Thị trường chao đảo, nhiều nhà đầu tư vẫn ôm cổ phiếu "cố thủ chờ thời"
Thị trường chứng khoán vừa trải qua cơn chao đảo khi chứng kiến các chỉ số lao mạnh, hàng trăm cổ phiếu bị bán tháo không kể tốt – xấu. Tại thời điểm đó, trong khi nhiều người chọn cách bán tháo thì không ít nhà đầu tư cách tiếp tục “ôm” cổ phiếu “cố thủ chờ thời”.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đã đầu tư vào những doanh nghiệp tốt thì không có lý do gì để bán tháo. |
Không bán là không lỗ?
Chị Khánh Huyền là trong những nhà đầu tư chứng khoán có quan điểm như vậy. Mặc cho thị trường chao đảo, đỏ lửa, chị Vui kiên quyết không bán dù tài khoản đang âm tới 30%.
Khá băn khoăn nhưng chị Huyền vẫn tự an ủi “không bán là không lỗ”. Bên cạnh đó chị cũng cho rằng những cổ phiếu chị đầu tư đều của những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt, nằm trong nhóm blue-chips. Nhà đầu tư trẻ này kỳ vọng các mã đầu tư sẽ hồi phục trở lại sau khi thị trường điều chỉnh.
Trong đầu tư chứng khoán, dù mới bước chân vào thị trường hay đã là một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, chắc chắn việc phải đối mặt với những khoản đầu tư thua lỗ là khó tránh khỏi, đặc biệt trong thời điểm thị trường bị ảnh hưởng chung, hầu hết các mã giảm điểm.
Khi đó, việc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu hay sẵn sàng cắt lỗ luôn là câu hỏi “đau đầu” với mọi nhà đầu tư. Câu hỏi này cũng đặt ra khá "đau đầu" với trường hợp anh Minh Hoàng trong thời điểm vừa qua. Bởi chơi chứng khoán là “nghề chính” của anh hiện nay.
Sau khi công ty giải thể, anh Minh Hoàng với đồng nghiệp nhận được số tiền hỗ trợ khá lớn lên tới cả trăm triệu đồng. Thay vì đi tìm một chỗ làm mới như các đồng nghiệp thì anh quyết định gom tiền tích luỹ cùng với số tiền hỗ trợ đó để đầu tư chứng khoán một cách “chuyên nghiệp”.
Cách đây mấy hôm có dịp trò chuyện thì thấy anh đang tỏ ra khá “đau đầu” trước khi hầu hết các mã anh đầu tư đều rơi vào tình trạng lao dốc.
Tuy nhiên, không chọn cách rút toàn bộ vốn khỏi thị trường bởi thế đồng nghĩa với việc chấp nhận số thua lỗ quá lớn, anh Minh Hoàng vẫn tìm mọi cách để “cầm cự” dù chấp nhận vay mượn. Anh cũng cho rằng những mã anh chọn đều là những doanh nghiệp có triển vọng. Khi thị trường tốt lên chắc chắn anh sẽ có cơ hội “gỡ” lại.
Đó là câu chuyện của các nhà đầu tư nhỏ, đối với các quỹ thì sao? Tính đến hết tháng 6, hiệu quả đầu tư của Pyn Elite đã giảm mất 6,07% sau khi có liền 5 tháng suy giảm. Tuy vậy, trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, nhà quản lý quỹ Petri Deryng vẫn đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ Pyn Elite thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã suy yếu kể từ tháng 4/2018. Trong khi đó, số liệu vĩ mô vẫn tích cực và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết vẫn vững chắc.
Mặc dù có những lý do rõ ràng cho đợt suy giảm, nhưng cần lưu ý rằng chứng khoán Việt Nam trong 5 năm qua vẫn luôn trong xu hướng tăng giá và ông Petri Deryng vẫn cho rằng điều này còn diễn ra nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, định giá hợp lý và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Mục tiêu kỳ vọng của Pyn Elite cho VN-Index trong thời gian tới là trên 1.700 điểm.
Khó có một lý thuyết “cứng” cho tất cả nhà đầu tư
Theo con số Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra, trong 6 tháng đầu năm các quỹ đã rút vốn khỏi 7 thị trường Châu Á (Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, Thailand, Indonesia, Philipines) 22,8 tỷ USD.
Và tất nhiên, dù được đánh giá là đất nước có kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng của tác động của kinh tế toàn cầu, và một số quỹ đã bán bớt cổ phiểu để chốt lời và chuyển bớt vốn về nước.
Theo đó, Chỉ số VN-Index đạt đỉnh vào ngày 9/4 ở mức 1.204 điểm và trong vòng 3 tháng sau đó, chỉ số rớt xuống 906 điểm vào 3/7.
“Điều đáng nói là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Tôi có cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn vì biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật của Ban Kiểm tra Trung ương cuối tuần qua, nên đã cố bán cổ phiểu bằng mọi giá”, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nói.
Theo ông Dũng, trong khi nước ngoài bán khá nhiều và giảm giải ngân mới, thì những phản ứng thái quá của nhà đầu tư trong nước cũng gây thêm bất cân đối cung cầu, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh trong 2 phiên liên tiếp.
Việc có “phản ứng thái quá” như cách nói trên của ông Dũng vốn là sự lựa chọn rất dễ thấy của thị trường mỗi khi đón nhận thông tin không tích cực. Việc bán ra ồ ạt là dễ hiểu bởi đôi khi, không chịu cắt lỗ đúng thời điểm sẽ đem sự hối hận cho nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên ngược lại, trong vài trường hợp cổ phiếu sẽ hồi phục ngay sau khi cắt lỗ và điều này khiến nhiều nhà đầu tư hối tiếc. Chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn đầy rủi ro của chứng khoán.
Có ý kiến cho rằng “đen tối hay tươi sáng tùy thuộc vào cách nhìn, cách hành động của mỗi chủ thể”. Do vậy ở mỗi thời điểm, đặc biệt những lúc thị trường rơi vào “chảo lửa” thì nên mua hay bán tháo hay ôm cổ phiếu “cố thủ chờ thời” sẽ là những lựa chọn riêng của từng người. Khó có một câu trả lời chung hài lòng cho tất cả.
Còn theo quan điểm của ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Môi giới - Chi nhánh TP.HCM, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, trong giai đoạn hiện tại, đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, cần bình tĩnh và rà soát danh mục đầu tư, nếu đã đầu tư vào những doanh nghiệp tốt thì không có lý do gì để bán tháo, bởi sau thời gian giảm mạnh thì thị trường sẽ hồi phục trở lại, đồng thời cần hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
“Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt, hiện là cơ hội để “mua dần” những cổ phiếu có giá trị, doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng ổn định và chia cổ tức cao. Mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại được xem là rất hấp dẫn cho đầu tư trung và dài hạn”, ông Phương đưa ra khuyến nghị.
Theo Dân trí