Đầu tư cổ phiếu theo chiến tranh thương mại
Dù chiến tranh thương mại “leo thang”, thì cả thế giới đều vẫn cần ăn cá, mặc áo quần... Việc nhắm vào cổ phiếu thủy sản hay dệt may như vừa qua được cho là một dạng đầu tư xuất phát từ tâm lý này.
Thủy sản là một trong những nhóm ngành đã và đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. |
Chiến tranh thương mại đã và đang tạo ra cơ hội cho một số nhóm ngành của Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Song, cuộc chiến này cũng tiềm ẩn rủi ro rút vốn của khối ngoại.
Nhóm thủy sản “lên hương”?
Chiến tranh thương mại leo thang đã và đang khiến phần lớn nhà đầu tư toàn cầu tỏ ra quan ngại về rủi ro với các nền kinh tế và đặc biệt dòng tiền đổ vào các thị trường cận biên như Việt Nam có thể giảm xuống. Tuy nhiên, rủi ro luôn đồng hành cùng cơ hội. VN-Index sau giai đoạn suy giảm mạnh đã có những phiên giao dịch tích cực.
Cùng những chuỗi ngày tươi mới này, một số cổ phiếu đã lấy lại mức tăng trưởng tích cực. Cổ phiếu của CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) đã tăng mạnh từ 54.000đ/cp ở tháng 7, lên thẳng trên 92.000đ/cp đầu tháng 10, tăng gấp đôi thị giá sau hơn 60 ngày.
Cùng với sự tích cực chung của thị trường, VHC còn được hỗ trợ bởi thông tin cá tra xuất khẩu vào Mỹ được hưởng thuế 0%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng mở cửa chào đón 221 mặt hàng thủy sản từ các quốc gia thành viên được ưu tiên của WTO, trong đó có Việt Nam.
Mỹ và Trung Quốc là 2/4 nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, cũng là 2 nhân vật chính trong cuộc chiến thương mại, nhưng đồng thời hồ hởi với cá tra Việt, khiến ngành thủy sản lạc quan về mục tiêu sớm đạt 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay.
Nếu Trump nhắm đến các quốc gia khác để giảm nhập siêu thì Việt Nam có thể sẽ là mục tiêu. Nếu điều này xảy ra, thì rủi ro sẽ rất lớn. Bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam . |
Thực tế không dễ sớm lạc quan như vậy, ngay cả khi thị trường toàn cầu luôn cần cá, mực, bạch tuộc, tôm hay thịt fillet đông lạnh. Thống kê 8 tháng 2018 cho thấy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt 5,09 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Tôm và hải sản nhìn chung theo thống kê của VASEP đều giảm, trừ cá tra và cá ngừ đại dương. Như vậy, chỉ có “dân” cá tra và có thị trường vững như VHC, hay mở rộng ra như CTCP Hùng Vương (HVG), mới được xem là hưởng lợi từ… chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, cổ phiếu HVG đang lội sâu dưới mệnh giá. Cty này hiện đang có khoản lỗ lũy kế sau 9 tháng niên độ 2017-2018 đạt trên 340 tỷ đồng, thuộc diện doanh nghiệp có lỗ khủng với lũy kế lên tới trên 600 tỷ đồng. Theo đó, kể cả thủy sản có cơ hội nổi sóng nhờ chiến tranh thương mại, thì việc “đu” thuyền HVG vẫn bị nhiều nhà đầu tư khoanh vùng nguy cơ bị úp đá ngầm sóng dữ.
Một số ngành sẽ thực sự hưởng lợi?
Theo nghiên cứu của CTCK HSC, một số ngành và cổ phiếu cũng có thể được hưởng lợi trong trung- dài hạn nhờ chiến tranh thương mại. Nguyên do các nhà sản xuất Bắc Á buộc phải chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo đó, thương mại cảng biển, dịch vụ hàng hóa hàng không và thậm chí các khu công nghiệp (KCN) hay dệt may đều có cơ hội rất lớn.
HSC nhấn mạnh rằng, các KCN sẽ được lợi trong trung - dài hạn khi ngày càng nhiều Cty di dời đến Việt Nam. Các KCN tại Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi trước hết từ sự gia tăng của dòng vốn FDI. Cùng với đó, ngành may mặc sẽ giành thêm các đơn hàng nước ngoài khi bất lợi về thuế sẽ làm suy giảm tính cạnh tranh của Trung Quốc. Do hàng may mặc Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ chịu mức thuế bình quân khoảng 10%, ngành may mặc của Việt Nam có thể gia tăng thêm thị phần tại Mỹ.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Chính sách công và Quản lý Fulbright, ước tính với mức thuế áp lên 25% mà chính quyền Trump dự kiến thi hành vào đầu năm sau đối với hàng Trung Quốc, thì tỷ trọng kim ngạch các mặt hàng Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam như gỗ, nội thất, nông sản và thực phẩm chế biến, túi xách, máy móc thiết bị cơ khí, máy móc thiết bị điện tử, nhựa cao su…sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, nằm trong top các thị trường có kim ngạch xuất khẩu với Mỹ lớn nhất, Việt Nam cũng có nguy cơ bị trừng phạt thương mại từ Mỹ.
Cần lưu ý rằng, trước mắt tuy chưa có vụ trừng phạt thương mại nào đối với Việt Nam, song không ít ngành hàng của Việt Nam đã bị tổn thương vì chính sách thuế nặng dành cho các mặt hàng xuất từ Việt Nam có hàm lượng hay nguồn gốc “made in China”, điển hình như thép. Do đó, các chuyên gia đánh giá, không thể chỉ “lạc quan” một chiều rằng, ngành nào mà trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc hay Mỹ vẫn mở rộng cửa nhập hàng Việt với thuế suất 0%, thì ngành đó luôn giữ được lợi thế để đặt kỳ vọng “leo thang” cổ phiếu.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp