Gặp anh nông dân đào được hũ vàng trong chậu cây
(PetroTimes) - Tuy không sống tại khu dân cư Tân Quy Đông (phường Tân Phong, quận 7, TP HCM) nhưng tại đây ai cũng biết anh “Phú Bến Tre” bán thực phẩm sạch. Nhiều người còn biết chuyện anh đào được hũ vàng giấu trong chậu cây ở Phú Mỹ Hưng, cách đây 4 năm.
Góc chợ quê giữa khu phố thị sang trọng
Hơn 4 năm nay, người dân ở khu biệt thự cạnh bờ sông này đã quen thuộc với lịch “nhóm chợ” của vợ chồng anh Trần Thái Phú.
Hằng tuần, vào thứ bảy và chủ nhật, từ 2 giờ sáng anh Phú đã lục tục thức dậy, lái xe tải từ cồn Cái Mơn (chợ Lách, Bến Tre) lên TP HCM, mang theo đủ thứ “quà quê” của miền Tây sông nước.
Một góc chợ quê của vợ chồng anh Phú |
Trời còn mờ sương, đèn đường chưa tắt, chiếc xe tải nhỏ đã đậu sẵn ở một mảnh đất trống trong khu dân cư.
Chị Thúy tranh thủ phụ chồng bày xoài, cam, ổi, dừa, sầu riêng, nhãn, chuối, mướp, dưa leo, rau mồng tơi, bù ngót và vài con gà thả vườn để kịp bán cho những bà nội trợ đi tập thể dục sớm.
Góc chợ quê thực sự nhóm họp khi trời vừa hửng nắng, không đông quá cũng không vắng quá. Không ồn ào, cũng không tĩnh lặng.
Người bán và khách mua dường như quen thân nhau, mua hàng chẳng cần trả giá. Gọi tên nhau, hỏi thăm nhau như người nhà.
Khách hàng tìm đến góc chợ của vợ chồng anh Phú trong phiên chợ quê cuối tuần. |
“Hôm nay sao mang đồ lên ít vậy Phú?”, một phụ nữ lớn tuổi đi xe máy cùng chồng hỏi.
“Dạ, mấy bữa nay trời mưa tầm tã ngoại ơi, vườn không có đồ. Ngoại lấy mấy trái nhãn về ăn tạm đi, nhãn hôm nay ngon đó. Thứ hai này trúng ngày Rằm, con lên thêm 1 ngày nữa, mang đồ nhiều lên bán lắm, ngoại ra mua nghen”, anh Phú cười xuề xòa trả lời.
Vợ anh Phú nói nhỏ với phóng viên: “Ngoại là khách hàng ruột đó. Thỉnh thoảng ngoại còn mua bánh ướt mang cho vợ chồng tui ăn nữa”.
Chiếc xe hơi đời mới của một quý cô tấp vào: “Thúy lấy cho chị buồng dừa. Dạo này trời nóng quá, uống dừa cho mát”. Chị Thúy khẽ “dạ”, nhanh nhảu bưng buồng dừa xiêm mang ra. Người phụ nữ ăn mặc sành điệu, rời tay lái, bước xuống xe mở cốp cho chị Thúy đặt buồng dừa vào.
Một chiếc xe hơi 4 chỗ khác tấp vào. Ngồi trên xe, người phụ nữ nói với ra: “Phú lựa cho chị con gà, làm sẵn, lát chị quay lại lấy”. Không cần chờ anh Phú bắt con gà mái tơ đang nhốt trong bội ra, cân bao nhiêu ký, tính bao nhiêu tiền… chiếc xe hơi rồ máy, rời đi trong vội vã.
Người bán và người mua thân thiết nhau là nét đặc trưng ở góc chợ quê của vợ chồng anh Phú |
Cô gái trẻ trong trang phục thể thao, mồ hôi còn lấm tấm trên gương mặt thanh tú, hỏi: “Ủa hôm nay không có bòn bon hả chị Thúy?”.
“Bòn bon hết mùa rồi em ơi. Em ăn nhãn hay đu đủ đỡ đi”, chị Thúy mời. Cô gái lấy trái đu đủ. Trước khi cô gái rời đi, chị Thúy cẩn thận dặn: “Đu đủ mai mới chín. Mai mới ăn được nghen em!”.
Vừa bán hàng cho khách, anh Phú vừa trò chuyện với phóng viên: “Khách hàng của tui là khách quen, đa phần sống tại khu dân cư này. Cũng có một số khách từ các quận lân cận chạy qua tận đây mua hoặc ngồi nhà gọi điện thoại, tui chạy xe máy đi giao. Họ tin tưởng mình bán buôn đàng hoàng, cân đủ, thực phẩm sạch nên mua ủng hộ”.
Anh Phú cho biết, ở quê anh chỉ có 3 công vườn, trồng đủ loại cây, rau quả nhưng không đủ bán. Anh phải mua thêm rau, trái từ những vườn của người quen.
Những con gà thả vườn anh Phú mang lên bán cho khách quen dặn trước |
Anh Phú nói: “Cồn Cái Mơn được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ. Nhà nông không cần bón phân, cây vẫn tươi tốt, cho trái ngọt quanh năm. Rau, củ, quả, gà vịt… tui mang lên đây bán đều được nuôi trồng tự nhiên. Trái cây tuyệt đối không được xử lý hóa chất, còn rau xanh không được phun thuốc”.
Để bảo đảm “chuẩn’ thực phẩm sạch, vợ chồng anh Phú chỉ mua nông sản từ bà con, dòng họ. Tất cả phải rõ nguồn gốc, vợ chồng anh phải thấy tận mắt quy trình trồng, nuôi.
Anh Phú giải thích lý do hôm nay bán ít hàng hơn mọi khi: “Mấy hôm nay mưa gió, không có hàng nhiều, lẽ ra hôm nay tui không lên đây, nhưng do đúng lịch, sợ bà con đợi, tui phải đi”.
“Mua hàng không chất lượng thì ở quê có đầy. Tui thà gom ít hàng, lời ít một chút nhưng bà con được ăn thực phẩm sạch. Tui không nỡ ham lời, đi gom hàng chứa thuốc trừ sâu, chất bảo quản mang đi bán”, anh Phú nói thêm.
Anh Phú tâm sự: Mỗi chuyến “nhóm chợ” từ sáng đến 1 giờ trưa, bán hết cả xe hàng, anh thu được khoảng tầm ngoài 2 triệu, tính luôn vốn, lẫn lãi. Tiền xăng dầu lên xuống đã 500 ngàn, vợ chồng anh chỉ còn lời chút đỉnh. Chính vì vậy, ở quê anh Phú phải làm “tùm lum” công việc mới đắp đổi được cuộc sống, nuôi hai con còn nhỏ.
Vô tình đào được hũ vàng
Anh Phú kể chuyện đào được hũ vàng trong chậu cây cách đây 4 năm: “Trước khi buôn bán như vầy, tui làm nghề chăm sóc cây kiểng. Tui nhận thay đất mấy chậu kiểng trong sân một biệt thự ở Phú Mỹ Hưng. Hì hục xới đất, xẻng vô tình trúng một hũ sành. Hũ bể, nhìn trong mớ đất đen, tui thấy lấp lánh ánh vàng. Nhìn kỹ lại, tui hết hồn hết vía khi nhận ra đó là 6 thỏi vàng 9999”.
Anh Phú chuẩn bị đi giao hàng cho khách bằng xe máy |
Anh nói tiếp: “Tui phân vân lắm. Làm quần quật cả ngày, tui chỉ được trả lương có 150.000 đồng, trong khi đây là tài sản quá lớn, làm thay đổi cả số phận. Nếu tui giấu luôn 6 thỏi vàng kia thì cũng không ai nghĩ tui lấy, vì có rất nhiều người ra vào sân biệt thự”.
Thế nhưng, sự lương thiện đã thắng được lòng tham trong anh Phú: “Bần thần một lúc, tui quyết định mang 6 thỏi vàng trả lại chị chủ nhà. Chị rất sửng sốt, vì chính chị cũng quên bẵng chuyện mình có chôn vàng trong chậu kiểng. Nhận lại của, chị mừng lắm, cám ơn rối rít và cho tui 6 triệu đồng làm ăn”.
“Tui nghĩ, nếu mình tham của người ta cũng không bền. Giống như buôn bán, nếu cân thiếu, gian lận thì ông trời cũng lấy lại hết. Tui không còn lăn tăn nữa”, anh Phú nói.
“Nhận được tiền của người phụ nữ hậu tạ, tui về quê vay mượn thêm anh em, đi góp chiếc xe tải, làm nghề buôn bán, làm ăn đến bây giờ”, anh Phú nở nụ cười rất thật thà.
Chị Đào Thị Tuyết Vân sống ở khu dân cư Tân Quy Đông, người biết anh Phú từ lúc anh mới mua chiếc xe tải xác nhận: “Phú rất thật thà chất phác, bà con ở khu này thương lắm. Chuyện Phú đào được hũ vàng là có thật”.
Lê Ngọc Dương Cầm