Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: "Công nghệ rác thải" và "vốn ô nhiễm" tăng tốc vào Việt Nam
Tổng cục Thống kê cảnh báo xung đột Mỹ - Trung sẽ đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc để sang các nước khác, trong đó, Việt Nam sẽ là điểm đến. Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng, nhiều đầu tư nước ngoài có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm tìm cách đầu tư vào Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT, tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung vẫn chưa ảnh hưởng rõ rệt tới Việt Nam.
Cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đẩy lên cao cũng không có lợi cho kinh tế Việt Nam |
Tuy nhiên, nếu Mỹ mở rộng bảo hộ thương mại chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, Mỹ sẽ đưa ra nhiều rào cản về thuế, kỹ thuật hàng hóa của Việt Nam do lo ngại hàng Trung Quốc trà trộn vào hàng Việt.
Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ hiện nay như dệt may, điện tử, điện thoại, da giày sẽ chịu tác động.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: "Xung đột Mỹ - Trung sẽ đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc để sang các nước khác. Trong đó, Việt Nam sẽ là điểm đến".
Tuy nhiên, ông Lâm cũng bày tỏ lo ngại: "Không tránh khỏi tình trạng, nhiều đầu tư nước ngoài có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm tìm cách đầu tư tại Việt Nam".
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, vấn đề "vốn ô nhiễm" - vốn đầu tư vào các dự án gây ô nhiễm và "công nghệ rác thải" - các dây truyền, kỹ thuật lạc hậu bị thải loại từ Trung Quốc đã được cảnh báo nhiều năm nay. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng khả năng phá sản, thua lỗ các dự án trên và buộc xuất đi nước thứ 3.
Ông Lâm cho rằng: Vấn đề này đã, đang và sẽ đặt ra bài toán, Nhà nước phải có hàng rào ngăn chặn dòng đầu tư này. Nhất là trong bối cảnh, hiện có nhiều dự án quy mô đầu tư nước ngoài nhưng có quy mô vốn ngày càng nhỏ chỉ khoảng 1 triệu USD.
"Giờ chúng ta phải sàng lọc, chứ không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá", ông Lâm nói. Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, có thể sắp tới, nhiều hàng hóa Trung Quốc sẽ đổ bộ thị trường Việt Nam, núp dưới nhãn hiệu Việt Nam.
Theo Dân trí