Đã kiểm soát được nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng
Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn có tính chất thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, nợ xấu toàn ngành ngân hàng được kiểm soát dưới 3% như mục tiêu đề ra. Đến cuối tháng 6/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) là 164,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,09% tổng dư nợ (thấp hơn mức 2,46% năm 2016 và 2,55% năm 2015). Từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2018, toàn hệ thống xử lý được 785,93 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Bên cạnh kết quả tích cực trong xử lý nợ xấu nói chung, xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng đạt được kết quả bước đầu. Từ 15/8/2017 đến 30/6/2018, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống TCTD được xử lý đạt 138,29 nghìn tỷ đồng.
Ngành ngân hàng đã kiểm soát được nhóm cổ đông lớn có tính chất thao túng, chi phối (ảnh minh họa). |
Về cơ cấu lại hệ thống các TCTD, NHNN đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Đến nay, NHNN đã hoàn thành việc phê duyệt phương án của phần lớn các TCTD.
Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng qua các năm (năm 2015: 460,3 nghìn tỷ đồng; năm 2016: 488,4 nghìn tỷ đồng; năm 2017: 512,4 nghìn tỷ đồng). Tính đến cuối tháng 7/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 555,18 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2017. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 731,04 nghìn tỷ đồng (tăng 10,8% so với cuối năm 2017); tổng tài sản của toàn hệ thống đạt 10,46 triệu tỷ đồng (tăng 4,6%).
Chất lượng tài sản của TCTD được cải thiện, cơ cấu danh mục đầu tư, cơ cấu tài sản có dịch chuyển theo hướng tích cực, an toàn hơn, dòng vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tỷ trọng tài sản có rủi ro cao có xu hướng giảm; sự cân đối về kỳ hạn giữa tài sản nợ và tài sản có của TCTD chuyển biến tích cực, thanh khoản hệ thống duy trì ổn định.
Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: Việc thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ đã được NHNN chỉ đạo quyết liệt, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/ nhóm cổ đông lớn có tính chất thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.
Năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao một bước.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tiếp tục chủ động tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án 1058. Trong 9 tháng đầu năm 2018, NHNN đã thực hiện 884 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các TCTD (656 cuộc thanh tra và 228 cuộc kiểm tra); ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 754 cuộc thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa ban hành kết luận trong kỳ trước chuyển sang).
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, tồn tại, sai phạm của các TCTD đã được phát hiện. NHNN đã đưa ra 6.660 kiến nghị, yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành 102 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt trên 6 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cũng đã áp dụng một số biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân nhằm kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động tại một số TCTD (trong đó chủ yếu là tại các Quỹ Tín dụng nhân dân).
Theo Dân trí