Thấy gì từ thành công “nho nhỏ” của Hà Nội?
Thành công “nho nhỏ” của Hà Nội ở lĩnh vực thu gom rác khiến cho nhiều người bất ngờ, thậm chí cảm thấy vui khi Hà Nội đang tiên phong trong vấn đề giảm chi tiêu công.
Hà Nội đã giảm được 4.000 tỷ đồng qua hoạt động đấu thầu thu gom rác ở 30 quận, huyện. Ảnh: Internet. |
“Qua rà soát, tổ chức đấu thầu thu gom rác ở 30 quận, huyện đã giảm được 4.000 tỷ đồng”. Đó là công bố của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một buổi tiếp xúc cử tri gần đây. Thông tin này ít nhiều khiến cho nhiều người bất ngờ, thậm chí cảm thấy vui khi Hà Nội đang tiên phong trong vấn đề giảm chi tiêu công.
Theo đó, kể từ năm 2016, Hà Nội tổ chức rà soát lại toàn bộ chi phí, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác và thấy chi phí đó các năm quá lớn nên đã tổ chức đấu thầu thu gom rác đồng loạt tại 30 quận, huyện và thị xã Sơn Tây. Nhờ đó, Hà Nội giảm được 34,2% chi phí so với cùng thời gian trước đây, tương đương khoảng 4000 tỷ đồng.
Thực tế, đây không phải là lần đầu Hà Nội làm được việc này. Còn nhớ, trước đây, ông Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu rà soát chi phí cắt cỏ. Và chỉ một lệnh của ông, tổng chi phí cắt cỏ ở nhiều đại lộ, con đường của Thủ đô đã giảm 700 tỷ đồng trong một năm.
Vẫn biết, sự tiết kiệm mới được chỉ đạo thực hiện ở số ít trong nhiều lĩnh vực chi tiêu công, nhưng đó lại là điều mà dường như các địa phương khác không làm được. Nên mới có chuyện người dân Hà Thành phấn khởi: “Chủ tich Nguyễn Đức Chung nói là tin được. Dân biết rất rõ về ông và rất quý mến ông khi ông còn là Giám đốc Công an Hà Nội. Và người dân Thủ đô tin tưởng ông sẽ làm thêm được nhiều điều có ích cho nhân dân trong thời gian tới”.
Vâng! Chỉ đấu thầu thu gom rác mà đã tiết kiệm được 4000 tỷ đồng. Đáng nói là chi phí giảm hàng ngàn tỷ đồng, nhưng chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn, thành phố sạch đẹp hơn nhờ các đơn vị trúng thầu đều thực hiện tốt yêu cầu về việc thu gom, vận chuyển rác thải. Thậm chí, nhiều nơi còn nhập máy quét rác, hút bụi thuộc loại hiện đại nhất của Đức về, tổ chức cho công nhân đi tập huấn ở nước ngoài mà chi phí không hề tăng lên.
Thành công “nho nhỏ” của Hà Nội ở lĩnh vực thu gom rác đặt ra cho chúng ta một số vấn đề: Có thể rà soát chi phí dịch vụ, mua sắm công ở tất cả các lĩnh vực còn lại không? Có đáng để tất cả các Bộ/ngành và các tỉnh/thành phải nhìn lại bản thân mình đã làm đc như Hà Nội chưa?
Và nếu ở tất cả các Bộ/ngành, các địa phương, cùng thời điểm này, mở đợt tổng rà soát chi phí, có thể tập trung vào một số dịch vụ công: Cấp thoát nước, cắt cỏ, vệ sinh môi trường... có khi, cũng sẽ giống như Hà Nội, sẽ tiết kiệm được mỗi nơi hàng ngàn tỷ đồng, nhân lên, có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng?!
Thế nhưng, cái khó khăn để nhân rộng “điểm sáng” này ở chỗ rất “khó nói” đó là người ta đang dựa vào các khoản chi phí công để dễ bề trục lợi. Do đó, thật khó để kêu gọi tinh thần tự giác của tất cả các địa phương, Bộ/ngành. Nói vậy không ngoa chút nào vì từ trước tới nay ở rất nhiều vấn đề, khi và chỉ khi có một quyết định từ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ với tinh thần quyết liệt, thì may ra các địa phương, Bộ/ngành mới rục rịch thực hiện.
Trong bối cảnh ngân sách tăng chi, lại không phải tăng để đầu tư phát triển, mà chủ yếu chi thường xuyên. Trong chi thường xuyên, chi cho an sinh vượt quá khả năng nguồn lực đang có. Từ đó mục tiêu an sinh cũng không thực hiện tới nơi tới chốn, mục tiêu tăng trưởng cũng không đạt được.
Song song, vốn đầu tư có 50% từ nguồn ngân sách tiết kiệm được, số còn lại mới đi vay, nhưng nay hầu hết vốn đầu tư phải đi vay với lãi suất cao. Chưa kể, khi vốn từ kho bạc tới công trình cũng bị “mai một, rơi rớt” rất nhiều. Cùng đó, nguồn lực ngân sách đã ít lại sử dụng phân tán, dẫn tới hiệu quả càng thấp.
“Với cách chi tiêu hiện nay, ngân sách đang đứng trước khả năng mất cân đối rất lớn. Để có vốn đầu tư, đặc biệt các công trình trọng điểm, nhà nước đều phải đi vay, con cháu sau này phải trả”- PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cảnh báo.
Chính vì vậy, 4000 tỷ đồng, chỉ một con số đó thôi, ở một lĩnh vực đó thôi, dù vui mừng vì tiết kiệm thật, nhưng cũng đã cho thấy chúng ta lãng phí khủng khiếp trong chi tiêu công như thế nào suốt thời gian qua.
Dẫu sao, đây vẫn là một thành công của Hà Nội trong nỗ lực cắt giảm chi tiêu công. Và nó cho thấy làm được hay không làm được đều do ý chí và quyết tâm của người lãnh đạo mà thôi.
Theo Enternews.vn
Thống đốc Ngân hàng: Phải triệt để tiết kiệm, chống lãng phí |
Nhận diện lãng phí |
Cắt giảm chi tiêu công, nhìn từ góc độ vĩ mô |