"Mỹ nhân" trăm tuổi xứ núi
(PetroTimes) - Ở bản Kẻ Tắt và Bá Hạ - nơi xa xôi nhất của xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An) có hai cụ già người Thái sống thọ trên một thế kỷ và hiện còn khá minh mẫn. Hai người từng là “mỹ nhân” của bản làng, là những cô gái đẹp người, đẹp nết và làm trọn thiên chức cao cả của mình.
Ánh nắng mùa thu vàng rực, cụ Lô Thị Thiều (sinh năm 1912) mang chiếc ghế mây ra trước sân ngồi. Có khách ghé thăm, chào cụ, cụ Thiều nở nụ cười móm mém và đáp lời: “Nắng buổi sáng tốt lắm, người già ngồi sưởi nắng sẽ đỡ ốm đau, bệnh tật”. Cử chỉ và lời nói ấy khiến chúng tôi không nghĩ cụ đã sắp sửa bước sang tuổi 107 - ngưỡng tuổi mà con người trên thế gian này chẳng có mấy ai bước tới.
Ông Mạc Văn Học là con thứ 5 của cụ Thiều cho biết: “Chừng ấy tuổi nhưng mẹ tôi vẫn ăn được đều đặn ngày 3 bữa, mỗi bữa 2 lưng bát cơm, tai vẫn còn nghe rõ, mắt vẫn còn nhìn thấy. Chỉ có điều đi lại và sinh hoạt khá khó khăn, phải có sự giúp đỡ của con cháu”.
| | ||
Cụ Lô Thị Thiều | Cụ Lang Thị Quyết |
Hỏi chuyện, cụ Thiều nói: “Bà không nhớ tuổi của mình đâu, vì nhiều lắm rồi, những người cùng trang lứa đã về với Mường Trời hết cả rồi. Chỉ biết mấy năm nay, năm nào bà cũng được nhận quà mừng của Chủ tịch tỉnh vào dịp tết, nghe nói đó là quà dành cho người sống thọ trên 100 tuổi”.
Rồi cụ kể về những năm tháng ấu thơ và tuổi trẻ, thời bản Kẻ Tắt còn rất đỗi hoang sơ, mới chỉ có hơn 10 nóc nhà lẩn khuất giữa chốn đại ngàn, đêm nằm nghe tiếng vượn hú, hổ gầm lúc gần, lúc xa. Ngày ấy, cụ có tên khác nhưng lâu quá rồi không còn nhớ nữa. Những cô gái dân tộc Thái thường biết dệt cửi, quay tơ, làm nệm khi mới hơn 10 tuổi. Lớn thêm chút nữa là lên rẫy làm cỏ, gặt lúa, gùi ngô và ra suối xúc cá. Chưa đầy 20 tuổi, cô gái xinh đẹp bản Kẻ Tắt được bố mẹ nhận lời gả cho chàng trai gần nhà, tên Mạc Văn Thiều. Cũng từ đó, cô gái bắt đầu được gọi theo tên chồng cho đến tận hôm nay.
Giấy mừng thọ của cụ Lang Thị Quyết |
Về nhà chồng, bà vẫn tiếp tục với những công việc thường ngày của người phụ nữ bản Thái. Ngày mải miết với ruộng nương, đêm miệt mài bên khung cửi, bắt đầu công việc từ khi con gà bắt đầu gáy sáng và chỉ nghỉ ngơi khi đêm đã rất khuya. Cụ Thiều lần lượt sinh cho chồng 6 người con (3 trai, 3 gái), cuộc sống càng khó khăn, vất vả khi đất nước trong cảnh chiến tranh, chồng thường xuyên tham gia các đoàn dân công hỏa tuyến, gùi lương thực và vũ khí ra chiến trường. Những năm ấy một mình cụ Thiều vừa làm lụng công việc ruộng nương, vừa quán xuyến gia đình và chăm sóc đàn con nhỏ. Đến nay, cụ ông đã mất 30 năm, con trai đầu là Mạc Văn Oanh cũng đã mất vì bệnh hiểm nghèo, hiện cụ Thiều sống cùng gia đình ông Mạc Văn Học.
Đại gia đình của cụ ngoài các con trai, gái, dâu, rể còn có gần 70 người thuộc thế hệ cháu và chắt. Những ngày lễ, tết, con cháu tề tựu về đông đủ, căn nhà khá rộng rãi nhưng vẫn không đủ chỗ để ngồi. Cụ Thiều chia sẻ: “Cháu, chắt đông thì vui lắm. Chỉ mong trời thương cho đôi chân đừng đau thêm để đi lại được trong nhà, phải nằm một chỗ thì khổ lắm”.
Cụ Lô Thị Thiều bên con dâu và 2 chắt |
Rời Kẻ Tắt, chúng tôi tiếp tục ngược lên thượng nguồn khe Bá Hạ, nơi ấy có cụ Lang Thị Quyết chuẩn bị bước sang tuổi 103. So với cụ Thiều, cụ Quyết còn khá khỏe mạnh và minh mẫn, có thể tự mình đi lại, chưa cần đến sự giúp đỡ của con cháu. Cụ ông cũng đã mất khá lâu, hiện cụ Quyết ở cùng gia đình người con trai đầu là Vi Văn Hoa.
Người phụ nữ trên 100 tuổi ấy vẫn còn nhớ và kể lại: “Quê gốc của bà ở Mường Ham (Quỳ Hợp), nơi có đền thiêng và thường mở hội vào dịp đầu xuân. Trong ngày hội, trai gái thường vui vẻ bên chum rượu cần, rồi cùng nhau múa, hát. Ngày đó bà đẹp và hát hay nên được nhiều người con trai để ý lắm. Chiến tranh ác liệt, bà đăng ký đi dân công đưa hàng lên thượng Lào và gặp ông Vi Văn Quyết biết thổi khèn bè, khèn lá rất hay, hai người bén duyên rồi thành vợ, thành chồng”.
Bỏ lại tuổi thanh xuân và những năm tháng vui tươi nơi bản làng Mường Ham, về làm dâu xứ núi Thạch Ngàn, cuộc sống của cụ Quyết gặp nhiều nỗi truân chuyên, vất vả, bởi đây là nơi xa xôi, cách trở, núi rừng hoang vu, lúc ấy đường đi chỉ là những lối mòn ven sườn núi và khe suối, các loài thú dữ thường xuyên về quấy phá bản làng. Có khi trong đêm, một con hổ lớn ra cắn chết con bò nhỏ rồi tha vào rừng già ăn thịt. Ngô trên rẫy, lúa ngoài ruộng luôn bị lợn rừng và chuột về phá hại, vợ chồng phải thay nhau canh giữ suốt ngày đêm. Nhưng được cái khe Bá Hạ lúc ấy còn nhiều cá, tôm, đi rẫy về ra suối xúc là có bữa cơm ngon. Trên rừng, các loại rau, măng cũng có sẵn nên không mấy khi phải mua ở chợ. Mà chợ thì xa lắm, vì từ đây ra trung tâm xã Thạch Ngàn cũng gần 20 cây số, ra thị trấn Con Cuông ngót 40 cây số, đường đi toàn lội suối, qua sông và vượt đèo.
Cụ Lang Thị Quyết bên cạnh các cháu và chắt |
Vợ chồng cụ Quyết có 2 người con (1 trai, 1 gái) và 6 cháu nội, ngoại. Hiện cụ đã có 6 chắt, đặc biệt đã có 2 chít - thế hệ thứ 5, được gọi là “ngũ đại đồng đường” (5 thế hệ sống cùng một nhà). Theo lời anh Vi Văn Quế (cháu đích tôn của cụ Quyết), mặc dù đã hơn 100 tuổi nhưng cụ vẫn giữ được sự điều độ trong ăn uống với ngày 3 bữa, kể cả những ngày mệt nhọc. Đặc biệt, đến nay, cụ Quyết chỉ mới đến bệnh viện đúng 1 lần cách đây 3 năm để khám tổng quát theo quy định của việc làm hồ sơ hưởng trợ cấp ưu đãi cho người cao tuổi chứ không phải do ốm đau, bệnh tật. Vài năm lại nay, thi thoảng cụ mới mắc những cơn ho, nhưng chỉ vài ngày uống thuốc của trạm y tế xã là khỏi. Hỏi về bí quyết sống thọ và khỏe mạnh, cụ Quyết lắc đầu rồi cười đáp: “Ăn cây rau, cây măng trên rừng, con cá ngoài ruộng, tắm nước khe Bá Hạ và làm việc thật nhiều…”.
Rời Thạch Ngàn, chúng tôi có thêm một trải nghiệm, vùng đất này không chỉ là chốn xa xôi, cách trở, hằng năm phải gánh chịu hậu quả lũ lụt, cuộc sống còn lắm khó khăn mà còn có bao điều bí ẩn. Và ở đây có nhiều người sống thọ, điển hình là cụ Thiều, cụ Quyết. Họ chính là nhịp cầu gắn kết dòng chảy cuộc sống của xứ núi xa xôi.
Trần Công Kiên
Cụ bà người Nga sống qua 3 thế kỷ | |
Ngôi làng có 300 người hơn trăm tuổi | |
Chuyện những người thách thức Thiên Tào (Kỳ 1) | |
Cụ bà trăm tuổi vẫn đọc được truyện Kiều bằng chữ Nôm |