Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc:
Đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết
Đó là thông tin chia sẻ của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại diễn đàn “Mô hình liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học công nghệ” tổ chức ngày 30/8.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết thực trạng trình độ công nghệ áp dụng trong doanh nghiệp Việt Nam còn rất lạc hậu. Theo kết quả khảo sát của VCCI năm 2016, có đến gần 60% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Có đến 2/3 công nghệ của các doanh nghiệp đến từ các nước đang phát triển, trong đó có tới hơn 25% công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, trong đó có gần 20% là công nghệ đang sử dụng có trước năm 2005.
Những con số trên đã cho thấy phần nào thực trạng công nghệ, trình độ trang bị máy móc thiết bị của các doanh nghiệp trong các ngành chế biến - chế tạo của Việt Nam và cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ và các doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề này, Chính phủ đã hoàn thiện khung khổ pháp lý cho sự phát triển khoa học công nghệ, khởi nghiệp, thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ; có nhiều chính sách để hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu trong doanh nghiệp cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là nghiên cứu và phát triển chưa trở thành một hoạt động, hướng đầu tư quan trọng của doanh nghiệp; kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ còn rất yếu; các tổ chức thiết chế trung gian trên thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển, chính vì vậy mà nội lực nghiên cứu khoa học công nghệ của doanh nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, bản thân sự kết nối với các nhà khoa học công nghệ để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng chỉ ra thực trạng hiện nay của thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam chưa thực sự phát triển để giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm và mua các công nghệ hay bí quyết mà họ cần.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện mới đây, có tới gần 85% các doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có được các sản phẩm mới, chỉ có gần 14% doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động chuyển giao từ các tổ chức khoa học công nghệ đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%).
“Đây là một sự lãng phí rất lớn, vậy 99% còn lại ở đâu?” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Điều này cho thấy sự liên kết giữa các doanh nghiệp (bên cầu) trong thị trường khoa học công nghệ với các viện, trường, nhà khoa học (bên cung) vẫn còn hạn chế. Vẫn còn rất xa giữa công việc nghiên cứu của các nhà khoa học công nghệ với thực tiễn của doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp tự “mò mẫm” trong việc nghiên cứu và sáng tạo công nghệ thì các nhà khoa học vẫn “ôm ấp” những công trình nghiên cứu mà đầu ra là các ngăn kéo ở các viện/trường.
Toàn cảnh diễn đàn |
Vấn đề liên kết chuyển giao tri thức kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học viện/trường cho các doanh nghiệp gần như là yếu tố quyết định để phát triển thị trường khoa học công nghệ, nhằm nâng cao trình độ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, Việt Nam có thể học tập rất nhiều mô hình liên kết chuyển giao công nghệ ngay tại ASEAN như Malaysia. Để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, Malaysia đã có hẳn một chương trình chuyển giao tri thức (KTP), với mô hình có sự tham gia của 3 tác nhân chính là doanh nghiệp, các viện/trường và các tổ chức trung gian, trong đó coi doanh nghiệp là trọng tâm. Cơ chế doanh nghiệp phải là yếu tố then chốt để liên kết giữa 3 nhà. Quan hệ giữa 3 nhà phải là quan hệ đối tác, cộng sinh tạo nên sự bứt phá, sáng tạo.
Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp cập nhật, đổi mới công nghệ thiết bị.
Thông qua chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2007 tới nay, VCCI đã tổ chức hơn 60 chương trình hội thảo, diễn đàn nhằm phổ biến thông tin công nghệ, kết nối nhu cầu công nghệ cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. VCCI đã giới thiệu, kết nối, chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước đến công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá, nếu nói đến các tập đoàn đa quốc gia, sự chuyển giao công nghệ giữa các tập đoàn này với các doanh nghiệp trong nước vẫn còn là việc chưa thành công. Việt Nam mới chỉ thành công trong việc thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhưng chưa thành công trong việc liên kết các doanh nghiệp đa quốc gia với doanh nghiệp Việt, đến sự lan tỏa công nghệ.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới và bộ phận hội nhập quan trọng nhất là các tập đoàn FDI. 72% xuất khẩu từ Việt Nam ra thế giới là do FDI. Do đó, việc hội nhập của các doanh nghiệp nội địa với thế giới sẽ tùy thuộc vào hai chuẩn mực quan trọng về quản trị và công nghệ. Chúng ta vẫn chưa hội nhập với các FDI tại Việt Nam, hệ số chuyển giao công nghệ từ các FDI tới các doanh nghiệp nội thấp nhất trong ASEAN. Đây chính là vấn đề cần khắc phục.
Việc chuyển giao công nghệ từ các cơ sở nghiên cứu khoa học đến các doanh nghiệp và cả FDI còn yếu đã làm công nghệ của doanh nghiệp Việt chưa được cải thiện. "Do đó, việc đẩy mạnh cũng như phát triển doanh nghiệp là hướng đi quan trọng. Trong việc kết nối phát triển thị trường khoa học, doanh nghiệp phải đóng vai trò trung tâm. Các nhà khoa học là những đối tác. Các nhà khoa học công nghệ và doanh nghiệp phải cộng sinh trong chuỗi giá trị nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập một Ủy ban mới TPP về đối tác công tư. TPP không chỉ là hợp tác mà chính là đối tác công tư trong việc nghiên cứu và thúc đẩy nâng cao công nghệ trong các doanh nghiệp. Khu vực tư nhân là động lực và có bàn tay của Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự hợp tác của các nhà khoa học thì mới có thành công.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá: "Đối tác công tư trước hết không chỉ là đối tác công tư chúng ta đang nói, không chỉ dừng lại ở việc huy động vốn xây dựng cầu đường, cơ sở hạ tầng mà cần hiểu rộng hơn là sự bắt tay, sự cộng sinh giữa nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển các ngành công nghiệp và các ngành công nghệ.
Đối tác công tư trong phát triển công nghệ tại các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam là hướng đi quan trọng. Tôi rất mong phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng công thức đối tác công tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Đây có lẽ là một trong những chương trình đối tác quan trọng nhất. Tinh thần doanh nghiệp và cuộc cách mạng 4.0 sẽ là hai động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong thời gian tới".
Nguyễn Hoan