Nguồn lực "vàng" của BSR
(PetroTimes) - Từ ngày 26/4 đến 25/6/2018, 25 cán bộ, kỹ sư của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã trực tiếp hỗ trợ công tác khởi động Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trong vai trò chuyên gia đích thực. Đây chính là tiền đề để BSR mở ra một hướng đi mới: Xuất khẩu “chất xám”.
Nguồn lực quý giá nhất
Không phải ngẫu nhiên mới qua gần 10 năm vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất mà đội ngũ cán bộ, kỹ sư của BSR đã trở thành những “chuyên gia” lọc hóa dầu. Có được thành quả đó chính là BSR đã xây được nền móng vững chắc: Con người.
Không dưới một lần Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên khẳng định với chúng tôi rằng: Nguồn lực quý giá nhất của BSR chính là con người. Con người là giá trị cốt lõi. Do đó, BSR đã tập trung đầu tư để những “giá trị cốt lõi” ấy “sinh lời” ngay trong công việc họ đang thực hiện.
Các kỹ sư tại Phòng Điều hành trung tâm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Đã có những ý kiến ví von: “Mỗi kỹ sư ở NMLD Dung Quất có giá trị như vàng ròng, trọng lượng bằng chính cơ thể của họ”. Nói như vậy để hiểu rằng, BSR đã tập trung nguồn lực lớn đến nhường nào để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Và, sự đầu tư ấy đã cho những “mùa vàng” không chỉ là giá trị vật chất to lớn, mà còn có những giá trị khác không thể đo đếm bằng số học.
Ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, dự lễ tôn vinh “Người lao động BSR tiêu biểu năm 2018”, đã phát biểu: “Trong bất luận hoàn cảnh nào BSR vẫn giữ một vị trí quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), là cánh chim đầu đàn, là tài sản vô cùng to lớn của PVN. Tuy nhiên, tài sản hữu hình đó chưa phải là lớn nhất. Tài sản lớn nhất, quý giá nhất mà BSR đang sở hữu chính là những công nhân, kỹ sư, người lao động lành nghề, giàu kinh nghiệm”.
Có thể khẳng định, NMLD Dung Quất chính là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho BSR mà cho cả khâu sau của PVN. Trụ cột của BSR từ cán bộ quản lý, đến kỹ sư vận hành, rồi trở thành những chuyên gia trình độ cao, chính là những con người bình dị đang ngày đêm lao động miệt mài nơi mảnh đất miền Trung nhiều gian khó.
Từ học việc thành… chuyên gia
Cách đây không lâu, tôi vào Dung Quất tìm hiểu và viết loạt bài “Người Dung Quất làm khoa học”, mới chỉ phản ảnh được một phần rất nhỏ về những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, những công trình khoa học mà người Dung Quất đã thực hiện.
Trong 9 năm vận hành NMLD Dung Quất, người lao động BSR đã có tới 130 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước xấp xỉ 130 triệu USD; 596 cải tiến Kaizen, làm lợi 1,85 triệu USD; 33 đề tài nghiên cứu khoa học khác… 130 triệu USD, tương đương 3.000 tỉ đồng, con số tương đương GDP của một tỉnh trung bình khá của nước ta trong 1 năm. Mọi so sánh có thể là khập khiễng, nhưng đây là con số thực, phản ảnh thực về sự lao động sáng tạo của người lao động BSR, nơi được coi là “biểu tượng” của nền công nghiệp Việt Nam.
Trong số những giải pháp kỹ thuật, giải pháp tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm của NMLD Dung Quất đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Theo thống kê, giải pháp này mỗi năm làm lợi cho nhà máy khoảng 12,6 triệu USD.
Chỉ tính riêng trong đợt bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất lần thứ 3 diễn ra từ ngày 5/6/2017 (ngày đầu tiên dừng phân xưởng RFCC) đến ngày 25/7/2017 (ngày nhà máy vận hành lại đạt 100% công suất thiết kế), đội ngũ cán bộ, kỹ sư thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng tổng thể đã có 220 sáng kiến, ước tính làm lợi đến 397 tỉ đồng. Các sáng kiến ấy đã góp phần làm giảm chi phí hơn 2 lần so với đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 2.
Chuyên gia Bảo dưỡng sửa chữa Nguyễn Trung Kiệt |
Đây là những con số biết nói, được khẳng định bằng thực tế và bằng những luận cứ khoa học, hoàn toàn không phải là báo cáo để “tô hồng” thành tích. Điều này được minh chứng bằng giá trị trong quá trình lao động, vận hành thương mại nhà máy cho đến nay. Hiếm có nhà máy nào chỉ sau gần chục năm đi vào hoạt động đã đóng góp vào ngân sách quốc gia trên 7 tỉ USD (gấp đôi vốn đầu tư xây dựng). Lợi nhuận lũy kế sau thuế vượt con số 15.000 tỉ đồng.
Nói đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động BSR từ học việc trở thành… chuyên gia là như vậy. Họ là những chuyên gia giỏi, đạt chuẩn quốc tế.
Vươn ra biển lớn
Vươn ra biển lớn là khát vọng nâng tầm BSR thành một trong những công ty có thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới. Sứ mệnh lịch sử ấy được giao cho không ngoài ai khác là những cán bộ, kỹ sư, lao động kỹ thuật của BSR hiện nay.
Để “nâng được tầm” đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Một trong những tiêu chuẩn được coi là quan trọng hàng đầu là phải có đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có đẳng cấp, trong đó có các chuyên gia đầu ngành đạt chuẩn quốc tế.
Ngay từ năm 2012, với Nghị quyết số 2562/NQ-BSR, Hội đồng Thành viên BSR đã phê duyệt Dự án tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia. 44 nhân sự đã được tuyển chọn và gửi đi đào tạo ở các cơ sở trong và ngoài nước.
Kỹ sư Nguyễn Trung Kiệt, công tác ở Ban Bảo dưỡng sửa chữa, một trong những chuyên gia đầu tiên đạt chuẩn quốc tế, cho biết: “Là một trong những ứng viên được tuyển chọn, tôi hiểu được trách nhiệm của mình sau khi được đào tạo trở thành những chuyên gia, phải có trình độ chuyên môn cao, am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực mình công tác, có khả năng dự báo và xử lý các sự cố, các tình huống phức tạp…, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào các chuyên gia nước ngoài”.
Sau nhiều năm đào tạo và “thử lửa” ở các “lò” có tiếng trên thế giới và khu vực, cuối năm 2016, BSR đã có những chuyên gia đầu tiên đạt chuẩn quốc tế, họ là: Nguyễn Trung Kiệt, Nguyễn Thành Tâm (Bảo dưỡng sửa chữa); Nguyễn Trọng Tuyên, Đỗ Đức Nhuận (Điều độ sản xuất). Năm 2017 BSR có thêm 3 chuyên gia nữa: Thái Tiến Toàn (Vận hành sản xuất); Võ Hoàng Vũ (Nghiên cứu phát triển); Lê Xuân Hiển (Bảo dưỡng sửa chữa)…
Không chỉ gửi nhân sự đi đào tạo trở thành các chuyên gia đầu ngành, trong thời gian gần 2 năm, từ tháng 7/2014 đến tháng 5/2016, BSR đã ký hợp đồng trực tiếp đào tạo thực tế tại chỗ cho 627 nhân sự của NSRP tại NMLD Dung quất. Các học viên của NSRP đã được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và được trang bị đầy đủ từ các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất về các tác vụ hằng ngày trong ca làm việc cho đến các quy trình có độ phức tạp, chuyên môn cao hơn như quy trình dừng/khởi động và nhiều quy trình xử lý sự cố khẩn cấp của nhà máy lọc hóa dầu.
Ngoài ra, BSR, nơi có NMLD Dung Quất đang hoạt động, cũng là nơi kiến tập, thực tập tốt nghiệp lý tưởng cho nhiều sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong suốt thời gian qua.
Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư đúng mức, BSR đã và đang khẳng định vị thế dẫn đầu tại thị trường trong nước. Với tư duy ấy, trong tương lai gần, BSR sẽ là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở khu vực về lĩnh vực lọc hóa dầu, xứng đáng là “biểu tượng” của nền công nghiệp Việt Nam.
Từ năm 2014 đến nay, BSR đã cung cấp gần 70 kỹ sư, chuyên gia làm việc trực tiếp dài hạn tại NSRP. Ngoài ra, các thế hệ kỹ sư, chuyên gia của BSR đã có những đóng góp rất lớn trong đào tạo, hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng tại Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, BSR-BF, PVTEX, PVU, PVMTC… |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc với BSR | |
An toàn hóa chất tại BSR |
Đặng Trung Hội