Doanh nghiệp siêu nhỏ khó phát triển vì tầm nhìn hẹp
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ tại hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ” do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Viện Tài chính và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết, năm 2017, xét về tỷ trọng đóng góp trong GDP, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã đóng góp khoảng 43% GDP. Đặc biệt, khu vực KTTN đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội…
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương |
Mặc dù khu vực KTTN đóng góp gần 43% GDP, nhưng doanh nghiệp (DN) tư nhân mới chỉ đóng góp gần 8% GDP, phần lớn còn lại thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Nghĩa là số đông trong khu vực KTTN vẫn là các hộ kinh doanh, các DN nhỏ, siêu nhỏ, mặc dù đã có nhiều chính sách khuyến khích việc chuyển đổi này, nhằm tăng khu vực DN chính thức, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực KTTN.
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết, riêng quý I/2018, cả nước có hơn 26.700 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 278.500 tỷ đồng. Số DN đăng ký thành lập mới phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90% trên tổng số DN đăng ký mới.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, vấn đề đặt ra là với số lượng lớn như vậy nhưng “sức khỏe” của các DN siêu nhỏ như thế nào, họ có khả năng trụ vững rồi lớn lên thành DN nhỏ và vừa, hay lại vẫn loay hoay ở dạng siêu nhỏ hoặc đuối quá thì thành lập mới một thời gian rồi rơi vào “điệp khúc” đóng cửa, giải thể?
Ban đầu của nhiều DN siêu nhỏ là những hộ kinh doanh cá thể với kinh nghiệm mua đi bán lại hàng hóa, sau đó có điều kiện thì đầu tư thêm vào sản xuất. Nhân sự của họ phần lớn là người thân trong gia đình.
Thời gian đầu mới thành lập, nhiều DN siêu nhỏ hoạt động khá tốt và cũng có tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, thời gian sau, có nhiều DN siêu nhỏ kiểu gia đình lại quen với cách làm cũ và ngại với cách làm mới vì sợ đảo lộn trật tự trong hoạt động DN và thiếu niềm tin khi thay đổi.
Toàn cảnh hội thảo |
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho hay, nhiều DN siêu nhỏ thường có quan niệm bảo thủ rằng khi đầu tư là muốn có ngay doanh số, sớm có lợi nhuận. Trong khi đó, việc đầu tư là phải tính đến dài hạn, thời gian thu hồi lại khá lâu, chưa chắc bảo đảm sớm có lợi nhuận. Chính vì vậy mà các DN siêu nhỏ kiểu gia đình thường không mạnh dạn đột phá làm theo cách mới.
Nguồn lực mỏng, vốn hạn hẹp nhưng có những DN siêu nhỏ lại không có thói quen đi vay vốn ngân hàng vì sợ thiếu nợ. Bên cạnh đó, nếu đáp ứng nhu cầu vay thì họ phải có bản kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của phía ngân hàng, rồi còn vấn đề công khai minh bạch sổ sách chứng từ (điều mà các DN gia đình không muốn).
Vì vậy, việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng tầm quy mô đối với các DN siêu nhỏ vẫn còn hạn chế lớn. Với việc không vay vốn nên DN siêu nhỏ không có công nghệ mới, phương tiện thiết bị cũ kỹ, quy trình làm việc cũng cũ, cộng thêm việc ít chịu khám phá thị trường mới, khách hàng mới.
Trong khi đó, chính bản thân DN siêu nhỏ còn chủ quan không biết rằng DN mình đang chịu áp lực cạnh tranh dữ dội từ rất nhiều đối thủ tiềm tàng có thể đe dọa sự tồn tại của họ trong tương lai.
Nguyễn Hoan
Tổ chức tín dụng... đỏ mắt đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp để cho vay |
Để ngân hàng hết "ngại" cho DNNVV vay vốn |
Doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn để tiếp cận công nghệ |