Kỳ vọng xuất khẩu đạt 35 tỷ USD có "vừa sức" với dệt may?
Được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển vì có đơn hàng dồi dào, năng suất lao động được cải thiện,... tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ ngành dệt may ở phía trước.
Dệt may là ngành công nghiệp truyền thống và định hướng quy hoạch đến 2030 tiếp tục là ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Với đơn hàng dồi dào và triển vọng khả quan của kinh tế thế giới cũng như trong nước, ngành dệt may nâng mục tiêu kế hoạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD, cao hơn kế hoạch từ đầu năm 2018.
Cơ hội rộng mở
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đã có đột phá trong năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng nhanh này dự kiến tiếp tục duy trì trong năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,34 tỷ USD thậm chí có thể lên tới 35 tỷ USD.
Ngoài việc ổn định các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam cũng đã phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới nổi như, Trung Quốc, Nga và Campuchia.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, mặc dù không có TPP nhưng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) mới mà Việt Nam đã ký và đang đàm phán sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2022, thuế xuất khẩu của một số sản phẩm sẽ giảm xuống mức 0%, tạo nhiều cơ hội mới cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, chi phí lao động cạnh tranh và các chính sách ưu đãi trong nước tiếp tục giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư dệt may trong những năm gần đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải tiếp tục hoàn thiện để duy trì cạnh tranh với các nước xuất khẩu như: Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar và Campuchia.
Ghi nhận tại các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn TPHCM cho thấy, ngay từ đầu năm đơn hàng đã khá dồi dào, dù giá gia công vẫn chưa có dấu hiệu tăng. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đơn hàng đến hết năm, thậm chí gối đầu qua những tháng đầu năm 2019.
Vẫn còn những băn khoăn
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng, năm nay ngành dệt may có nhiều triển vọng nhờ đã có lượng đơn hàng nhất định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia... Bởi trên thực tế, các nước này không chỉ đột phá về thị phần xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế... đều thấp. Trong khi đó, tại Việt Nam, những chi phí này đều cao hơn các nước bạn. Do vậy, dù kim ngạch, doanh thu của ngành dệt may có tăng trưởng thì lợi nhuận sẽ không cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của ngành dệt may cũng chưa thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30 - 45 ngày xuống còn 15 ngày, cũng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp sản xuất.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới ngành dệt may được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về phát triển nguyên phụ liệu, thiết kế, về lao động, nhất là khi lao động giá rẻ, cũng không còn là lợi thế, do đó có khả năng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp dệt may trong nước. Trong giai đoạn 2008-2016, mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI tăng 18,1%/năm. Ðiều này sẽ khiến ngành dệt may phải chịu nhiều áp lực vì chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng cao… làm cho giá thành cao hơn các đối thủ cạnh tranh.
Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, giải pháp cơ bản của ngành vẫn là tiếp tục có được sản phẩm chất lượng tốt, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý nhất. Dệt may Việt Nam không đi theo hướng nhận đơn hàng giá rẻ nhất, mà đi theo hướng giá hợp lý nhất với sự đòi hỏi về tay nghề và kỹ thuật cao. Giải pháp cho vấn đề này chính là đầu tư đúng công nghệ của giai đoạn hiện nay, nâng cao năng suất không chỉ thông qua tay nghề của người lao động mà còn qua hệ thống sản xuất, quản lý, tin học hóa trong quản trị và tự động hóa từng bước, từng khâu trong sản xuất của ngành.
Còn theo TS Trần Du Lịch, để phát triển tốt ngành dệt may, chính sách của Chính phủ, sự hỗ trợ của Nhà nước có vai trò quan trọng. Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”, “sản phụ” là các doanh nghiệp. Nếu “đỡ” tốt thì mẹ tròn con vuông. Việt Nam có chính sách đào tạo nghề nhưng lâu nay không hiệu quả, cần hỗ trợ đào tạo nghề để không vi phạm các nguyên tắc của WTO.
Ngoài ra, cần khuyến khích huy động cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường để giảm chi phí trung gian, vì 80% là vốn của doanh nghiệp. Đặc biệt khuyến khích liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa khi Luật cho đối tượng này vừa ban hành để tạo chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Ngành dệt may: Hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài | |
Doanh nghiệp dệt may lao đao vì hàng giả, hàng nhái | |
FDI vào dệt may Việt Nam vẫn tăng mạnh | |
Dệt may thích ứng với CMCN 4.0 |