Mất cả trăm triệu USD, ông Phạm Nhật Vượng vẫn thăng hạng “chóng mặt” trong top giàu thế giới
Mặc dù sụt mất hơn 3.700 tỷ đồng trong ngày 25/10, song so với đợt xếp hạng năm 2018 thực hiện vào hồi tháng 3, ông Phạm Nhật Vượng đã thăng hạng 271 bậc và giá trị tài sản theo thống kê cũng tăng 2,2 tỷ USD.
Mặc dù vẫn có tới 223 mã giảm so với 66 mã tăng trên sàn HSX, tuy nhiên, chỉ số chính VN-Index đã hồi phục đáng kể về chiều. Biên độ giảm giá được thu hẹp lại, từ chỗ mất 40 điểm ngay đầu phiên sáng, kết phiên giao dịch 25/10, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ còn mất 12,56 điểm tương ứng 1,36%, dừng lại ở 910,17 điểm.
HNX-Index cũng thu hẹp đà giảm, chỉ còn mất 0,63 điểm tương ứng 0,61% còn 103,1 điểm. Trên sàn này ghi nhận có tổng cộng 92 mã giảm so với 59 mã tăng trong phiên.
Thanh khoản đạt 177,77 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 4.326,92 tỷ đồng và 48,21 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 614,56 tỷ đồng.
VHM, VIC, BID và VNM là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Chỉ 4 mã này đã góp vào mức giảm chung của chỉ số tới 8,33 điểm. Trong khi đó, MSN, PLX, NVL lại là những mã có tác động tích cực đến sự hồi phục của chỉ số trong phiên này.
Với giá trị tài sản 6,5 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng đang là người giàu nhất Việt Nam |
Cổ phiếu VIC của Vingroup hôm nay mất 2.000 đồng tương ứng sụt hơn 2% còn 96.800 đồng, qua đó khiến giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng sụt mất khoảng 3.730 tỷ đồng so với phiên trước đó.
Cổ phiếu VIC đã giảm 14.719 đồng tương ứng 13,2% so với đỉnh giá thiết lập ngày 9/4. Song, nếu so với mức giá của VIC 1 năm về trước thì mã này vẫn tăng rất mạnh gần 111% (tăng hơn gấp đôi).
Theo thống kê của Tạp chí Forbes, ông Phạm Nhật Vượng đang có khối tài sản ròng trị giá 6,5 tỷ USD, xếp thứ 228 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. So với đợt xếp hạng năm 2018 thực hiện vào hồi tháng 3, ông Phạm Nhật Vượng đã thăng hạng 271 bậc và giá trị tài sản theo thống kê cũng tăng 2,2 tỷ USD.
Dù không còn tăng nóng như năm ngoái, song theo thống kê của Indexq, trong vòng 1 năm qua (tính từ tháng 10/2017 đến nay), VN-Index đang là chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới với mức tăng 16,28%, vượt xa Brazil, NASDAQ, S&P 500…
Trong thời gian gần đây, làn sóng bán tháo đã diễn ra trên toàn cầu khiến nhiều thị trường chứng khoán rơi vào phạm vi quá bán (oversold). Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, hơn 6.700 tỷ USD vốn hoá đã bị “thổi bay” khỏi thị trường cổ phiếu toàn cầu kể từ cuối tháng 9 vừa qua.
Chỉ số S&P 500 sụt 3,1% trong ngày 24/10 đã xoá sạch mọi thành quả trong năm 2018 của chỉ số này. Tháng 10 năm nay có thể là tháng diễn biến tồi tệ nhất trong vòng 10 năm qua (kể từ tháng 2/2009) của chỉ số này.
Theo đánh giá của BVSC, trong phiên hôm nay, chịu áp lực sụt giảm mạnh ngay đầu phiên nhưng thị trường đã có sự hồi phục tương đối tốt về cuối phiên. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường có diễn biến tích cực hơn trong phiên cuối tuần.
Thanh khoản đạt 164 triệu cổ phiếu, tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình. Độ rộng thị trường tiêu cực khi số mã giảm điểm tiếp tục bao phủ gần như toàn thị trường. Mặc dù nhà đầu tư vẫn đang ở trong trạng thái thận trọng và có phần lo sợ đối với xu hướng giảm điểm của thị trường trong thời gian tới, nhưng lực cầu bắt đáy ngắn hạn đã hỗ trợ khá tốt cho thị trường trong phiên hôm nay.
Theo BVSC, chỉ số có khả năng sẽ xuất hiện nhịp hồi phục T+ trong một vài phiên kế tiếp tiếp. Khoảng trống giảm điểm được tạo ra trong phiên hôm nay tương ứng 918-923 điểm sẽ đóng vai trò là ngưỡng kháng cự đối với thị trường trong những phiên tới. Với độ dốc giảm điểm lớn của chỉ số, BVSC cũng lưu ý rằng, nhịp hồi của thị trường (nếu có) nhiều khả năng cũng chỉ là nhịp hồi mang tính kỹ thuật. Khả năng tiếp tục suy giảm về lại vùng đáy cũ quanh 885 hoặc phá đáy vẫn được để ngỏ sau đó.
Theo Dân trí