Năm đối tượng "xứ Lạng" giả danh cảnh sát, lừa tiền tỷ sắp hầu toà
Các đối tượng giả danh công an, kiểm sát gọi điện thoại tới bị hại, thông báo họ có liên quan đến một vụ án hình sự. Sau khi đe dọa để bị hại lo lắng, hoảng sợ, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền để chứng minh mình trong sạch.
Cảnh giác với trò lừa sang Nhật Bản lao động |
Xóa đường dây lừa đảo công nghệ cao do người Trung Quốc cầm đầu |
Lừa mẹ mang "xế hộp" đi cầm để đánh bạc |
Theo dự kiến, ngày 24/5 tới, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 5 bị can, gồm: Ma Thiếu Quân, Tô Văn Báo, Vương Quang Đằng, Hoàng Thị Luyến và Lộc Thị Loan (cùng ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).
Cáo trạng xác định, khoảng tháng 5/2016, Hoàng Chấn Lâm (quốc tịch Trung Quốc) bàn bạc với 5 đối tượng trên về việc dùng chứng minh nhân dân của mình mở thẻ ATM tại các ngân hàng ở thành phố Lạng Sơn.
Sau khi mở thẻ, các đối tượng trên sẽ cung cấp thông tin về số tài khoản, họ tên, số CMND cho Lâm để sử dụng vào mục đích lừa các bị hại chuyển tiền vào các tài khoản này. Mỗi đối tượng sẽ được Lâm trả công 600.000 đồng/ngày.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Các đối tượng dùng thủ đoạn giả danh Công an, Viện Kiểm sát gọi điện cho các bị hại, thông báo họ đang liên quan đến một vụ án hình sự, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho bị hại. Từ đó, các đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng.
Theo truy tố, nhóm đối tượng này đã gây ra 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại nhiều tỷ đồng. Một trong số các bị hại là chị Lan (ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Tháng 7/2016, chị Lan nhận được một cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên bưu điện, thông báo chị còn nợ cước viễn thông gần 9 triệu đồng, nếu thắc mắc thì bấm phím 0, liên hệ với Công an TP Hà Nội để giải quyết.
Một lát sau, chị Lan tiếp tục lại nhận được cuộc gọi vào số máy di động, người gọi tự xưng là Thiếu tá Lý Hoàng Phong, cán bộ Công an TP Hà Nội. Phong thông báo chị Lan liên quan đến đường dây tội phạm có tổ chức, hiện công an đã bắt được nhiều đối tượng.
Sau đó, Phong nối máy để chị Lan nói chuyện với một người khác tự xưng là Đại tá Trần Trung Kiên. Kiên hỏi chị Lan có mở tài khoản nào ở ngân hàng không, chị Lan thật thà đáp là có 10 sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng với số tiền gần 2,5 tỉ đồng.
Kiên yêu cầu chị Lan phải chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của Công an TP Hà Nội để kiểm tra có liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền hay không, nếu không liên quan thì trong vòng 24 giờ sẽ trả lại, nếu liên quan sẽ bị bắt khẩn cấp và tạm giam 3 tháng để điều tra.
Hoang mang lo sợ, muốn chứng minh mình vô can, chị Lan đã chuyển 640 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng do “cán bộ công an” cung cấp. Cũng trong ngày hôm đó, chị Lan tiếp tục chuyển 1 tỉ đồng vào tài khoản trên.
Sau khi chị Lan chuyển tiền xong, tiếp tục có người gọi điện thoại, tự xưng là Vương Quang Đằng, cán bộ Công an TP Hà Nội, yêu cầu chị tiếp tục chuyển 650 triệu đồng vào một tài khoản tại ngân hàng khác. Chưa dừng lại, Đằng tiếp tục yêu cầu chị Lan chuyển 90 triệu đồng vào một tài khoản tại ngân hàng.
Chiếm đoạt số tiền lớn của chị Lan, Hoàng Chấn Lâm cùng với Quân, Đằng đến ngân hàng ở Lạng Sơn rút 650 triệu đồng để Lâm mang sang Trung Quốc.
Một nạn nhân khác cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tượng tự là chị Mai (ở quận Đống Đa, Hà Nội). Chị Mai bị nhóm đối tượng này gọi điện đe dọa, yêu cầu chuyển hơn 1,8 tỉ đồng rồi chiếm đoạt.
Cáo trạng xác định, trong vụ án này Hoàng Chấn Lâm giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo Quân, Báo, Đằng và Luyến đi mở thẻ ATM để rút tiền lừa đảo được. Tuy nhiên, do Lâm là người Trung Quốc nên chưa xác định được nhân thân lai lịch để xử lý. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng đã tách tài liệu về đối tượng này để điều tra xử lý sau.
Tên bị hại đã được thay đổi.