ATM - Cỗ máy giao dịch đa năng
(PetroTimes) - ATM (viết tắt của Automated Teller Machine - máy rút tiền tự động) là một thiết bị ngân hàng (NH) sử dụng để giao dịch tự động với khách hàng (KH) thông qua thẻ ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hay các thiết bị tương thích. Với ATM, KH có thể thực hiện rút tiền mặt 24/7, kiểm tra tài khoản, chuyển khoản thanh toán hàng hoá, dịch vụ, gửi tiết kiệm…
Hình ảnh dòng máy ATM NCR SS23 phiên bản Touch Screen của VietinBank |
Lịch sử ra đời
Sự ra đời của máy ATM có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng theo ghi nhận, loại máy ATM mà chúng ta đang sử dụng chính thức ra mắt công chúng vào năm 1969 tại Ngân hàng Chemical Bank ở New York (Mỹ). Tác giả của loại máy ATM trên chính là Don Wetzel - Phó Giám đốc chi nhánh kế hoạch sản phẩm của Docutel (một công ty chuyên về máy tự động xử lý hành lý). Don Wetzel đã nảy ra ý tưởng tạo ra chiếc ATM hiện đại trong một lần xếp hàng chờ rút tiền tại một NH ở Dallas. Được Công ty Docutel hỗ trợ 5 triệu USD, Wetzel cùng 2 cộng sự đã chế tạo thành công chiếc máy ATM, họ nhận bằng sáng chế vào năm 1973.
Càng về sau, ATM càng tiện lợi và trở thành công cụ quen thuộc trong đời sống tài chính, hỗ trợ tối đa từng hoạt động của mọi người.
Nguyên lý của máy ATM hoạt động 24/24 giờ gồm 2 phần: Phần cứng và phần mềm.
Phần cứng: Gồm có 2 thiết bị đầu vào (đầu đọc thẻ, bàn phím) và 4 thiết bị đầu ra (loa, màn hình, thiết bị in biên lai giao dịch, thiết bị xử lý tiền).
Phần mềm: Hầu hết các loại máy ATM đều có bộ phận điều hành (OS - Operate System), phần mềm điều khiển thiết bị, phần mềm tự phục hồi (trường hợp mất điện), phần mềm hoàn trả (Reversal) và phần mềm an ninh. Ngoài ra, phần mềm này sẽ giúp kết nối các ATM của một NH với hệ điều hành trong NH đó, đồng thời liên kết và nhận dạng thẻ của các NH phát hành khác nhau.
Ví dụ, khi người sử dụng thẻ đang rút tiền thì đột nhiên bị mất điện; thế nhưng người dùng vẫn chưa nhận được tiền trong khi tài khoản đã bị trừ. Dựa vào phần mềm phục hồi và phần mềm hoàn trả, khi có điện trở lại thì ATM sẽ nhận biết được tình trạng trước đó và tự động hoàn trả số tiền chưa lấy ra khỏi máy vào tài khoản của người sử dụng. Phần mềm an ninh đóng vai trò bảo mật các thông tin cho thẻ và pin.
Tiện lợi, tiết kiệm thời gian
Với máy ATM, mọi người có thể rút tiền vào bất cứ giờ nào mà không cần đến NH giao dịch. Chính vì vậy, ATM trở thành công cụ tiện lợi, một nhân tố tác động làm thay đổi thói quen giao dịch của con người và xã hội bên cạnh cách giao dịch truyền thống.
Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng gần 2 triệu máy ATM đang hoạt động. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Hội thẻ NH Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, số lượng máy ATM toàn thị trường đạt hơn 17.000 máy, trong đó các NH lớn chiếm số lượng chủ yếu.
VietinBank là NH đi đầu về ứng dụng công nghệ và hiện đại hóa trong NH tại Việt Nam. Vừa qua, VietinBank đã lắp đặt và trang bị dòng máy ATM thế hệ mới - NCR SS23 phiên bản Touch Screen (chạm màn hình). Đây là dòng máy được ví như một NH tự động, có khả năng cung ứng đa dịch vụ với thao tác trên màn hình cảm ứng siêu lớn. Ngoài các chức năng đơn thuần (như: Rút tiền, kiểm tra tài khoản, chuyển tiền) thì với ATM NCR SS23, KH còn có thể: Thanh toán các hóa đơn, dịch vụ; rút tiền không cần thẻ; gửi tiết kiệm online; đăng ký các dịch vụ…
“Máy ATM mới của VietinBank có diện mạo rất đẹp, thao tác cảm ứng nhanh và nhạy giống như trên điện thoại iPhone. Trên màn hình của máy còn hiện nhiều thông tin về chương trình khuyến mãi cũng như các hướng dẫn chi tiết cho KH sử dụng” - KH Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Với dòng máy ATM mới này, VietinBank sẽ giúp KH xử lý nhanh chóng và dễ dàng các nhu cầu tài chính hằng ngày, tiết kiệm được khoản thời gian quý báu để tận hưởng cuộc sống.
Tiến Lâm (TH)