Quảng Ninh “loay hoay” với tình trạng thanh toán ngoại tệ trái phép
Khách Trung Quốc sang Quảng Ninh, mua hàng quẹt thẻ và toàn bộ tiền hàng đều được… chuyển qua Trung Quốc, gây thất thu thuế lớn cho ngân sách nhà nước.
“Việc kiểm soát tình trạng này rất khó khăn vì giao dịch mua hàng chủ yếu qua kênh online”, ông Cao Xuân Luật - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết.
Mới đây nhất, ngày 02/5/2018, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh phối hợp với UBND thành phố Hạ Long phát hiện cửa hàng treo biển hiệu “Nông sản nổi tiếng nhất Việt Nam” dùng 3 máy POS giao dịch với khách hàng, và chuyển hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) về Trung Quốc, mà không qua hệ thống ngân hàng trung gian nào của Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh nhận định, nhiều chủ hàng ở Quảng Ninh là người Trung Quốc. Lâu nay, khách Trung Quốc vào mua sắm được chủ cơ sở lén lút thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, chuyển trái phép về thẳng Trung Quốc thông qua máy thanh toán cầm tay POS, do các đối tượng đem sang Việt Nam. Các đối tượng vừa trốn được thuế, vừa khó bị các lực lượng chức năng của Việt Nam kiểm soát.
Những chiếc máy POS chuyển tiền ngoại tệ trái phép bị lực lượng chức năng bắt quả tang tại Quảng Ninh vào 2/5/2018 (Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu)
Được biết, năm 2017, lượng khách Trung Quốc đến Quảng Ninh là 600.000 khách/năm. 6 tháng đầu năm 2018, Quảng Ninh đón hơn 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế, khách Trung Quốc chiếm số lượng không nhỏ.
Ông Cao Xuân Luật - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết, lượng khách Trung Quốc tới Quảng Ninh nhưng toàn bộ mua sắm của họ lại không qua hệ thống NHNN Việt Nam. Doanh thu dự kiến từ khách du lịch Trung Quốc sang Quảng Ninh lên đến 1.800 tỉ đồng trong năm 2017 nhưng theo một nguồn tin cho biết, số thuế thu về chỉ có… 936 triệu đồng?! Không kiểm soát được tình trạng thanh toán ngoại tệ trái phép này, Quảng Ninh đã đang và sẽ bị thất thu một lượng tiền rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này không đơn giản vì các đối tượng bán hàng rất tinh vi, bởi máy POS khá nhỏ rất khó phát hiện. Chỉ cần có tín hiệu internet, các đối tượng dùng máy POS này thanh toán với khách hàng ở bất cứ vị trí nào, thậm chí cả khi đang di chuyển. Việc thanh toán quẹt thẻ rất nhanh gọn trong khi lực lượng quản lý thị trường không thể bố trí lực lượng 24/24 giờ giám sát, kiểm tra được trung gian thanh toán.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, một bất cập nữa là sự phối hợp liên ngành trong quá trình kiểm tra. Cần phải có cả sự tham gia của phía thanh tra ngân hàng trong khâu này vì ngay cả khi bên quản lý thị trường có phát hiện ra vi phạm trong việc giao dịch ngoại tệ trái phép, nhưng để ra quyết định xử phạt 500 triệu đồng với doanh nghiệp thì bên ngân hàng Nhà nước mới có thẩm quyền lập văn bản vi phạm xử lý trong lĩnh vực tiền tệ. Nếu việc phối hợp không nhịp nhàng sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng quá thời hiệu xử phạt hành chính.
Trước thực trạng giao dịch ngoại tệ trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh thành khác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có công văn chỉ đạo 6 bộ ngành và UBND các tỉnh vào cuộc để xử lý nghiêm các hành vi thanh toán ngoại tệ trái phép.
Lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Ninh cũng đang vào cuộc điều tra các cửa hàng tại các thành phố Hạ Long và Móng Cái chuyên phục vụ khách Trung Quốc. Hy vọng sớm chấm dứt được tình trạng chuyển tiền trái phép về Trung Quốc nhức nhối như hiện nay.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Đạm Cà Mau tiết kiệm hàng chục tỷ đồng từ việc trả nợ trước hạn |
5,6 tỉ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2018 |
Tỷ giá biến động mạnh: Nguyên nhân và ảnh hưởng |