Hy vọng ASEAN không phải chọn đứng về phe Mỹ hoặc Trung Quốc!
(PetroTimes) - Lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo các nước tham dự cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea bế mạc hôm 18/11/2018 không thể ra tuyên bố chung. Nguyên nhân là sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc họp APEC tại Papua New Guinea diễn ra ngay sau cuộc họp thượng đỉnh ASEAN và Đông Á tại Singapore cũng có sự tham gia của các cường quốc trên, trong đó có cả Tổng thống Putin, Phó Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản… Hai hội nghị này đã thành công tốt đẹp, phần nào nhờ sự điều hành của nước chủ nhà Singapore.
Phát biểu bế mạc thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long nhấn mạnh ASEAN muốn làm việc với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Theo Thủ tướng Singapore, quan hệ Mỹ - Trung là quan hệ quan trọng nhất trong các mối quan hệ song phương và mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này có tác động rất lớn đối với ASEAN. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng: “Nếu là bạn với hai quốc gia đang ở hai hướng đối nghịch, đôi khi người ta có thể có mối quan hệ tốt với cả hai, nhưng cũng có khi sẽ gặp phải sự lúng túng nếu cố gắng giữ sự thân thiện với cả hai. Tôi nghĩ chúng ta không muốn phải có sự chọn lựa, nhưng hoàn cảnh có thể đẩy đưa đến việc khối ASEAN có thể phải chọn một trong hai. Tôi chỉ hy vọng là điều đó sẽ không xảy ra quá sớm”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tại APEC ở Papua New Guinea |
Tuy nhiên, vai trò của Papua New Guinea tại APEC lại khá mờ nhạt. Sau các màn đấu khẩu dữ dội giữa Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Các nhà lãnh đạo APEC tự quyết định, thay vì ra bản tuyên bố chung như truyền thống, và giao cho nước chủ nhà Papua New Guinea thay mặt tất cả các thành viên đưa ra một bản tuyên bố”. Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neil sau đó chỉ phát biểu ngắn gọn với báo chí: “Quý vị biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi biết nói gì hơn?”.
Thông tin trên trang web của APEC cho biết, kể từ cuộc họp đầu tiên năm 1993, các kỳ họp hằng năm của APEC đều ra tuyên bố chung của các lãnh đạo.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN |
Có thể nói, Papua New Guinea đã thất bại trong nỗ lực san bằng bất đồng giữa hai người khổng lồ của diễn đàn APEC là Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia Euan Graham thuộc Trung tâm nghiên cứu về châu Á đại học La Trobe - Úc, "lấy làm tiếc cho Papua New Guinea", bị kẹt giữa hai siêu cường quốc kinh tế và quân sự là Mỹ và Trung Quốc. Vẫn theo chuyên gia này, trong bối cảnh tinh thần dân tộc chủ nghĩa và chủ trương bảo hộ đang dâng cao, nền tảng của APEC đã phần nào bị lung lay. Nhưng việc Hội nghị APEC lần này không tìm được một đồng thuận tối thiểu để ra bản tuyên bố chung kết thúc hai ngày họp là một vố đau với toàn thể khối 21 nền kinh tế trong vành đai Thái Bình Dương, vốn xem tự do mậu dịch là một ưu tiên.
Trước khi lãnh đạo của 21 nền kinh tế tham gia Diễn đàn APEC tập hợp về Port Moresby, nhà quan sát thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, William Reinsch nói với hãng tin Pháp AFP: "Mong đợi từ cuộc họp cấp cao lần này không nhiều mà ngay cả những mục tiêu ít ỏi đó cũng ít hy vọng đạt được". Hai nhân vật chủ chốt trong số 21 lãnh đạo thành viên APEC là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga, Vladimir Putin đều vắng mặt. Bản thân diễn đàn APEC vốn được lập ra gần 4 thập kỷ nay nhằm thúc đẩy tự do mậu dịch, lần này đã trở thành đấu trường giữa Mỹ và Trung Quốc cũng trên vấn đề thương mại.
Đông Nam Á giờ khác xưa rồi! |
Vì sao Tổng thống Nga lần đầu tiên tham dự thượng đỉnh Đông Á? |
Nga tăng xuất khẩu LNG đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương |
Th.Long