Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ
(PetroTimes) - Ngày 27/11, tại Hà Nội, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Viện Tài chính và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo quốc tế “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính cho biết, tại Việt Nam, ngoại trừ những doanh nghiệp siêu nhỏ, không thể không nhắc đến hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong đó có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động.
PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính phát biểu tại hội thảo |
PGS.TS Hoàng Trần Hậu nhấn mạnh, trong nhiều năm tới, khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là một trong những động cơ chạy chính cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là khối này chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô (tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động, thị phần…), thường tập trung vào các vấn đề như lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng, ổn định, củng cố thị phần đã có hay phát triển thị trường từng bước và có chọn lọc khâu, điểm đột phá thuận lợi nhất. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước.
Theo PGS.TS Hoàng Trần Hậu, quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc, chính sách bảo hộ của các quốc gia, sự phức tạp trong chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đã và đang làm khó cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nói riêng mà trong đó chính sách hỗ trợ về thuế, và tiếp cận nguồn vốn là một trong những vướng mắc mà doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đang gặp phải.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, làm rõ những vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đang phải đối mặt và tìm kiếm các giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn như: vấn đề về doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, chính sách trợ giúp phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam.
Thực trạng các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể của Trung Quốc; Kinh nghiệm trong tiếp cận các nguồn lực tài chính; Chính sách thuế: miễn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam; Tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp siêu nhỏ; và chính sách thuế cho phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể của Trung Quốc.
TS. Tôn Thu Hiền, Học viện Tài chính cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế đã có những tác động nhất định đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, cùng với chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, để khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ cần có các ưu đãi thuế cụ thể hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đó là: cần áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn cho doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ.
Cần áp dụng hình thức khấu trừ thuế đầu tư đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ kinh doanh; đơn giản hóa và tăng hiệu lực quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; áp dụng chế độ kế toán tiền mặt đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ; ưu đãi về việc đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguyễn Hoan