"Nới" Nghị định 116, Chính phủ yêu cầu sớm có quy định quản lý chất lượng ô tô
Bảo lưu quan điểm tiếp tục triển khai Nghị định 116 song, tại cuộc họp mới đây của Chính phủ với các bộ ngành đã thống nhất: Trong tháng 10 phải ban hành thông tư hướng dẫn quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp theo hướng phù hợp với thực tiễn…
Theo yêu cầu của Chính phủ 3 bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải cần có trách nhiệm giải thích hướng dẫn cụ thể hoá các nội dung của Nghị định 116 và thông tư 03; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hiểu và thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải cần chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tiếp tục duy trì đoàn công tác liên ngành đến làm việc với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để nắm bắt, hướng dẫn doanh nghiệp xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền của các bộ cần kịp thời đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cần khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 của Nghị định 116 quy định về quản lý chất lượng ô tô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ô tô theo quy định mới.
Chính phủ lưu ý, các nội dung quy định phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đơn giản hoá các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cần chủ trì phối hợp với hai bộ Tài chính – Công Thương làm việc với một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để thống nhất chuẩn hoá tối giản thông tin, dữ liệu thuộc hồ sơ đăng ký nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý việc bổ sung dây chuyền kiểm tra, thử nghiệm an toàn và môi trường nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Nghị định 116. Việc đầu tư bổ sung này đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đầu tư.
Đối với Bộ Công Thương, Chính phủ cũng yêu cầu cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hoá của ô tô trong khối ASEAN khi nhập khẩu vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi về thuế theo cam kết. Bên cạnh đó cần xem xét hướng dẫn, xử lý từng trường hợp cụ thể với vấn đề liên quan đến đường thử ô tô.
Cũng theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục duy trì đoàn công tác liên ngành để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô nghiêm túc thực hiện Nghị dịnh 116, đồng thời chủ động xử lý các vướng mắc theo thẩm quyền…
Nghị định 116 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2017.
Tuy nhiên, gần 6 tháng trôi qua, Nghị định này đã không hết nóng với những tranh cãi, phàn nàn của không chỉ các nhà nhập khẩu, liên doanh, nhà sản xuất xe về những điều kiện quy định được cho là quá khắt khe và không sát với thực tiễn. Thậm chí, một số tổ chức nước ngoài cũng không ít lần có ý kiến bày tỏ sự quan ngại về việc rất khó thực hiện một số yêu cầu của Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải.
Đáp lại các ý kiến này, Bộ Giao thông Vận tải vẫn bảo lưu quan điểm khó khăn sẽ được xem xét gỡ vướng, còn các quy định đã ban hành thì cứ nghiêm túc thực hiện.
Theo Dân Trí
Bộ Giao thông Vận tải: Nghị định 116 không ảnh hưởng đến thị trường xe nhập (!) | |
Vingroup bổ nhiệm Tổng giám đốc Nhà máy sản xuất ô tô VINFAST | |
Tìm giải pháp cứu ngành sản xuất ô tô |