Bị Dòng chảy phương Bắc-2 thắt thòng lọng, Ba Lan quay sang mua khí đốt của Mỹ
(PetroTimes) - Ngày 17/10, Công ty Dầu khí Ba Lan PGNiG và Công ty American Venture Global LNG của Mỹ đã ký hợp đồng dài hạn cung cấp hai triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng năm trong 20 năm, người đứng đầu công ty Ba Lan Maciej Vojniak cho biết.
Mỹ quyết chặn Dòng chảy phương Bắc-2 của Nga |
Mỹ quyết vô hiệu hóa vũ khí năng lượng của Nga |
Một tàu chở LNG của Mỹ |
Ông Maciej Vojniak nói rõ rằng việc giao hàng sẽ dựa trên phương thức Free on Board (FOB). Điều này có nghĩa rằng công ty Ba Lan trở thành chủ sở hữu của lô hàng ngay từ khi hàng còn đang trên đường vận chuyển, đồng thời công ty cũng sẽ chỉ định cảng đến của lô hàng.
Hai triệu tấn là khoảng 25 tàu chở LNG mỗi năm, và sau khi tái chế nó sẽ trở thành 2,7 tỷ mét khối nhiên liệu xanh.
Giá cả chưa được tiết lộ. Hồi tháng 9/2018, Donald Trump đã hứa sẽ cung ứng cho Warsaw “một khối lượng LNG khổng lồ với mức giá hợp lý”.
Chỉ mấy hôm trước đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Antoni Macacherevich, nói rằng Nga và Đức đang “thắt thòng lọng quanh cổ” Ba Lan bằng dự án xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream-2, cố gắng làm cho cả Warsaw và toàn bộ châu Âu phải phụ thuộc vào khí đốt Nga. Chính khách này cũng gọi Hoa Kỳ là đồng minh duy nhất và là đối tác chính của Ba Lan.
Tuy nhiên, trong khi đó, Moscow vẫn là nhà cung cấp khí đốt chính cho Warsaw. Trong sáu tháng gần đây nhất, Ba Lan đã tăng nhập khẩu từ Nga thêm 0,4 tỷ mét khối. Một hợp đồng được ký kết vào năm 1996 giữa PGNiG và Gazprom dự tính cung cấp tối đa 10 tỷ mét khối khí và tối thiểu là 8,7 tỷ mét khối khí mỗi năm. Hợp đồng này có giá trị đến năm 2022.
Mặc dù có sự không hài lòng về giá cả, Warsaw vẫn không vội vàng giảm khối lượng mua khí đốt của Nga, mà chỉ có tăng thêm. Điều này được thực hiện để bổ sung dự trữ trong trường hợp nếu sau khi khởi động Nord Stream-2, lượng khí đốt quá cảnh qua đường ống dẫn khí Yamal - Europe đi qua Ba Lan bị giảm mạnh.
Nỗi lo sợ này là hợp lý: bất chấp sự chống đối mạnh mẽ của 3 nước là Hoa Kỳ, Ukraine và Ba Lan, Nord Stream-2 vẫn được bắt đầu khởi công xây dựng. Nó sẽ đi vào hoạt động trong vòng hai năm tới và tuyến đường vận chuyển khí đốt quá cảnh qua Ba Lan và Belarus có thể sẽ không còn cần thiết nữa.
Bá Thủy