Quốc gia nào chứa tên lửa Mỹ sẽ là mục tiêu của Nga!
(PetroTimes) - Đó là khẳng định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte ngày 24/10.
Đòn châm biếm ngoạn mục của Tổng thống Putin với Cố vấn an ninh tổng thống Mỹ |
Thế giới can ngăn Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga |
Nga, Mỹ chưa gì đã mang tên lửa hạt nhân ra khè nhau |
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Ngày 23/10, tại Moscow, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã giải thích với giới lãnh đạo Nga vì sao Washington rút bỏ Hiệp ước INF. “Vấn đề là chính những tên lửa của Moscow vi phạm Hiệp ước INF đã được Nga bố trí tại châu Âu. Mối đe dọa không xuất phát từ quyết định rút bỏ Hiệp ước INF mà thực sự từ chính là tên lửa của Nga”, ông Bolton phát biểu với báo giới.
Chuyến thăm Nga của ông Bolton diễn ra vài ngày sau khi, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông có ý định “chấm dứt” Hiệp ước INF vì Nga đã “vi phạm hiệp định trong nhiều năm”. Ông Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ phát triển vũ khí trừ phi Nga và Trung Quốc đồng ý ngừng phát triển. Mỹ tố cáo Trung Quốc đe dọa các láng giềng châu Á, bằng vũ khí hạt nhân tầm trung, vì không bị bất cứ thỏa thuận nào kìm chế. Washington lo sợ những tên lửa mới, có tính sát thương cao hơn, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, có tầm bắn tối đa 4.000 km của Trung Quốc, mà Lầu Năm Góc nói là có thể đe dọa đến đất liền và các lực lượng trên biển của Mỹ ở xa như đảo Guam. Tên lửa này lần đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 2016. Theo Cố vấn An ninh Mỹ, về nguyên tắc, gần một nửa số vụ bắn thử tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận INF. Tổng thống Nga khuyên Mỹ nên bàn thẳng với Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc trả lời rằng họ không phải là thành viên của Hiệp ước INF và rằng việc đơn phương rút ra của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực, và thúc giục Hoa Kỳ “suy nghĩ kỹ trước khi hành động”.
Moscow nghi ngại Hoa Kỳ phá vỡ INF, để dễ bề triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở khu vực Thái Bình Dương. Chính quyền Nga nhấn mạnh rằng nếu Washington tiếp tục đơn phương rút khỏi các hiệp ước quốc tế, Moscow không có sự lựa chọn nào khác là đưa ra các biện pháp đáp trả, bao gồm cả trên phương diện công nghệ quân sự. Tuy nhiên, Moscow cho biết không mong muốn phải đi tới mức đó.
Ngày 24/10, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ buộc phải nhắm mục tiêu vào vào bất kì quốc gia châu Âu nào đồng ý đặt những tên lửa hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của mình, sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước INF. Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte, Tổng thống Putin nói ông muốn thảo luận về điều mà ông gọi là kế hoạch nguy hiểm của Mỹ rời bỏ Hiệp ước INF với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tổ chức hội đàm tại Paris vào ngày 11/11.
Nga đã gọi quyết định của ông Trump từ bỏ Hiệp ước năm 1987, theo đó tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung đặt trên bộ của cả hai nước được loại bỏ khỏi châu Âu, là nguy hiểm. Ông Putin nói rằng Nga sẽ đáp trả thích đáng và nhanh chóng nếu Mỹ từ bỏ Hiệp ước. Khi được hỏi Nga sẽ làm gì nếu ông Trump làm đúng như tuyên bố rời bỏ Hiệp ước, ông Putin nói: “Nếu Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước INF, câu hỏi chính là họ sẽ làm gì với những tên lửa tầm trung này. Nếu họ đưa chúng đến châu Âu thì lẽ tất nhiên phản ứng của chúng tôi sẽ giống hệt, và các nước châu Âu đồng ý cho đặt tên lửa, nếu tình hình tiến xa đến vậy, phải hiểu rằng họ đang khiến lãnh thổ của họ có nguy cơ hứng chịu một cuộc phản công khả dĩ”.
Ông Putin nói ông không hiểu tại sao cần phải đưa châu Âu đến chỗ nguy hiểm như vậy, nói rằng đó là tình huống mà chính Nga cũng muốn tránh nếu có thể.
Theo James J. Cameron, học giả nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, trường King’s College London, thì hậu quả trực tiếp của việc ông Trump rút ra khỏi INF là “Nga có thể nhanh chóng tăng cường bố trí binh lực. Cho đến nay, số lượng tên lửa 9M729 có thể hoạt động còn hạn chế, nhưng một khi được giải phóng khỏi sự ràng buộc chính thức theo hiệp ước, Moscow có thể dễ dàng nhanh chóng triển khai thêm tên lửa loại này”.
Về ngoại giao, ông Cameron cho rằng quyết định rút lui này của ông Trump sẽ khiến chia rẽ trong khối đồng minh NATO ngày càng trầm trọng-nó sẽ khiến cho khối đồng minh này ngày càng chia rẽ tại một thời điểm khó khăn cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nhiều nước NATO ở Tây Âu đã bày tỏ mong muốn giữ lại INF và ủng hộ các nỗ lực trước đây của Washington để kéo Moscow trở lại. Châu Âu không hề muốn có một cuộc chạy đua vũ trang mới trên lục địa của họ và chẳng có mấy nước NATO nào muốn cho Mỹ triển khai bất kỳ hệ thống tên lửa nào mới trên đất của họ. Trong cuộc điện đàm với ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lặp lại tầm quan trọng của INF. Theo thông cáo Điện Elysee phát đi hôm 22/10 thì Hiệp ước này có vai trò quan trọng “đặc biệt đối với an ninh châu Âu và sự ổn định chiến lược của chúng tôi”.
Tờ New York Times dẫn lời ông Carl Bildt, cựu Thủ tướng Thụy Điển, nói rằng động thái này khiến châu Âu dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng bởi vì một khi Hoa Kỳ tiến hành chạy đua vũ trang, Nga “có thể nhanh chóng triển khai ồ ạt vũ khí mới”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thì lưu ý rằng quyết định của ông Trump “đặt ra những câu hỏi khó khăn cho chúng tôi và cho châu Âu bởi vì châu Âu, chứ không phải Mỹ, nằm trong tầm bắn của tên lửa Nga”. Nếu không còn hiệp định ràng buộc hai cường quốc nữa, thì người châu Âu lo ngại rằng nhiều khả năng nó lãnh thổ của họ sẽ trở thành bãi chiến trường giữa hai siêu cường.
Về phần mình, cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev, người ký Hiệp ước INF với Mỹ, lên án hành động của ông Trump là “liều lĩnh”’. “Ở Washington họ có thật sự hiểu quyết định này sẽ dẫn tới chuyện gì không?”, ông Gorbachev nói.
Tổng thư ký NATO ngày 24/10 nói ông không tin rằng mối đe dọa từ Nga sẽ dẫn đến việc triển khai các tên lửa mới của Mỹ ở châu Âu.
Ngoài ra, nếu Mỹ rút khỏi INF thì bài toán về an ninh của EU khó tìm lời giải trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi vững chắc, an ninh vẫn còn nhiều bất ổn, nhất là việc Mỹ buộc các nước thành viên NATO phải đóng góp cho ngân sách quốc phòng 2% GDP đúng như quy định của NATO. Như vậy, không ngoài dự báo của giới chuyên gia hồi đầu năm, châu Âu thực sự đã xuất hiện những biến số mới khiến cho khu vực này đứng trước nguy cơ tái khủng hoảng không chỉ nợ công mà có thể là khủng hoảng toàn diện cả kinh tế, chính trị, xã hội trong năm 2019 và hệ quả rất khó đoán định.
H.Phan