Kinh tế Việt Nam năm tới ra sao giữa căng thẳng Mỹ - Trung?
Nếu chiến tranh thương mại kéo qua năm sau, Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt nhưng đi kèm áp lực tỷ giá từ hai đồng tiền lớn.
Sau khi GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất 8 năm qua, việc đạt được 6,7% tăng trưởng cả năm nay của Chính phủ tương đối rõ ràng. Theo đó, chỉ cần GDP quý IV tăng trưởng 6,11% thì mục tiêu sẽ hoàn thành.
Thông thường, quý IV sẽ là quý có GDP cao nhất năm, nhờ sự gia tăng của xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng. Do đó, một số chuyên gia lạc quan rằng, tăng trưởng quý này có thể sẽ vượt quý III (6,88%) để đưa GDP năm 2018 đạt 6,9 - 7%, đúng như dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế lớn.
Kinh tế Việt Nam năm tới ra sao giữa căng thẳng Mỹ - Trung? |
Trong một xem xét khá thận trọng, HSBC Việt Nam cho rằng, GDP năm 2019 sẽ ở mức 6,7%, tương đương với mức dự báo tăng trưởng cả năm nay của ngân hàng này. Cùng với đó, GDP bình quân đầu năm sẽ cải thiện từ mức 2.321 USD năm 2017 lên 2.734 USD vào năm sau. Tuy nhiên, lạm phát sẽ ở mức 4,2%.
"Kinh tế Mỹ đang phát triển tốt nhưng kinh tế thế giới đang đi xuống và trì trệ. Tuy nhiên, Việt Nam là ngoại lệ trong khi các nước trong khu vực có biểu hiện đi xuống", ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam bình luận tại hội nghị "Triển vọng cơ sở hạ tầng 2018" diễn ra sáng 11/10.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 và 2019 do chiến tranh thương mại vẫn leo thang. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump mới đây còn nhắc lại lời đe dọa sẽ áp tiếp thuế lên số hàng hóa với tổng giá trị 267 tỷ USD của Trung Quốc.
"Các công ty Việt Nam, trừ ngành cao su, đang tăng khả năng xuất khẩu vào Mỹ trong khi khả năng của các công ty Trung Quốc giảm đi", ông Hải nói về triển vọng năm sau. Cùng với đó, FDI vẫn sẽ là đầu tàu tăng trưởng. Các nhà đầu tư chọn Việt Nam như một điểm đến ưu tiên trong khu vực. "Trước đây họ chọn Trung Quốc nhưng giờ họ chú ý Việt Nam vì có nhiều FTA", chuyên gia này nói.
Công nhân làm việc trong một nhà máy lắp ráp ôtô của Ford Việt Nam ở Hải Dương. Ảnh: AFP |
Dù triển vọng 2019 khá tốt nhưng chiến tranh thương mại vốn là môi trường kinh tế bất ổn, kiểu "chẳng vui vẻ gì". Theo một chuyên gia kinh tế, Việt Nam bị rơi vào thế kẹp giữa hai đồng tiền lớn, vốn đều có quan hệ thương mại sâu rộng.
Mới hồi cuối tháng 9, Ủy ban Thị trường Mở Mỹ (FOMC) nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 0,25%, lên mức 2,25%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 3 năm nay và theo kế hoạch còn một lần nữa trước khi năm 2018 khép lại. Điều này dẫn đến đồng USD tăng, hàng nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng giá, chi phí đầu vào tăng, áp lực lên tỷ giá, lãi suất.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ vẫn có khả năng tiếp tục mất giá nếu căng thẳng kéo dài, nhằm hạn chế thiệt hại từ việc hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế. Với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đến 35,5 tỷ USD, chiếm 17% tổng kim ngạch năm ngoái, xuất khẩu nói chung sẽ bị ảnh hưởng.
Việt Nam cũng đang nằm trong nhóm 5 quốc gia đáng chú ý của Mỹ vì thặng dư thương mại với nước này cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dường như ông Trump không có ý tưởng phát động một cuộc chiến thương mại bởi Việt Nam khá linh hoạt. Những thông điệp gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát đi còn cho thấy, Việt Nam rất sẵn lòng đón nhà đầu tư và mua thêm hàng Mỹ.
"Chúng tôi cũng hồi hộp muốn biết các bạn muốn làm ăn gì, mở rộng như thế nào ở Việt Nam", Thủ tướng nói với 40 tập đoàn lớn của Mỹ tại New York hồi cuối tháng 9.
Quý IV/2018 chỉ mới bắt đầu nên còn khá nhiều ẩn số về tình hình năm sau. Ngay cả cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vốn tác động lớn đến môi trường kinh tế toàn cầu cũng không thể dự đoán. Những nguy cơ khác, ảnh hưởng đến tình hình năm sau thì nằm ngoài cuộc chiến.
"Triển vọng của Việt Nam lớn nhưng rủi ro ở vấn đề nợ công. Tuy nhiên, nợ công cũng đang giảm. Ngoài ra, CPI ở mức 4% hoặc hơn cũng là nguy cơ cho năm 2019", ông Hải nhận định.
Về trung và dài hạn, tương lai của kinh tế Việt Nam với các chuyên gia vẫn là câu hỏi lớn. HSBC đưa ra hai kịch bản đến năm 2030. Một là tươi sáng với tăng trưởng trên 8% hoặc giảm tốc với GDP dưới 4%. Theo ông Hải, kịch bản nào xảy ra sẽ phụ thuộc vào khả năng giải quyết các thách thức về chính sách, năng suất lao động, hạ tầng...
"Chúng tôi đang kỳ vọng vào cải cách của Chính phủ vì chúng ta đang ở trong thời đại 4.0", lãnh đạo HSBC Việt Nam nói.
Theo VnExpress.net
Tương lai nào cho quần áo, giày dép Việt trong căng thẳng Mỹ - Trung? | |
Ai hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? | |
Việt Nam cần làm gì để "né" cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? |