31 quốc gia tham gia "Chạy vì hổ" năm 2018
(PetroTimes) - Ngày 9/12, tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội), hơn 750 người đến từ 31 quốc gia đã tham gia sự kiện “Chạy vì hổ”, để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với những nỗ lực nhằm bảo tồn “chúa tể sơn lâm” trước nguy cơ tuyệt chủng.
Đây là giải chạy bán ma-ra-tông thường niên lần thứ 12 năm 2018 được Câu lạc bộ Chạy tình nguyện Hà Nội (Red River Runners) phối hợp với Công ty Sporting Republic và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức để gây quỹ cho các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam.
Giải “Chạy vì hổ” năm nay thu hút hơn 750 cá nhân từ 31 quốc gia |
Bên cạnh nhiều cá nhân đăng ký tham gia, giải chạy còn quy tụ nhiều nhóm chạy đến từ các cơ quan, doanh nghiệp như Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty Peak DMC Việt Nam... Đặc biệt, Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy lần đầu tiên tham gia giải chạy.
Ông Jody O’Dea, đại diện Red River Runners vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào vì có sự tham gia và hưởng ứng nhiệt tình của các cá nhân, tổ chức. Đây chính là cách cộng đồng thể hiện sự quan tâm và mong muốn bảo vệ hổ. Hy vọng tinh thần của giải chạy sẽ tiếp tục được lan tỏa để góp phần bảo vệ loài động vật quý hiếm này khỏi nguy cơ tuyệt chủng”.
Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy (ở giữa) lần đầu tiên tham gia giải chạy |
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ là nguyên nhân khiến quần thể hổ trong tự nhiên ở Việt Nam và các nước trong khu vực bị suy giảm mạnh trong những thập niên gần đây. Một số nhà khoa học ước tính Việt Nam hiện chỉ còn chưa đến 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Mối đe dọa lớn nhất đối với hổ tại Việt Nam là hoạt động săn bắn và buôn bán hổ trái phép cũng như việc mất môi trường sống. Hổ bị buôn bán chủ yếu để lấy xương làm cao hổ cốt.
Chụp ảnh thể hiện mong muốn bảo vệ hổ |
Phó Giám đốc ENV Nguyễn Thị Phương Dung chia sẻ: “Chúng ta không thể tiếp tục để mất đi một loài động vật quý hiếm nữa. Sự tuyệt chủng của tê giác một sừng tại Việt Nam năm 2010 là mất mát quá lớn. Đã đến lúc chúng ta cần chuyển từ nhận thức sang hành động để bảo vệ loài sinh vật dũng mãnh này trước khi quá muộn”.
Trái ngược với sự suy giảm nghiêm trọng trong tự nhiên, số lượng hổ bị nuôi nhốt lại gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, với khoảng 241 cá thể, tại 17 vườn thú và các cơ sở tư nhân khác trên cả nước. Qua nhiều năm điều tra và giám sát các cơ sở gây nuôi hổ, ENV nhận thấy một số cơ sở, trong đó có cả các vườn thú có dấu hiệu của hoạt động buôn bán hổ trái phép cũng như liên quan đến những mạng lưới buôn bán động vật hoang dã trái phép.
“Cách tốt nhất để bảo vệ loài hổ là để chúng được sống trong môi trường tự nhiên. Đây cũng là thông điệp mà giải chạy bán ma-ra-tông năm nay muốn truyền tải tới cộng đồng”, bà Dung nhấn mạnh.
Phó Giám đốc ENV Nguyễn Thị Phương Dung kêu gọi các cơ quan chức năng có những biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng số lượng hổ tại các cơ sở nuôi nhốt bởi hoạt động gây nuôi hổ như hiện nay hầu như không có giá trị bảo tồn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng địa phương cần tích cực và quyết liệt vào cuộc để xử lý các trường hợp nuôi nhốt hổ trái phép tại các hộ dân, đặc biệt là ở Nghệ An - điểm nóng về hoạt động buôn bán hổ trái phép.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc ENV Nguyễn Thị Phương Dung cũng kêu gọi cộng đồng góp sức bảo vệ hổ bằng cách không sử dụng các sản phẩm từ hổ, đồng thời thông báo các vi phạm về hổ tới cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã miễn phí của ENV 1800-1522.
N.H (T/h)
Phát động cuộc thi viết thư ‘Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn’ |
Công bố Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến |
Tổ chức bảo vệ động vật kêu gọi cấm xiếc thú ở Việt Nam |