Chuyển giá - “hai mặt của đồng xu”
Hoạt động chuyển giá được một số chuyên gia về thuế cho là... bình thường với các tập đoàn đa quốc gia.
Theo các chuyên gia quốc tế, hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào chính sách miễn thuế có thời hạn, miễn thuế có thời hạn một phần cũng như các chế độ thuế suất ưu đãi và miễn thuế nhập khẩu để thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, cơ chế này chưa phải là phù hợp để Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI mang tính đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến, có thu nhập cao hơn và thúc đẩy đổi mới và năng lực kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao để chuyển giá, chuyển lợi nhuận. |
Hiện tượng tự nhiên
Tại một hội thảo về ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết vừa được tổ chức tại Hà Nội đầu tuần này, ông Thomas McClelland, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, cho rằng chuyển giá chuyển giá là hoạt động bình thường trong kinh doanh. Thậm chí, chuyên gia tại một trong những thương hiệu tư vấn thuế lớn nhất thế giới này còn xem chuyển giá là một “nghệ thuật”. “Giá chuyển nhượng là một phần không thể tách rời của thương mại quốc tế” và “không thể tránh được các vấn đề có liên quan đến chuyển giá”, ông Thomas nói.
Không thể phủ định ý kiến về hoạt động chuyển giá của ông Thomas. Trong một thế giới phẳng thực tế thì chuyển giá là một trong những hoạt động thường xuyên mà các công ty có hoạt động ở hơn một quốc gia đều phải thực hiện.
Bà Nguyễn Vân Chi, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính -Ngân sách của Quốc Hội cũng đồng tình với ý kiến của đại diện Deloitte khi cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên. Và nếu đã là hiện tượng tự nhiên, thì đó sẽ là hoạt động không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong gọi chuyển giá là hành động bất hợp pháp và vô đạo đức. "Mặc dù bản chất doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận nhưng việc chuyển giá là hình thức trốn thuế một cách cố tình thì cần lên án", ông Phong nhấn mạnh.
“Voi lọt lỗ kim”
Cho tới nay, Việt Nam đã thu hút được trên 24.000 dự án FDI. Các dự án này đóng góp gần 20% tổng thu ngân sách quốc gia và cũng gần 20% GDP của cả nước. Tuy nhiên, theo Cục Tài chính Doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, số doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp.
Cục Tài chính Doanh nghiệp cũng đã phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp FDI từ năm 2012 đến năm 2016. Theo đó, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ hàng năm là từ 44 đến 51%, đặc biệt năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng doanh nghiệp có báo cáo. Dù báo lỗ liên tục, nhưng nhiều doanh nghiệp FDI lại cũng liên tục mở rộng đầu tư trong cùng thời gian hoạt động tại Việt Nam.
Câu chuyện về các tập đoàn đa quốc gia lớn như CocaCola, Metro Cash & Carry, Big C hay Keangnam bị thanh tra phát hiện có hoạt động chuyển giá trước đây và truy thu hàng nghìn tỷ đồng được coi là những ví dụ điển hình về hoạt động chuyển giá tại Việt Nam. Nhưng ngay cả khi những tập đoàn lớn đó bị phát hiện báo lỗ không trung thực và bị truy thu thuế, cùng với hàng loạt cuộc thanh tra diện rộng từ các cơ quan chức năng Nhà nước, hoạt động chuyển giá để trốn thuế tại Việt Nam cũng không hề giảm.
Đặc biệt, Cục Tài chính Doanh nghiệp còn chỉ ra một xu hướng mới đáng chú ý, đó là chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một số doanh nghiệp FDI để được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số ngành của các năm qua luôn duy trì mức rất cao như linh kiện điện tử, viễn thông và phần mềm luôn trên 30%...
“Dù hoạt động tốt nhưng DN FDI nộp ngân sách thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và việc đảm bảo môi trường. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này do DN FDI lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… để chuyển giá, chuyển lợi nhuận”, Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá.
Theo các chuyên gia của WB, thời gian tới, Việt Nam cần thay thế chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả. Cần xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại và tái thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi “dựa trên lợi nhuận” với ưu đãi “dựa trên hiệu quả”. Theo đó, cần chuyển tương ứng các quy định về ưu đãi từ Luật Đầu tư sang Luật Thuế và Luật Hải quan, với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế, phụ trách Dịch vụ Thuế DN và Hải quan Deloitte Việt Nam: Hành lang pháp lý đã có, quan trọng là hành động Việt Nam là một trong số những quốc gia nằm trong khu vực có thuế suất TNDN thấp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có xu hướng chuyển lợi nhuận để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Tuy nhiên, Việt Nam đã theo sát những khuyến nghị của OECD và cũng tham gia vào chương trình hành động chống “Xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” bằng việc ban hành các chính sách cụ thể, như Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Điều này đã tạo nên những thay đổi rất lớn trong “ứng xử” của các doanh nghiệp FDI, vì kể cả khi có hành động sắp đặt để chuyển giá trót lọt, cơ quan thuế vẫn có quyền truy thu khi thanh kiểm tra. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW: Cơ quan thuế vẫn gặp khó Cơ quan thuế rất khó xác định được giá thị trường khách quan, vì yêu cầu phải có thông tin; đòi hỏi các chuyên gia phải phân tích theo từng ngành nghề, lĩnh vực, đôi khi phải mua hoặc trao đổi thông tin với phía nước ngoài. Nhưng Nhà nước chưa có quy định nào để bảo đảm giá trị pháp lý của việc ấn định giá, gây lúng túng và bị động đối với cơ quan thuế trong quá trình triển khai, nhất là khi có sự tranh tụng trước pháp luật. Hơn nữa, cơ quan thuế vẫn chưa có chức năng điều tra thuế... nên không thể xử lý được các trường hợp vi phạm có tính phức tạp, phạm vi rộng ngoài lãnh thổ Việt Nam. |
Theo Diễn đàn doanh nghiệp