Lao động Việt Nam chỉ "vàng" về số lượng chứ chưa "vàng" về chất lượng
(PetroTimes) - Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tại diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 31/10, tại Hà Nội.
Toàn cảnh diễn đàn |
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Tiến sĩ Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và mức độ tham gia vào cuộc cách mạng này ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Với nước ta, Chính phủ đang tích cực, chủ động tham gia vào cuộc cách mạng này, minh chứng rõ nhất là đang xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Dù mới khởi đầu nhưng cuộc cách mạng này đã có tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội nước ta, trong đó lĩnh vực lao động, việc làm được cho là ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi sự phát triển nhanh tróng và vượt bậc của khoa học và công nghệ nối chung, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot, công nghệ tự động hóa nói riêng… Những thành tựu này đang giúp sức lao động hoặc có thể đảm nhận công việc thay cho con người trong lao động, sản xuất với hiệu quả va năng suất cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là giải phóng sức lao động của con người, sản xuất với hiệu quả và năng suất cao hơn, thì cũng đan xen cả những thách thức nhất định, đó là vấn đề thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập có nguy cơ gia tăng nhanh, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng ra nếu nước ta không tận dụng được những cơ hội tốt mà cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia trình bày chuyên đề tại diễn đàn |
Bàn về vị thế và cầu lao động giản đơn ở nước ta trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định, vị thế của lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ ngày càng được khẳng định về chất, nhưng cầu loại hình lao động này nói chung ngày càng giảm mạnh tạo nên bức tranh lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu ngày càng lớn, nếu chúng ta không có giải pháp đột phá và mang tầm chiến lược.
Có thể nói, trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công việc nặng nhọc đang được chuyển giao cho máy móc, công việc đòi hỏi kỹ năng tinh tế và chính xác hay công việc được thực hiện theo quy trình lập sẵn cũng đang được robot đảm nhận ngày càng nhiều dưới sự giám sát và điều khiển của con người.
Vì thế, dự báo trong tương lai chủ yếu sẽ chỉ còn những lao động có tiềm năng về tư duy trí tuệ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với nhu cầu phát triển. Còn lao động giản đơn sẽ chỉ có thể đảm nhận những công việc mang tính chất dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu đòi hỏi kỹ năng mềm ngày càng cao. Đây cũng chính là tính tất yếu trong phân công lao động xã hội thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật chia sẻ: “Là một quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng bởi có gần 77% (hơn 43 triệu lao động) lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây là một nút thắt lớn trong trục phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và được cho là không dễ khai thông trong “một sớm một chiều” bởi một lực lượng lao động giản đơn vẫn còn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt hàng thập kỷ qua”.
Số liệu thống kê cho thấy, số lao động giản đơn hằng năm của Việt Nam gần như không giảm hoặc giảm rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017. Với khoảng 43 triệu lao động giản đơn hiện nay thì phần lớn không phải là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức, mà chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động tự do và lao động trong khu vực phi chính thức, có công việc không ổn định và thu nhập thấp.
Thực tế đã bắt đầu cho thấy, loại hình lao động này đã khá ít trong khu vực chính thức, tương lai sẽ càng ít hơn, bởi giới chủ doanh nghiệp đều đã phải tính đến bài toán áp dụng tự động hóa nói riêng, công nghệ hiện đại đa tiện ích nói chung, để nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh. Xu hướng này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân lực không phù hợp trong tương lai, chuyển dịch ngày càng nhanh chóng từ tận dụng lao động giản đơn, giá rẻ sang tận dụng máy móc, công nghệ hiện đại.
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Thuật và nhóm nghiên cứu khẳng định, trong thời đại mới, dù robot, nhà máy thông minh hay dây chuyền sản xuất hiện đại hoàn toàn có thể thay thế, làm tốt hơn người lao động ở một số công việc nhất định, nhưng điều này sẽ không thể diễn ra theo hướng một chiều. Trên thực tế, việc làm truyền thống trong một số ngành nghề giảm đi, thậm chí sẽ mất đi, nhưng bên cạnh đó, xu hướng việc làm mới cũng sẽ được tạo ra cho người lao động nói chung và lao động giản đơn, đặc biệt là việc làm trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ, phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội ngày càng đa dạng.
Tuy nhiên, nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực đáp ứng cách mang công nghiệp 4.0 vẫn là bài toán lớn cho nền kinh tế, cần giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tinh gọn để gia tăng lực lượng lao động có trình độ tay nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Đây chính là yêu cầu khách quan, cấp bách và cũng là cơ hội tốt để nước ta giảm nguồn cung lao động lớn về lượng, thấp về chất bằng cách đào tạo, bồi dưỡng có chọn lọc nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng cao.
Nguyễn Hoan
Tại sao năng suất lao động Việt Nam thấp? |
Giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến người lao động |
Năng suất lao động Việt Nam vẫn còn thấp |