Bầu Đức và tỷ phú đô la kể lại nhân duyên cuộc “hôn nhân tỷ đô”
“Gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn” là thực trạng của HAGL khiến đầu năm nay, bầu Đức tìm đến ông Trần Bá Dương và có “cú bắt tay tỷ đô” - một trong những thương vụ lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam cho đến thời điểm này giữa hai doanh nghiệp nội.
Đối diện với “khủng hoảng trầm trọng”
“Tôi đồng tình với cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối của Thaco và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)” phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tối qua (8/8) đã đánh dấu một bước ngoặt, mở ra một trang mới đối với HAGL.
Thực trạng của HAGL đã được ông Đoàn Nguyên Đức đề cập rất thẳng thắn ngay trong buổi lễ tối qua. Ông Đức cho biết, trong thời gian gần 10 năm qua, với kế hoạch đầu tư phát triển trồng mới cây cao su trên quy mô lớn tại 3 nước Đông Dương, nhưng HAGL đã không may.
Sự “không may” đó chính là khi HAGL bắt đầu triển khai trồng thì giá mủ cao su lên đến 5.000 USD/tấn nhưng khi chính thức đưa vào khai thác thì gặp phải khủng hoảng kinh tế, giá dầu giảm mạnh, dẫn đến giá mủ cao su giảm sâu và đến nay vẫn chỉ khoảng 1.300 USD/tấn.
Từ đó, các hoạt động khai thác mủ cao su gần như ngưng trệ toàn bộ, do càng khai thác càng lỗ. “HAGL đối diện với cuộc khủng hoảng thật trầm trọng” – ông Đức thừa nhận. Chính điều này làm cho công ty đối diện với nhiều khó khăn, bị mất thanh khoản, không đủ khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.
Các doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương sẽ tham gia hỗ trợ bầu Đức cơ cấu nợ |
“Mặc dù đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét tái cấu trúc nợ, giảm lãi suất, đồng thời công ty cũng đã nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng giảm nợ, nhưng đến nay tổng dư nợ vay của HAGL vẫn còn khoảng 23.000 tỷ đồng dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh hàng năm rất lớn” – vị thuyền trưởng của HAGL cho biết.
Trước tình hình khó khăn, HAGL đã mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây ăn trái với tổng diện tích đã trồng lên đến 12.000 ha (mục đích lấy ngắn nuôi dài, tạo thanh khoản) với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, chanh dây, bưởi da xanh, mít và hơn 10 loại cây ăn trái khác. Cây ăn trái của HAGL đã bắt đầu thu hoạch và xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, theo lời ông Đức, mặc dù có tín hiệu rất khả quan nhưng HAGL “vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn”.
“Trong bối cảnh đó, tôi đã tìm đến gặp ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco đề nghị hợp tác đầu tư vào Công ty Nông nghiệp HAGL (HNG) với mục đích chính là cùng nhau xây dựng công ty trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, đồng thời hai bên cùng hợp tác đầu tư xây dựng giai đoạn 2 dự án Myanmar”, ông Đức kể lại.
Hàng chục nghìn tỷ đồng “tiền tươi”
Nói với truyền thông về lý do chọn ông Trần Bá Dương làm người “cứu” mình, ông Đức rất thẳng thắn, bởi ông Trần Bá Dương có “tiền tươi” (chứ không phải tiền vay ngân hàng) và có kinh nghiệm quản lý sản xuất quy mô lớn – đây là những yếu tố tiên quyết mà HAGL cần.
Ông Trần Bá Dương cũng chia sẻ tại buổi lễ tối qua rằng, nhân duyên của thoả thuận này đó là đầu năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức đã gặp và nhờ ông giúp đỡ giải quyết những khó khăn mà ông Đức đang gặp phải là: thiếu vốn để gia tăng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Ông Đức đồng thời cũng mời gọi ông Dương đầu tư cùng vực dậy công ty HAGL trong lĩnh vực nông nghiệp và hoàn thành dự án bất động sản tại Myanmar.
“Do điều kiện khách quan, HAGL đã lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Là một doanh nhân nên tôi hiểu việc đối mặt với những rủi ro trong kinh doanh do biến động khôn lường của nền kinh tế thị trường là điều khó tránh khỏi”, ông Dương nói.
“Tôi cũng hiểu rất rõ về khát vọng, ý chí và nỗ lực của ông Đoàn Nguyên Đức nói riêng và toàn thể cán bộ nhân viên HAGL nói chung, khi đi tham quan những rừng cao su bạt ngàn xanh tươi, những nông trường cây ăn trái rộng lớn nên tôi nhận thấy phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ và hơn hết là phải chia sẻ, đồng hành cùng ông Đoàn Nguyên Đức và HAGL vượt qua khó khăn và phát triển tiếp sự nghiệp nông nghiệp với tiềm năng vốn có từ tầm nhìn ban đầu và những thành quả mà phải mất nhiều công sức và thời gian mới có được”, vị tỷ phú USD chia sẻ.
Trước khi diễn ra thương vụ mua trái phiếu chuyển đổi của HNG gây xôn xao giới tài chính cuối tuần trước, từ tháng 3/2018, ông Trần Bá Dương đã ứng cho HNG các khoản tiền để phát triển thêm diện tích trồng cây ăn trái và thanh toán nợ đến hạn khoảng 1.577 tỷ đồng.
Đến nay, Thaco đã chính thức bỏ ra hơn 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% Công ty Nông nghiệp HAGL và 51% HAGL Land. Đây chỉ là số tiền mua cổ phần để nắm quyền sở hữu.
Để HAGL phát triển nhanh và bền vững, có lợi nhuận tốt cho những năm sau, Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay cho HNG khoảng 14.000 tỷ đồng (số liệu do ông Đức cung cấp), và huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án Myanmar.
Tổng số tiền Thaco đầu tư là số tiền rất lớn, có thể nói là một trong những thương vụ lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay đối với hai doanh nghiệp trong nước.
Theo Dân trí