Cả gia đình bị ngộ độc nấm
Sáng 20/7, khoa Cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vừa tiếp nhận 4 trường hợp bị ngộ độc nấm là người trong một nhà.
Tử vong do ăn phải nấm độc |
Ba người bị ngộ độc sau khi ăn nấm |
Đắk Lắk: Cả gia đình nhập viện vì ăn phải nấm lạ |
Theo lời kể của người nhà, vào bữa cơm tối 19/7, gia đình có ăn nấm rừng tự hái không rõ loại, đã ăn nhiều lần trước đó. Khoảng 1 tiếng sau ăn, 4 thành viên trong gia đình gồm bà Lê Thị Thái 83 tuổi, con trai Lê Đình Dũng 46 tuổi, con dâu Nguyễn Thị Viễn 35 tuổi và cháu gái Lê Thị Thu Hà 10 tuổi ở thôn 4, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên có triệu chứng ngứa cổ họng, buồn nôn, nôn, đau tức bụng, quặn từng cơn và đi ngoài phân lỏng nhiều lần.
Đến 1 giờ sáng ngày 20/7, trừ bà Thái thì 3 người trong gia đình được người thân đưa đi cấp cứu. Do có triệu chứng muộn nên phải đến 3h30 cùng ngày, bà Thái mới đi cấp cứu bệnh viện.
Loại nấm mà gia đình bà Thái ăn giống loại nấm này |
Nhập viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng cả 4 bệnh nhân đều mệt, đi kèm với các triệu chứng nêu trên. Các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc nấm nên cần theo dõi. Các bệnh nhân được truyền dịch thải độc, bù điện giải và cho uống than hoạt tính sorbitol hấp thụ chất độc, làm các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết.
BS.Trần Tiền, khoa Cấp cứu - Chống độc khẳng định ngộ độc nấm chia thành 2 loại: triệu chứng sớm và triệu chứng muộn.Các bệnh nhân bị ngộ độc chưa rõ loại nấm và có triệu chứng sớm, được nhập viện kịp thời. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, bác sỹ Tiền khuyến cáo người dân, tuyệt đối không được sử dụng các loại nấm rừng không rõ loại, các thực phẩm không biết nguồn gốc rõ ràng. Từ trước đến nay, đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc nấm rừng, đây là thói quen và sự chủ quan của người dân ở nông thôn.
Để phòng tránh ngộ độc nấm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Bộ Y tế khuyến cáo, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời: Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
PV