Doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng cách nào?
Giới chuyên gia cho rằng, với việc tỷ giá VND/USD đang có diễn biến phức tạp theo xu hướng gia tăng, các doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá.
Doanh nghiệp sẵn sàng nghiệp vụ phòng ngừa khi tỷ tỷ giá tăng |
Tiếp tục tăng, giá mua bán USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trong ngày 30/7. Đến cuối giờ chiều, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank đứng ở mức 23.220-23.300 VND/USD, tăng 30 đồng so với cuối tuần trước.
Nhiều ngân hàng khác cũng đã tăng mạnh giá mua bán USD. Trong đó, Sacombank đã nâng giá bán USD lên tới 23.330 VND/USD, chỉ còn cách mức trần cho phép 9 đồng, giá mua cũng đã tăng lên đến 23.235 VND/USD; BIDV tăng 35 đồng lên 23.240- 23.320 VND/USD; VietinBank tăng 15 đồng lên mức 23.223- 23.313 VND/USD.
DongABank, Eximbank, Techcombank cùng tăng tỷ giá thêm 30 đồng. Hiện giá bán USD tại 3 ngân hàng này cùng ở mức 23.320 VND/USD, trong khi giá mua vào từ 23.220-23.240 VND/USD.
Động thái nói trên của các ngân hàng thương mại có thể đã chịu tác động khi NHNN nâng tỷ giá trung tâm thêm 10 đồng lên 22.659 VND/USD. Giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng tăng thêm 11 đồng lên 23.289 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua bán USD chợ đen trong ngày hôm nay không có nhiều biến động, hiện vẫn đang giao dịch quanh mức 23.450 VND/USD chiều bán, cao hơn tại các ngân hàng hơn 100 đồng.
Theo các chuyên gia, sau đúng 1 tuần kể từ thời điểm NHNN dừng bán USD giá rẻ, tỷ giá USD trên thị trường đã có những biến động phức tạp, nhưng nhìn chung vẫn đang trong xu hướng đi lên. Tỷ giá tại các ngân hàng đã tăng hơn 200 đồng so với trước ngày 23/7 vừa qua. Còn so với thời điểm đầu năm, tỷ giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 550 đồng, tương đương với mức tăng 2,5%.
"Nhiều khả năng NHNN đang tính đến kịch bản đồng nhân dân tệ (CNY) có thể sẽ tiếp tục giảm giá thêm 1-2% nữa, nên chủ động đi trước để VND giảm giá thêm khoảng 1%. Nếu kịch bản trên thực sự xảy ra, có thể VND sẽ có mức mất giá từ 2-3% cho cả năm nay, thay vì chỉ quanh mức 2% như dự báo trong kịch bản cơ sở mà chúng tôi đưa ra trước đó", BVSC nhận định.
Các doanh nghiệp Việt Nam lo ngại sự biến động nói trên sẽ tác động đến giá trị của VND trong tương lai. Do đó, các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá (hedging) thông qua việc đẩy mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn (forward) ở thời điểm hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu về nghĩa vụ thanh toán thực trong tương lai.
Ông Nguyễn Minh Khuê, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoàng Long, cho biết, theo cách thông thường, doanh nghiệp có thể ứng dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua việc mua ngoại tệ theo hợp đồng tương lai (future contract), hay nói cách khác đây là một dạng bảo hiểm biến động tỷ giá.
Với việc mua ngoại tệ trong tương lai, doanh nghiệp phải chịu giá cao hơn giá hiện tại, nhưng lại đảm bảo được sự ổn định của tỷ giá dựa trên kế hoạch tài chính của mình. Nghĩa là dù tỷ giá trong những tháng cuối năm có tăng vọt thì doanh nghiệp vẫn chỉ phải trả với mức giá đã mua trước đó.
Tính đến nay, NHNN bán ra khoảng hơn 2 tỷ USD, đồng nghĩa sẽ có khoảng 46.000 tỷ đồng đã được hút khỏi hệ thống ngân hàng trong tuần qua. Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng tới 200 điểm cơ bản (2%) so với diễn biến của một tuần trước đó.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu vốn trong nền kinh tế thường có xu hướng tăng nhanh vào các tháng cuối năm thì việc NHNN hút tiền đồng về sẽ làm cho thanh khoản của toàn hệ thống trở lên khan hiếm hơn. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang đối mặt với áp lực tăng nhiều hơn trong những tháng còn lại của năm 2018. Điều đó sẽ khiến cho các ngân hàng phải tính tới khả năng phải tăng lãi suất để huy động vốn.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Giá vàng miếng giảm, USD tăng |
Tỷ giá biến động mạnh: Nguyên nhân và ảnh hưởng |