Việt Nam là “miền đất hứa” cho điện gió
(PetroTimes) - Đó là khẳng định của ông Ti Chee Liang - Chủ tịch Công ty Janakuasa Singgapre, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh.
PV: Thưa ông, UBND tỉnh Trà Vinh vừa đồng ý chủ trương cho phép Janakuasa/Ecotech triển khai 2 dự án điện gió tại địa phương. Ông có thể cho biết, vì sao công ty lại lựa chọn đầu tư vào điện gió - một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam?
Ông Ti Chee Liang |
Ông Ti Chee Liang: Có hai lý do chính.
Thứ nhất, năng lượng xanh là xu thế phát triển trên thế giới. Có nhiều trang trại điện gió và điện mặt trời đã được xây dựng tại các nước châu Âu. Năng lượng xanh ngày càng góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sống. Thế giới hiện nay đã sử dụng xe điện thay thế xe sử dụng xăng, dầu trong giao thông đường bộ và Công ty Sản xuất xe điện Tesla là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới.
Thứ hai, khi nền kinh tế phát triển và nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn, việc bổ sung nguồn năng lượng xanh, sạch ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Janakuasa mong muốn trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng xanh.
PV: Những khó khăn khi đầu tư dự án điện gió là gì, thưa ông?
Ông Ti Chee Liang: Tôi phải thừa nhận rằng, về mặt kỹ thuật, các dự án nhà máy điện gió rất phức tạp, đòi hỏi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về hệ thống điện quốc gia. Mặt khác, dự án điện gió có suất đầu tư rất lớn, các yêu cầu về thủ tục pháp lý, hành chính cũng rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi rất biết ơn tỉnh Trà Vinh đã thẩm định và giúp rút ngắn quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để đạt được tiến độ của dự án.
Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là bên mua điện, có rất nhiều kinh nghiệm và trình độ quản lý các dự án quy mô lớn, đã tích cực hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để đàm phán thành công hợp đồng mua bán điện.
PV: Chính phủ Việt Nam vừa điều chỉnh giá điện gió từ 7,8 Uscents/kWh lên 8,5 Uscents/kWh đối với dự án trên đất liền và 9,8 Uscents/kWh đối với các dự án trên biển. Ông đánh giá thế nào về sự điều chỉnh này?
Ông Ti Chee Liang: Chúng tôi cho rằng, mức giá mua điện gió 7,8 Uscents trước đây khá thấp, khó hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Nhưng Chính phủ Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh. Với mức giá điện gió điều chỉnh vừa qua, tôi thấy là hợp lý và có thể tiếp tục đầu tư các dự án điện gió khác ở Việt Nam.
PV: Nhiều người dân địa phương lo ngại các dự án điện gió sẽ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường như chiếm đất, chiếm biển… Công ty sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Ti Chee Liang: Điện gió là một trong nguồn năng lượng sạch nhất do không phát sinh khí thải, gây ô nhiễm môi trường. Lưu lượng gió rất phong phú và là nguồn vô tận. Các trang trại điện gió chỉ có tác động một phần nhỏ về môi trường, khi cánh quạt gió va quệt vào đàn chim bay trên trời hoặc gây ra tiếng ồn tần số thấp do turbine gió hoạt động. Những vấn đề này đã được các nước phát triển mạnh về điện gió ở châu Âu nghiên cứu kỹ và chúng tôi sẽ đưa những giải pháp và công nghệ đã được kiểm chứng vào trang trại điện gió Trà Vinh.
Turbine điện gió ở Ninh Thuận |
Một số người lập luận cho rằng, xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi ảnh hưởng đến đánh bắt hải sản? Thực tế nghiên cứu cho thấy, trang trại điện gió ngoài khơi còn làm tăng quần thể cá do turbine gió có vai trò như các rạn san hô nhân tạo.
Là nhà đầu tư phát triển dự án điện gió, chúng tôi rất thận trọng với những ảnh hưởng đối với môi trường. Chúng tôi đã thuê các tư vấn chuyên nghiệp tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội trong khu vực phát triển dự án. Kinh nghiệm của các dự án điện gió trên thế giới cho thấy, tác động môi trường từ điện gió là rất ít so với các công nghệ phát điện khác.
PV: Công ty đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp kỹ thuật như thế nào liên quan đến đấu nối lưới điện quốc gia tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Ti Chee Liang: Chúng tôi hiểu rằng, các thông số kỹ thuật khi đấu nối điện gió vào lưới điện quốc gia sẽ có nhiều khó khăn, thách thức với 3 lý do chính: Dao động công suất, tần số; thay đổi về tốc độ gió làm tăng hoặc giảm sản lượng điện; điện áp cao hoặc thấp đột ngột có thể gây ra nhảy thiết bị bảo vệ lưới điện.
Tuy nhiên, những vấn đề này không phải là mới mà đã được giải quyết xong tại các trang trại điện gió lớn ở các nước châu Âu. Chúng tôi dự định tận dụng kinh nghiệm và kiến thức trên thế giới của Janakuasa (Singapore) và Ratchaburi (Thái Lan), là bên có quyền truy cập vào các giải pháp đã thử nghiệm tốt ở các nước châu Âu và áp dụng vào trang trại điện gió Trà Vinh.
Đấu nối điện gió vào lưới điện quốc gia sẽ là vấn đề phức tạp nếu quốc gia đó không có quy hoạch phát triển điện lực đầy đủ. Chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam đã nghiên cứu một cách cẩn trọng các tác động tiêu cực từ các dự án năng lượng tái tạo khi đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Khi thực hiện các dự án, chúng tôi sẽ tính toán kỹ các thông số kỹ thuật, bảo đảm an toàn khi đấu nối.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dự án Điện gió Hiệp Thạnh tại Trà Vinh: - Chủ đầu tư: Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Việt Nam; Công ty Janakuasa Pte LTD (Singapore); - Địa điểm xây dựng: Xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải; - Công suất thiết kế: 78MW (18-19 cột turbine gió); - Tổng vốn đầu tư: Gần 3.370 tỉ đồng; - Dự kiến hoàn thành: Năm 2020. |
Vũ Lê
Bến Tre: Các dự điện gió “gặp khó” vì suất đầu tư cao, giá bán điện thấp | |
Dự án điện gió: Vì sao đăng ký nhiều, thực hiện ít? |