Bến Tre: Các dự điện gió “gặp khó” vì suất đầu tư cao, giá bán điện thấp
(PetroTimes) - Bến Tre là tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long, có địa hình tiếp giáp Biển Đông, với chiều dài bờ biển trên 65 km, vùng diện tích đất bãi bồi ven biển khá lớn, sức gió trung bình năm khá cao là điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng gió.
Dự án điện gió: Vì sao đăng ký nhiều, thực hiện ít? |
Cánh đồng điện gió đẹp như trời Âu ở Bạc Liêu |
Đột nhập trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới |
Tốc độ gió trung bình đo được trong năm đạt 6,4 – 6,6m/s trên vùng diện tích quy hoạch khoảng 32.000 ha, tại 11 vùng dự án điện gió của Bến Tre. Tiềm năng công suất phát triển dự án điện gió đến năm 2020 là 1.250MW.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bến Tre đã cấp chủ trương đầu tư cho 9 nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió quy mô công suất khoảng 470 MW với số vốn cam kết trên 940 triệu USD. Nếu được triển khai thực hiện đúng tiến độ, các dự án này sẽ là cơ hội để tỉnh Bến Tre có điều kiện phát triển ngành công nghiệp sản xuất điện với nguồn năng lượng sạch, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu điện của địa phương.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, mặc dù được các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư nhưng các dự án điện gió ở tỉnh triển khai tương đối chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Nguyên nhân do suất đầu tư dự án điện gió quá lớn so với khả năng tài chính doanh nghiệp trong nước (trung bình 2 triệu USD/MW). Do đó, cần có sự liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư (hay ngân hàng) nước ngoài mới có khả năng triển khai được dự án.
Trong khi đó, giá bán điện theo Quyết định của Thú tướng Chính phủ là 7,8 cents/KWh, tương đối thấp và chưa được điều chỉnh, làm cho hiệu quả dự án thiếu tính khả thi, chưa hấp dẫn nhà đầu tư,... các tổ chức tín dụng còn e ngại khi hợp tác thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, nguồn điện “nền” khu vực chưa đủ mạnh, khả năng truyền tải nguồn điện giữa các vùng, các địa phương còn yếu; vị trí đấu nối dự án đến trạm điện lực khá xa; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng các yêu cầu vận chuyển, lắp đặt các thiết bị siêu trường, siêu trọng của dự án điện gió. Công tác đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn cũng khiến công tác phát triển điện gió còn nhiều trở ngại.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần xem xét, có chính sách điều chỉnh giá mua điện gió tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư,… để các dự án điện gió triển khai nhanh hơn.
Mai Phương