng xuyên suốt vòng đời không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội thiết thực. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ, để đầu tư hợp lý cả về nhận thức, lẫn hành vi tiêu dùng cho vấn đề dinh dưỡng đang là vấn đề cấp bách của xã hội phát triển.
Các cuộc điều tra dân số, khảo sát về tình trạng sức khoẻ nhân dân cho thấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, như: cải thiện chiều cao, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, sức khoẻ bà mẹ trẻ em được đầu tư đích đáng hơn, tuổi thọ được nâng lên và đã có nhiều giải pháp hiệu quả đối với các dịch bệnh.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì các nguy cơ mới về sức khoẻ đến từ thói quen ăn uống như: ăn uống mất cân bằng, khẩu phần ăn quá nhiều đạm động vật, sử dụng đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, dùng nhiều đường tinh luyện dẫn tới bùng phát các bệnh mạn tính không lây (như đái tháo đường, béo phì, tim mạch, ung thư, loãng xương…).
Cùng với đó, các vấn đề về dinh dưỡng của lao động trong các khu công nghiệp, trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời; trẻ em lứa tuổi vàng từ mẫu giáo tới tiểu học cũng chưa được quan tâm đúng mức…
Để cải thiện tầm vóc người Việt, các chuyên gia dinh dưỡng đã xây dựng Đề án Dinh dưỡng cho người Việt bao gồm 6 tiểu đề án: Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ. Nghiên cứu đề xuất phương án cải thiện tình trạng dinh dưỡng và bữa ăn cho trẻ lứa tuổi học đường. Nghiên cứu, đề xuất phưogn án cải thiện dinh dưỡng cho người lao động, đặc biệt cho nữ công nhân. Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện khẩu phần ăn và tình trạng dinh dưỡng cho người cao tuổi. Nghiên cứu vai trò dinh dưỡng trong phòng chống (béo phì, tiểu đường, loãng xương…) đề xuất các giải pháp cải thiện dinh dưỡng cho các người mắc các bệnh không lây nhiễm. Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện khẩu phần ăn và tình trạng dinh dưỡng cho người luyện tập thể thao.
Với Đề án dinh dưỡng cho người Việt này, các chuyên gia muốn hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù được công bố, mang lại giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng bằng cách xây dựng thực đơn với năng lượng hợp lý, cân bằng vi chất, đồng thời cung cấp các sản phẩm thích hợp cho mọi đối tượng, từ đó tạo tiền đề cho sự tăng trưởng tối ưu cho trẻ khi trưởng thành, tăng cường sức khoẻ về thể chất của người lao động, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính không lây, người tập thể dục thể thao, làm giảm nguy cơ bệnh tật, nâng cao hiệu quả luyện tập, làm chậm quá trình lão hoá, kéo dài tuổi thọ…
Các giải pháp này cũng góp phần tạo thay đổi có tính bước ngoặt thói quen tiêu dùng, tạo cú hích trong ngành thực phẩm để trở về với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, hài hòa và cân chỉnh dinh dưỡng. Mục tiêu của Đề án là đồng hành cùng Chính phủ và các bộ ngành giúp người Việt có tầm vóc sánh ngang với các nước phát triển trên thế giới.