Rào cản lớn nhất khiến Mỹ-Trung khó hóa giải căng thẳng
Giới quan sát cho rằng kịch bản Mỹ và Trung Quốc sẽ “xích lại gần nhau” sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina sẽ khó xảy ra. Ngay cả khi 2 bên đạt được thỏa thuận thương mại, các vấn đề liên quan tới nghi vấn Trung Quốc gián điệp công nghệ dự kiến sẽ không thể kết thúc một sớm, một chiều.
(Ảnh minh họa: Asia Times) |
Theo SCMP, kỳ vọng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cải thiện quan hệ và xích lại gần hơn sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng này, dường như sẽ khó lòng xảy ra.
Ngay cả những thông điệp có tính tích cực từ ông Trump hay truyền thông Trung Quốc về kế hoạch gặp gỡ và dùng bữa tối với ông Tập được đưa ra, giới quan sát vẫn hoài nghi về triển vọng Mỹ-Trung sẽ sớm phục hồi quan hệ.
Họ cho rằng, vấn đề về công nghệ chính là dấu hiệu cho thấy sự khác biệt lớn nhất, trọng tâm nhất trong quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hàng loạt những khúc mắc liên quan tới lĩnh vực này bao gồm Mỹ cáo buộc Trung Quốc chiếm đoạt công nghệ, chính sách phát triển công nghiệp của Bắc Kinh, các tiêu chuẩn về an ninh mạng mà Trung Quốc mới thông qua hay việc Washington kêu gọi cảnh giác cao độ với những thực thể Trung Quốc đang làm nghiên cứu về công nghệ tại Mỹ.
Chuyên gia Samm Sacks tại trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) nhận định rằng: “Nếu quan sát chính sách của chính quyền ông Trump trong vài tuần qua, họ dường như đã tập trung vào các chiến lược gây dựng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ cũng đã đánh vào tham vọng trở thành bá chủ công nghệ của Bắc Kinh, thứ có thể làm suy yếu khả năng lãnh đạo của Mỹ".
Ông Sacks cho rằng các vấn đề liên quan tới gián điệp công nghệ, phương cách tiếp cận thị trường Trung Quốc, hay vấn đề kiểm duyệt an ninh mạng sẽ nằm trong chương trình nghị sự mà ông Trump mang tới bàn bạc với ông Tập trong cuộc gặp ở Argentina sắp tới.
Ngay cả các nhà đầu tư Mỹ cũng không phản ứng quá tích cực với triển vọng về việc Mỹ-Trung cải thiện quan hệ trong tương lai gần. Họ dường như cho rằng cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo hiện thời vẫn còn quá sớm để giải quyết mọi vấn đề. Các chỉ số trên thị trường chứng khoán vẫn giảm nhẹ, không khởi sắc dù thị trường nhận được thông tin tích cực hơn trước đó.
Thỏa thuận xoa dịu căng thẳng
Thêm vào đó, sau khi ông Trump tuyên bố ông có một cuộc hội thoại hiệu quả với ông Tập vào ngày 1/11 về cuộc gặp ở sự kiện G20, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions lại có phát ngôn rất cứng rắn về cáo buộc Trung Quốc có tham vọng chiếm đoạt công nghệ Mỹ.
“Như vậy là quá đủ rồi. Chúng tôi sẽ không kiềm chế thêm nữa”, ông Sessions phát biểu sau khi Bộ Tư pháp nước này cáo buộc công ty Trung Quốc Fujian Jinhua, công ty đối tác United Microelectronics và 3 cá nhân chiếm đoạt bí mật kinh doanh từ Micron, nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất Mỹ.
Trước đó 2 ngày, Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc 10 điệp viên Trung Quốc âm mưu chiếm đoạt công nghệ hàng không từ công ty Mỹ. Chỉ trong vòng 2 tháng, Mỹ đã có 3 cáo buộc tương tự nhằm vào các cá nhân, thực thể Trung Quốc.
Tổ chức Eurasia Group (Mỹ) cho rằng việc bảo vệ nền tảng an ninh quốc gia và vị trí số 1 trong nền công nghệ thế giới là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ thời điểm hiện tại. Mỹ có thể sẽ quyết liệt hơn nữa trong vấn đề này, viện dẫn thỏa thuận được ký năm 2015 giữa ông Tập và cựu Tổng thống Barack Obama về việc cấm các hoạt động chiếm đoạt công nghệ do chính phủ hỗ trợ nhằm đạt được mục đích thương mại.
Derek Scissors, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại viện doanh nghiệp Mỹ ở Washington nhận định rằng, với tình hình hiện tại, cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ là dịp để họ đưa ra động thái nhằm làm xuống thang căng thẳng giữa 2 nước, và về lâu dài, vấn đề liên quan tới Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ không thể giải quyết một cách nhanh chóng.
Chuyên gia này cho rằng nếu cuộc gặp bên lề G20 có đạt được một thành tựu nào đó, ví dụ như việc 2 bên ký thỏa thuận thương mại, đó hoàn toàn chỉ có ý nghĩa như “hiệp định ngừng bắn” và chưa thể làm Washington thỏa mãn.
Chính quyền Tổng thống Trump thường nói nhiều về thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng mặt khác, họ cũng đã có những động thái nhằm buộc Trung Quốc từ bỏ chương trình “Made in China 2025”. Đây là sáng kiến nhằm giúp Trung Quốc trở thành bá chủ công nghệ thế giới bằng cách chuyển trọng tâm từ nghiên cứu đầu tư trong nước sang đổ tiền vào các thị trường nước ngoài, tập trung vào ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và du hành không gian.
Theo Dân trí
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Cường quốc đấu nhau, thế giới hưởng lợi |
Trung Quốc ngừng mua dầu thô của Mỹ |