Chiến trường Idlib: Sự im lặng trước cơn bão lớn?
(PetroTimes) - Trong mấy ngày qua, tình hình trên hầu hết khắp các mặt trận ở Syria đều rất yên tĩnh, mặc dù các khẩu pháo truyền thông phương Tây vẫn bắn không mệt mỏi rằng chiến dịch quân sự của Syria tại tỉnh Idlib đã bắt đầu.
Sợ Mỹ đánh, Syria sẽ hoãn tấn công Idlib? |
Mỹ đổi ý muốn tấn công Syria bất cần lý do |
Mỹ xem xét tấn công trực diện quân đội Nga ở Syria |
Quân đội Syria ở cửa ngõ tỉnh Idlib |
Câu hỏi đặt ra là Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang chờ đợi gì mà không tấn công Idlib, cứ địa cuối cùng của phiến quân và khủng bố ở Syria? Theo tờ nhật báo Nga Vzgliad, hai ngày qua, tình hình ở tỉnh Idlib đã trở nên yên tĩnh nhất kể từ đầu tháng 9: không có vụ ném bom lớn hay bắn pháo nào từ phía Syria nhằm vào các vị trí của những kẻ khủng bố. Máy bay Nga cũng không có động tĩnh gì. Theo các nhà quan sát, điều này là do các cuộc đàm phán tích cực đang diễn ra. Một trong số đó là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn Nga, Syria và Iran dùng vũ lực để giải quyết Idlib mà mong chuyển giao quyền lực ở Idlib cho Quân đội Syria Tự do (lực lượng "đối lập ôn hòa" ở Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn) giống như những gì họ đã làm ở Đông Ghouta - nơi các nhóm đối lập đã đồng ý đầu hàng và giao nộp vũ khí cho quân đội Damas.
Có hai lý do khiến Ankara lo ngại việc Damas và đồng minh Nga mở chiến dịch tấn công tái chiếm Idlib. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đón nhận thêm các làn sóng người tị nạn từ Syria tràn qua. Trong 7 năm qua, từ đầu khủng hoảng Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đón nhận 3 triệu người tị nạn Syria. Thứ hai, trong khuôn khổ tiến trình Astana (được khởi động từ tháng 1/2017, theo đó Iran, Nga, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý quy định 4 vùng giảm căng thẳng, trong đó có Idlib, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ), Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa cả trăm binh sĩ sang đóng tại 12 điểm quan sát trong vùng Idlib, để bảo đảm là các bên tôn trọng thỏa thuận "giảm căng thẳng" tại khu vực này. Ankara vừa muốn bảo đảm an toàn về tính mạng cho số lính này, vừa muốn bảo vệ phe nổi dậy mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "thành phần ôn hòa", chủ yếu tập trung ở phía nam tỉnh Idlib.
Ngày 17/9/2018, hai Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận lập vùng đệm, rộng từ 15 đến 20 km, ngăn cách các vị trí của quân nổi dậy ở tỉnh Idlib và quân đội Syria. Toàn bộ vũ khí hạng nặng và các lực lượng bị coi là “cực đoan nhất” sẽ phải rời khỏi khu vực này. Khu vực được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân cảnh Nga. Cụ thể là việc lập ra vùng đệm này sẽ gây khó khăn cho một đợt tấn công quy mô lớn trên bộ, nhưng điều đó không có nghĩa là không quân Nga và Syria sẽ không thể tấn công vào các vị trí của quân nổi dậy, nằm ở bên ngoài khu vực, nếu Moskva và Damas muốn. Tuy nhiên, nhìn chung, trong thời gian trước mắt, có thể coi giả thuyết về một đợt tấn công quy mô lớn đã bị gạt qua một bên, trong lúc mà chỉ cách đây chục hôm, Nga, chính quyền Damas và Iran dường như đã kiên quyết tiến hành một chiến dịch như vậy.
Rõ ràng là Tổng thống Nga đã chọn cách nương nhẹ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Hai lãnh đạo Nga, Thổ đã phải mất bốn giờ đồng hồ thương lượng, mới đi được đến quyết định này. Tuy nhiên, nước Nga cũng có được một vùng phi quân sự rộng từ 15 km đến 20 km, cho phép các căn cứ của Nga ở khu vực này không bị các máy bay không người lái của phe nổi dậy tấn công. Thực ra Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như muốn nhanh chóng dẹp được phe nổi dậy Syria, tức là thiên về giải pháp tấn công, giúp chính quyền Tổng thống Al-Assad chiếm lại toàn bộ lãnh thổ sau một cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2011 tới nay. Nhưng Moskva cũng muốn tránh cắt đứt đối thoại với Ankara, một đối tác kinh tế quan trọng của Nga. Bên cạnh yếu tố kinh tế, còn phải kể đến tính toán chiến lược của Điện Kremlin. Một chuyên gia quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được AFP trích dẫn nhận định: đành rằng Nga yểm trợ chính quyền Tổng thống Bachar Al Assad, nhưng Moskva cũng rất thận trọng trước ảnh hưởng của Iran đối với chính quyền Damas, do vậy, ông Putin cần có Thổ Nhĩ Kỳ, một nước Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni, để làm đối trọng với sự hiện diện của các lực lượng Iran theo dòng Shia ở miền bắc Syria.
Về phía Iran, theo AFP, cố vấn của giáo chủ Iran về quan hệ quốc tế, Ali Akbar Velayati, một mặt hoan nghênh thỏa thuận Nga, Thổ lập vùng đệm, mặt khác, tuyên bố các thương lượng vẫn đang được tiến hành nhằm giúp Damas lấy lại tỉnh Idlib, với tổn thất thấp nhất.
Trái bóng hiện trong chân Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có trách nhiệm tách lực lượng nổi dậy ôn hòa khỏi các nhóm thánh chiến, và buộc các nhóm này rút khỏi vùng “phi quân sự”. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại là thỏa thuận này sẽ không kéo dài. Một nhà phân tích về tình hình Syria thuộc trung tâm nghiên cứu độc lập Jusoor, trụ sở đặt tại Liban, cho rằng đối thoại Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cho phép hy vọng Damas sẽ hoãn kế hoạch tấn công Idlib cho tới cuối năm nay. Và khi chưa được Mokva bật đèn xanh, Damas chưa thể tiến hành đợt tấn công chiếm lại Idlib.
Trái ngược với sự yên tĩnh trên hầu như tất cả các mặt trận ở Syria là những sự đảo lộn trong quan điểm của các nước phương Tây. Chẳng hạn, Pháp thừa nhận phản đối hoạt động quân sự ở Idlib không vì lý do nhân đạo, mà bởi vì lo sợ những kẻ khủng bố sau khi Idlib bị chiếm sẽ trở về nhà, về Pháp. Đó là một quan điểm dễ hiểu và hợp lý. Trong khi Đức, đề nghị được tham gia các cuộc chiến chống lại Syria vì chính quyền Damas "sử dụng vũ khí hóa học", vẫn còn chưa để lộ lý do thực sự đằng sau tuyên bố như "giải cứu dân thường ở Idlib" và tránh "tắm máu ở Idlib". Những ngôn từ đao to búa lớn đầy chất nhân đạo như thế này cũng được phát ra từ nhiều nước châu Âu khác, bao gồm Đan Mạch và Hà Lan, và được sử dụng rộng rãi bởi phương tiện truyền thông phương Tây. Có phải là sau nhiều sự cố người di cư sinh chuyện trên đất Đức, Thủ tướng Angela Merkel nhận ra rằng "chúng ta (người Pháp, người Đức, người Hà Lan, người Bỉ) nên tìm cách bảo tồn nguyên vẹn "ổ dịch Idlib", bởi vì một khi ung nhọt này vỡ ra những kẻ khủng bố sẽ trở về tràn khắp châu Âu".
H.Phan