Thu trăm tỷ đồng mỗi năm nhờ đưa bánh phồng tôm ra thế giới
Bánh phồng tôm chiếm khoảng 90% tổng doanh thu mỗi năm của Sa Giang và Bích Chi.
Không phải dòng đại trà, bánh phồng tôm là sản phẩm gắn liền với số ít tên tuổi doanh nghiệp, trong đó hai cái tên lớn nhất trong ngành là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã CK: SGC) và Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi - hai doanh nghiệp đều có gốc gác từ Đồng Tháp.
Dù chỉ là thị trường ngách, bánh phồng tôm đã đem lại cho hai doanh nghiệp này hàng trăm tỷ doanh thu mỗi năm, từ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bánh phồng tôm chiếm hơn 90% doanh thu của Sa Giang và Bích Chi. |
Là doanh nghiệp đứng đầu về thị phần bánh phồng tôm nội địa, Sa Giang vừa công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2018 với doanh thu gần 140 tỷ và lợi nhuận gần 10 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90% doanh thu của công ty này đến từ sản phẩm bánh phồng tôm.
Trong cơ cấu doanh thu của Sa Giang, doanh thu xuất khẩu đạt hơn 81 tỷ đồng, trong khi nội địa chỉ hơn 58 tỷ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận từ thị trường xuất khẩu chỉ hơn 9%, trong khi tỷ lệ này với nội địa lên tới 27%. Do biên lợi nhuận chênh nhau quá lớn giữa hai thị trường này nên thực tế "nồi cơm" chính của Sa Giang vẫn là bán bánh phồng tôm trong nước.
Năm 2018, doanh nghiệp đến từ Đồng Tháp đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 312 tỷ và 40 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 7% và 6% so với năm trước. Tuy nhiên, với kết quả thực tế ghi nhận, Sa Giang sau nửa đầu năm nay mới chỉ đạt gần 45% doanh thu và 25% kế hoạch lợi nhuận.
Báo cáo tại phiên họp thường niên hồi đầu năm, ban lãnh đạo Sa Giang cho biết, kế hoạch năm được đề ra trên cơ sở công ty tiêu thụ 7.900 tấn bánh phồng tôm và 1.000 tấn các sản phẩm từ gạo như hủ tiếu, bún phở. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty khi đó cũng cho biết, vấn đề rủi ro với Sa Giang là sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại ngày càng tăng khi Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) chính thức có hiệu lực.
Không chỉ kém xa kế hoạch, lợi nhuận của Sa Giang cũng giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, Sa Giang ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 290 tỷ đồng và 30 tỷ đồng. Bánh phồng tôm, khi đó, tiếp tục chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu với tỷ lệ 91%, tương đương 265 tỷ đồng.
Không chỉ lớn hơn Sa Giang về quy mô tổng tài sản, Bích Chi cũng là doanh nghiệp lớn nhất về xuất khẩu bánh phồng tôm ra thế giới.
Cũng là doanh nghiệp có gốc gác từ Đồng Tháp, Bích Chi hoạt động chính là sản xuất các sản phẩm từ gạo, đặc biệt là bánh phồng tôm (cũng chiếm hơn 90% doanh thu). Theo báo cáo bán niên năm 2018 mới công bố, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 240 tỷ đồng doanh thu và hơn 23 tỷ lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm, tăng nhẹ so với cùng giai đoạn năm 2017.
Sản xuất cùng dòng sản phẩm với cơ cấu doanh thu khá tương đồng, nhưng biên lợi nhuận của Bích Chi có phần đồng đều hơn Sa Giang. Trong nửa đầu năm, doanh thu từ thị trường nội địa của Bích Chi chỉ khoảng 90 tỷ đồng còn xuất khẩu đem về hơn 150 tỷ, biên lợi nhuận cả hai thị trường đều trên 20%.
Đến cuối quý II, tổng tài sản của Bích Chi đạt hơn 272 tỷ đồng, trong khi con số này với Sa Giang là hơn 153 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Bích Chi cũng cao hơn gấp đôi so với Sa Giang với 171 tỷ so với 71 tỷ đồng.
Bích Chi trước đây cũng từng nhiều lần đánh tiếng sẽ thâu tóm Sa Giang. Hiện SCIC là cổ đông lớn nhất của Sa Giang với sở hữu gần 50%. Doanh nghiệp Đồng Tháp này cũng nằm trong kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới của SCIC. Tuy nhiên, việc thâu tóm một đối thủ trong ngành được dự báo sẽ không dễ dàng với Bích Chi khi những lãnh đạo của Sa Giang thời gian gần đây liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu.
Theo VnExpress.net