Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 24)
(PetroTimes) - Tháng 8 năm 1941, hai tháng sau khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô, Anh và Liên Xô đưa quân tới Iran để bảo vệ nhà máy lọc dầu ở Abadan và tuyến cung cấp từ Vùng Vịnh tới Liên Xô.
CHƯƠNG 23: "MOSSY GIÀ" VÀ CUỘC XUNG ĐỘT Ở IRAN
Năm 1944, cựu quốc vương Iran là Reza Pahlavi qua đời khi đang lưu vong ở Nam Phi. Khi biết tin, con trai và cũng là người kế vị của vị vua này vô cùng đau đớn. Nhiều năm sau, ông nói về cảm xúc khi đó của mình thật ngắn gọn: "Nỗi đau của tôi là vô tận." Mohamed Reza Pahlavi rất tôn thờ cha, vị chỉ huy cứng rắn và xuất chúng của lữ đoàn Cô-dắc Vùng Vịnh, người đã cướp chính quyền và lên ngôi vua vào thập niên 1920. Sau đó vua Reza lập lại trật tự tại đất nước hỗn loạn này và bắt đầu quốc hữu hóa đất nước trong tình trạng lộn xộn và đã từng bước thu phục các giáo sĩ có quyền lực, những nhân vật mà cả hai cha con ông đều coi là những kẻ thù nguy hiểm và đáng sợ.
Nhưng điều khiến cho Mohamed Reza Pahlavi càng cảm thấy đau khổ và mặc cảm là việc ông không thực sự là kẻ chiếm đoạt ngai vàng của cha mình nhưng ông là một phần trung gian dẫn tới sự sụp đổ của cha mình. Tháng 8 năm 1941, hai tháng sau khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô, Anh và Liên Xô đưa quân tới Iran để bảo vệ nhà máy lọc dầu ở Abadan và tuyến cung cấp từ Vùng Vịnh tới Liên Xô. Được cảnh báo về những bước tiến nhanh chóng của Đức Quốc xã ở Nga và Bắc Phi, phe Đồng minh lo ngại về việc xuất hiện một gọng kìm kẹp lại ở Iran. Họ thay thế vua Reza bằng con trai ông khi đó mới 21 tuổi.
|
Sau cái chết của Reza, Mohamed Pahlavi trở nên dễ bị tổn thương và luôn bị ám ảnh bởi những hồi ức về người cha. Ông luôn cố gắng xứng đáng với vua cha, người mà mọi người và cả bản thân ông đã lấy làm tiêu chuẩn để đánh giá ông. Năm 1948, Mohamed Pahlavi thậm chí đã thú nhận với một vị khách rằng: "Hôm qua, chị tôi Ashraf, có hỏi liệu tôi là một người đàn ông hay là một con chuột." Mohamed đã cười lớn khi nghe câu hỏi này nhưng rõ ràng, ông không nghĩ nó là câu chuyện hài hước. Người ta luôn nói bóng gió rằng Mohamed là một người yếu đuối, nhu nhược và không xứng với cha mình. Năm lên sáu tuổi, Mohamed được giao phó cho một nữ gia sư người Pháp; đến năm 12 tuổi, ông được gửi đến học ở Thụy Sĩ. Học vấn và kinh nghiệm của ông tạo ra một khoảng cách thực sự với xã hội Iran. Năm 1950, đại sứ Mỹ tại Iran trầm ngâm nhận định: "Hiển nhiên là đối với một quốc gia phương Đông, có thể ông ta đã bị phương Tây hóa quá nhiều."
Mặc dù còn rất trẻ, Mohamed đã buộc phải dấn thân vào sự nghiệp chính trị được coi là thử thách to lớn ngay cả đối với cả những chính trị gia tự tin và giàu kinh nghiệm nhất. Đó là chưa kể tới tính hợp pháp của vương triều Mohamed bởi vai trò của vương triều này tại Iran vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Mohamed phải chống chọi với sự can thiệp liên tục của các cường quốc cũng như áp lực trực tiếp từ phía Liên Xô để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Ông buộc phải chiến đấu để khẳng định quyền lực của mình trong một hệ thống chính trị bị chia tách theo mọi kiểu – đẳng cấp, khu vực, tôn giáo, và hiện tại đối nghịch với truyền thống. Một bên là những người Hồi giáo chính thống mà đứng đầu là Ayatollah Seyed Kashani, người căm ghét mọi sự xâm nhập của thế giới hiện đại, đặc biệt là sự có mặt của các cố vấn nước ngoài, và đã lên án chính sách của vua Reza cho phép phụ nữ được bỏ mạng che mặt. Một bên là những người theo chủ nghĩa cộng sản và Đảng Tudeh, một đảng cánh tả có tổ chức chặt chẽ ở Matxcơva. Ở giữa là các nhà cải cách, những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người cộng hòa, tất cả bọn họ đều muốn cải cách hệ thống chính trị, bên cạnh đó là các sĩ quan quân đội, những người muốn chiếm đoạt quyền lực cho bản thân mình.
Bản thân đời sống văn hóa chính trị của Iran đã lộn xộn và mang tính huyền hoặc, dễ tạo điều kiện cho những cơn cuồng giận và cảm xúc mạnh. Nạn tham nhũng và hối lộ là một phần của cuộc sống. Bằng cách nói thẳng thắn, đại biện lâm thời của Anh đã tổng kết những quy tắc trò chơi ở Majlis, tòa nhà Quốc hội ở Tehran: "Các nghị sĩ Quốc hội kỳ vọng được hối lộ." Nông thôn là nơi sinh sống của của vô số bộ lạc và thị tộc. Họ căm ghét sự phụ thuộc của họ vào Tehran và dòng họ Pahlavi. Gần như không một phần nào trên lãnh địa của Mohamed có thể thoát khỏi xu hướng ly khai.
Vào cuối những năm 1940, Iran chìm ngập trong tình cảnh đói nghèo nghiêm trọng. Nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế và nỗi tuyệt vọng lan khắp đất nước này. Chỉ có một điều duy nhất khiến Iran là một khối thống nhất, đó là lòng căm thù người ngoại quốc, đặc biệt là người Anh. Chưa bao giờ một cường quốc đang suy yếu quá nhanh chóng lại bị căm ghét nhiều như thế. Mọi chính trị gia người bản xứ trong hệ thống chính trị đều bị coi là cộng tác với kẻ thù và là gián điệp của Anh. Thậm chí hạn hán, mất mùa và nạn châu chấu phá hoại cũng bị coi là xuất phát từ những ý đồ ma quỷ của người Anh thông thái. Hơn hết, lòng thù hận được tập trung đặc biệt vào một nhà sử dụng lao động công nghiệp lớn nhất ở Iran, nguồn thu nhập chính của quốc gia này, đồng thời là biểu tượng rõ ràng nhất về sự xâm lấn của thế giới phương Tây hiện đại – đó là Công ty Anh - Iran.
Một phần của sự căm ghét đối với công ty này bắt nguồn từ trận chiến về vấn đề tiền thuê các mỏ dầu. Từ năm 1945 đến năm 1950, công ty này thu được lợi nhuận là 250 triệu bảng trong khi chỉ trả cho Iran có 90 triệu bảng tiền thuê các mỏ dầu. Thậm chí, khoản tiền thuế mà công ty này nộp cho Chính phủ Anh còn lớn hơn khoản tiền trả cho Chính phủ Iran. Tình hình càng tồi tệ hơn khi cổ đông lớn nhất, nắm giữ một phần lớn cổ tức của Công ty Anh - Iran lại cũng là Chính phủ Anh. Ngoài ra, còn có tin đồn rằng Công ty Anh - Iran bán dầu cho hải quân Anh với mức giá giảm đáng kể. Tuy nhiên, tại Iran, điều quan trọng hơn nhiều so với vấn đề tiền là tín ngưỡng và biểu tượng. Đó chính là những nhân tố dẫn tới sự phẫn nộ điên cuồng của các chính trị gia cũng như của dân chúng và làm cho sự oán hận Công ty Anh - Iran trở thành một nỗi ám ảnh dân tộc. Một khi trong nước có quá nhiều vấn đề như vậy, việc lấy một đối tượng nước ngoài làm kẻ giơ đầu chịu báng hoàn toàn là điều dễ xảy ra.
Cơ hội cuối cùng
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cả Mỹ và Anh đều coi Iran là trách nhiệm của London, trước hết là một "cuộc trình diễn của người Anh". Tuy nhiên, sau đó, diễn biến của Chiến tranh Lạnh cùng với mối lo ngại gia tăng về tình hình an ninh đối với dầu lửa ở Vùng Vịnh đã khiến Iran trở thành một mối quan tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Năm 1946, Liên Xô đã rút quân khỏi Iran. Tuy nhiên, đến năm 1949, Mỹ lại lo ngại rằng tình trạng kinh tế và chính trị ở đây suy yếu đến nỗi nước này dễ dàng trở thành một miếng mồi cho Liên Xô.
Viễn cảnh của Iran càng trở nên thiếu chắc chắn và bối cảnh chính trị của quốc gia này càng rối loạn hơn bởi hàng loạt vụ ám sát và các âm mưu ám sát. Tháng 2 năm 1949, một kẻ cuồng tín Hồi giáo đóng giả làm thợ chụp ảnh đã cố gắng ám sát Shah khi ông tới trường Đại học Tehran. Mặc dù kẻ ám sát đã bắn mười hai phát đạn nhưng Mohamed chỉ bị thương nhẹ. Sau đó nhà vua đã nói với thái độ lạnh lùng nhằm đe dọa những kẻ chủ mưu: "Thất bại tất yếu của âm mưu ám sát đã một lần nữa chứng minh rằng sự sống của tôi được bảo vệ." Đó là một bước ngoặt trong quan điểm của Mohamed về chính bản thân ông cũng như tầm nhìn của ông về đất nước mình. Sau sự việc này, một chế độ thiết quân luật và một chiến dịch khẳng định quyền lực được bắt đầu mạnh mẽ. Ông ra lệnh cho khai quật phần mộ của cha mình, người mà ông tặng cho danh hiệu cao quý "Vĩ nhân", ở Nam Phi và đưa trở về Iran để tiến hành một lễ tang theo nghi thức nhà nước. Cùng lúc, các bức tượng vua Reza đang cưỡi ngựa được dựng lên khắp đất nước.
Quyết tâm khẳng định quyền lực chính trị của Mohamed được thực hiện song song với những nỗ lực điều chỉnh lại mối quan hệ tài chính giữa Iran và Công ty Anh - Iran. Quá trình này cũng diễn ra đồng thời với những gì đang được thực hiện ở các nước xuất khẩu dầu lửa khác. Lo ngại trước những tham vọng của Liên Xô và không có quá nhiều thứ để mất như London, Washington đã thúc đẩy Chính phủ Anh và Công ty Anh - Iran tăng phí nhượng quyền khai thác dầu trả cho Iran. Người đi đầu trong chiến lược của người Mỹ là George McGhee, Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Cận Đông và châu Phi, người cùng lúc cũng làm trung gian cho thỏa thuận 50-50 giữa Aramco và Chính phủ Arập Xêút. Ông cho rằng tỷ lệ chia phần thu nhập đang áp dụng giữa Công ty Anh - Iran và Iran là không hợp lý. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quan chức Anh phản đối quyết liệt sự can thiệp bằng những lời khuyên miễn phí từ McGhee và những người Mỹ khác.
Người Anh cho rằng McGhee là một kẻ chống Anh và chống Công ty Anh - Iran. Thực ra, họ đã sai lầm về vấn đề này. Là cựu sinh viên Oxford, McGhee quen cô con gái ngài John Cadman của Công ty Anh - Iran và thậm chí đã tới thăm ngôi nhà ở vùng ngoại ô của gia đình Cadman. Trong quá trình học lấy bằng tiến sĩ địa chất tại Oxford, ông đã chia sẻ nghiên cứu về địa chấn của mình với Công ty Anh - Iran. Ông cũng từng được mời làm một nhà địa chất của công ty tại Iran. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đề nghị này, McGhee đã từ chối, với lý do chỉ là ông nhớ nhà và muốn quay trở lại Mỹ. Sau này, ông nói: "Mặc dù vậy, vào thời điểm đó, tôi đã có những cảm nhận tốt đẹp về Công ty dầu lửa Anh - Iran."
|
Không bao lâu sau khi McGhee rời Anh trở lại Mỹ, vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai mới bắt đầu, ông đã phát hiện ra một mỏ dầu lớn tại Lousiana, mỏ dầu đã đem lại cho ông sự giàu có, độc lập và một cơ hội để có thể cống hiến thời gian còn lại cho sự nghiệp riêng và chung. Ông đã kết hôn với con gái của Everette DeGoyler lỗi lạc và trở thành một đối tác trong công ty phân tích đánh giá trữ lượng dầu lửa của DeGoyler cho tới tận khi ông nhập ngũ. McGhee là một người thân Anh không dễ lay chuyển (sau này ông còn là Chủ tịch Hội Anh ngữ). Ông chỉ nghĩ rằng người Anh cần phải rũ bỏ cái quan điểm "thế kỷ XIX" của họ về dầu lửa. McGhee cũng phản ánh khách quan quan điểm của các đồng nghiệp, quan điểm đã được Ngoại trưởng Dean Acheson tổng kết khi ông chỉ trích "sự ngớ ngẩn bất thường và dai dẳng của Công ty Anh - Iran và Chính phủ Anh" trong vấn đề Iran.
Mặt khác, mặc dù người Mỹ có vẻ như không bao giờ tin điều này là sự thật, Chính phủ Anh cũng có những khúc mắc với Công ty Anh - Iran. Chính phủ Anh sở hữu 51% công ty này nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc có bất kỳ sự yêu mến hay cảm thông nào giữa hai bên. Ngược lại, chỉ có sự nghi ngờ, ác ý và một số cuộc đấu tranh ác liệt nhất mà họ đã từng trải qua lại chính là những cuộc đối đầu giữa hai bên. Vụ điển hình nhất được gọi là "cuộc chiến giữa Bộ trưởng và Giám đốc". Vào đầu năm 1950, Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin đã phàn nàn rằng Công ty Anh - Iran "gần như là một công ty tư nhân với vốn nhà nước và tất cả những gì mà công ty này làm là phản ứng lại mối quan hệ giữa Chính phủ Anh và Iran. Mặc dù chính phủ có cổ phần lớn trong công ty này nhưng là Ngoại trưởng, tôi vẫn không có quyền lực hay ảnh hưởng nào. Theo tôi được biết, cũng không có một bộ nào có quyền lực hay ảnh hưởng đáng kể".
Dĩ nhiên, về phần công ty Anh - Iran, tình hình tổng thể được nhìn nhận khá khác biệt. Là hãng sản xuất dầu thô lớn thứ ba trên thế giới với phần lớn sản lượng được khai thác tại Iran, công ty này cho rằng thỏa thuận hiện đang được áp dụng là khá tốt đối với Iran. Theo thỏa thuận năm 1933, Iran không chỉ nhận được tiền thuê các mỏ dầu mà còn nhận được 20% tổng lợi nhuận toàn cầu của Công ty Anh - Iran, một mức lợi nhuận tốt hơn so với mức lợi nhuận mà bất kỳ một công ty dầu lửa nào khác đưa ra. Mặt khác, Công ty Anh - Iran đã trở thành một trong những công ty dầu lửa quốc tế chủ đạo và đang nỗ lực đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Công ty này hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân và đúng như dự định ban đầu của Churchill khi tiến hành mua lại cổ phần của công ty năm 1914. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của công ty không bằng lòng với sự can thiệp cũng như những lời khuyên của các chính trị gia và quan chức nhà nước. Họ cho rằng, các nhà cầm quyền, những người mà Chủ tịch William Fraser gọi đại là "các quý ông ở khu Tây London", không am hiểu gì về lĩnh vực dầu lửa cũng như về các hoạt động kinh doanh tại Iran. Tuy nhiên, áp lực lớn đến nỗi, mùa hè năm 1949, Công ty Anh - Iran đã buộc phải đàm phán với Iran về một thỏa thuận bổ sung cho thỏa thuận năm 1933 đã qua sửa đổi. Theo thỏa thuận mới, tiền thuê các mỏ dầu tăng cao và tổng số tiền trả cho Iran là rất lớn.
Mặc dù đã đạt được thỏa thuận với Công ty Anh - Iran, Chính phủ Iran vẫn lo Quốc hội phản đối. Sau rất nhiều trì hoãn, tới tận tháng 6 năm 1950, khoảng gần một năm sau khi được ký kết, bản thỏa thuận này mới được đệ trình lên Quốc hội. Ủy ban dầu lửa của Quốc hội phản đối kịch liệt, đồng thời yêu cầu hủy bỏ việc nhượng quyền khai thác và đòi quốc hữu hóa Công ty Anh - Iran. Tiếp sau đó là vụ ám sát một chính trị gia thân Anh. Thủ tướng Iran lập tức xin từ chức vì quá lo sợ.
Shah đề cử tướng Ali Razmara, Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran, làm thủ tướng mới. Gầy gò, được mệnh danh là "chiến binh của các chiến binh", tốt nghiệp Học viện quân sự Pháp tại St. Cyr và cũng là một kẻ tham vọng và máu lạnh, Razmara tìm cách cô lập Shah và tự tập trung quyền lực cho bản thân. Đối với Mỹ và Anh, Razmara giống như cơ hội cuối cùng. Dường như Iran đã trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết trước âm mưu lật đổ của những người cộng sản cũng như sự can thiệp trực tiếp của Liên Xô.
Vào tháng 6 năm 1950, Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều Tiên, Chiến tranh Lạnh trở thành một cuộc chiến nóng. Đã có nhiều xung đột biên giới giữa Liên Xô và các lực lượng Iran. Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, George McGhee vội vã chỉ đạo chuẩn bị các kế hoạch đề phòng trong trường hợp Liên Xô tấn công Iran. Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, vấn đề dầu của Iran lại càng trở nên cấp bách. Iran chiếm tới 40% sản lượng dầu Trung Đông và nhà máy lọc dầu của Công ty Anh - Iran ở Abadan là nguồn cung cấp xăng hàng không chính ở Đông bán cầu.
Trước những biến cố chính trị mới, Mỹ yêu cầu Anh gây áp lực mạnh mẽ hơn nữa để Công ty Anh - Iran đưa ra một đề nghị mà rất có thể Chính phủ Iran sẽ nhanh chóng chấp nhận. Tuy nhiên, William Fraser không dễ dàng bị lay chuyển. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc với người Iran, ông không hề kính phục hệ thống chính quyền của họ và cho rằng họ chỉ là những kẻ vô ơn, dối trá, hay nói xấu sau lưng và luôn đưa ra những yêu sách mới. Mặt khác, Fraser cũng không có những suy nghĩ thiện chí hơn thế về người Mỹ. Ông cho rằng những rắc rối có thể xảy đến với Công ty Anh - Iran là do sự can thiệp chính trị của Mỹ vào Tehran và hoạt động của các công ty dầu lửa Mỹ tại Trung Đông, đặc biệt là Aramco.
Rõ ràng, Fraser là người quyết định lập trường của Công ty Anh - Iran. Ông là một đối thủ đáng sợ trong bất kỳ trường hợp nào. Không có khả năng ngoại giao như John Cadman, Fraser là một người chuyên quyền, cứng rắn, khó xoay chuyển và điều hành công ty hoàn toàn theo cách riêng của ông. Chủ tịch Công ty Gulf, một đối tác của Công ty Anh - Iran ở Côoét, đã nhận định rằng sự chuyên quyền của Fraser là toàn diện đến nỗi các giám đốc khác của công ty "không dám coi mình là chính mình". Người ta nói rằng Fraser là một "người Scotland đến tận đầu móng tay". Cha Fraser là người sáng lập công ty dầu lửa sử dụng đá dầu của Scoltand rồi bán lại công ty này cho Công ty Anh - Iran và sau đó, theo như cách nói của ông: "Willie đã tới cùng với đá dầu." Một người cùng làm việc với Fraser đã nói: "Trong một ngành công nghiệp mà mặc cả cứng rắn trở thành một phong cách, hầu như không một ai có thể cứng rắn hơn Fraser".
Điều này cũng đúng, vì đối thủ của Fraser là Chính phủ Anh. Một quốc vụ khanh trong Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố rằng Fraser dường như coi thường tất cả những gì không thể hiện được vào bảng cân đối kế toán. Đối với một quan chức Anh khác từng làm việc với Fraser, ông là một "kẻ hẹp hòi, bủn xỉn và ngoan cố". Mặc dù nhiều quan chức chính phủ cho rằng Fraser nên bị loại và việc cho ông về hưu vẫn thường bị đem ra bàn bạc nhưng dường như họ không có đủ quyền lực để thực hiện việc này. Một trong những sức mạnh to lớn của Fraser trước các đối thủ của ông đến từ đóng góp tài chính tối quan trọng của Công ty Anh - Iran cho Bộ Tài chính Anh cũng như toàn bộ nền kinh tế nước này.
Fraser kiên quyết phản đối những yêu cầu tiếp tục đàm phán với Iran liên tiếp đến từ phía Chính phủ Anh, đồng thời, ông cũng phớt lờ cả người Mỹ. Tuy nhiên, mùa thu năm 1950, Fraser đã có một thay đổi bất ngờ, không giống như tính cách của ông. Bên cạnh mong muốn nhanh chóng trả thêm rất nhiều tiền cho Iran, ông còn nói đến việc viện trợ cho phát triển kinh tế cũng như giáo dục của nước này. Điều gì đã xảy ra? Nguyên nhân không phải là Fraser đột ngột trở nên bác ái mà chỉ vì ông đã nghe tới "quả bom McGhee" – thỏa thuận chia phần 50-50 sắp được thực hiện ở Arập Xêút – và biết rằng mình cần phải nhanh chóng làm một điều gì đó. Nhưng thời gian sắp hết. Tháng 12, thông báo về thỏa thuận 50-50 với Aramco đã buộc Thủ tướng Razmara phải rút lại sự ủng hộ đối với Thỏa thuận bổ sung và thỏa thuận này đã chấm dứt ở đây.
Cuối cùng, Công ty Anh - Iran đã tiến tới đề xuất một thỏa thuận 50-50. Nhưng một thỏa thuận như vậy giờ đây là không còn đủ nữa, và toàn bộ sự chống đối của Iran tập trung vào Công ty Anh - Iran khét tiếng. Lãnh đạo cuộc đối đầu này là một kẻ đâm bị thóc chọc bị gạo già nua có tên Mohamed Mosadegh, chủ tịch Ủy ban dầu lửa của Quốc hội Iran. Ông tuyên bố: "Nguồn gốc của mọi điều không may đối với quốc gia bất hạnh này là công ty dầu lửa đó". Một thành viên Quốc hội khác còn nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp dầu lửa của Iran có bị phá hủy bằng bom nguyên tử thì cũng còn tốt hơn là nằm trong tay Công ty Anh - Iran. Tất cả đều kêu gọi quốc hữu hóa công nghiệp dầu lửa và trục xuất công ty này. Razmara không biết phải làm gì. Cuối cùng, trong một bài diễn văn trước Quốc hội vào tháng 3 năm 1951, ông phản đối quyết liệt việc quốc hữu hóa. Bốn ngày sau đó, ông đã bị một thợ mộc trẻ ám sát khi đang chuẩn bị vào nhà thờ trung tâm ở Tehran. Những kẻ khủng bố Hồi giáo đã giao cho người thợ mộc này "nhiệm vụ thiêng liêng" là tiêu diệt "con rối của người Anh".
Vụ ám sát Razmara làm hài lòng những người đề xuất thỏa thuận 50-50, làm suy yếu địa vị của Mohamed và khiến sự phản đối diễn ra trên một quy mô rộng hơn. Một tuần rưỡi sau đó, Bộ trưởng Giáo dục Iran cũng bị ám sát. Quốc hội nước này thông qua nghị quyết quốc hữu hóa ngành dầu lửa. Ngày 28 tháng 4 năm 1951, Quốc hội Iran chọn Mohammed Mossadegh, giờ đây là kẻ thù số một của Công ty Anh - Iran, làm thủ tướng mới với nhiệm vụ cụ thể là thực hiện quá trình quốc hữu hóa, nhiệm vụ này được ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ tại Iran. Được Shah phê chuẩn, đạo luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 5. Thời gian của Công ty Anh - Iran dường như sắp kết thúc. Mặc dù có phạm vi hoạt động toàn cầu, nhưng theo báo cáo của Đại sứ Anh tại Iran, công ty này "đã bị trục xuất hợp pháp" và Tehran "đã quyết định công ty này sẽ không tồn tại lâu thêm nữa".
Mossadegh cử tỉnh trưởng tỉnh Khuzistan tới trụ sở của Công ty Anh - Iran tại Khorramshahr. Đến nơi, ông làm lễ tế một con cừu trước tòa nhà và sau đó công bố với đám đông đang cuồng nhiệt rằng quyền khai thác dầu của Công ty Anh - Iran đã hết hiệu lực. Các cơ sở sản xuất của công ty tại Iran cũng như dầu mà họ sản xuất sẽ thuộc về Iran. Sau đó, con rể Mossadegh đọc một bài diễn văn đầy cảm xúc, tuyên bố rằng thời của chủ nghĩa thực dân đã chấm dứt và sự phồn thịnh giờ đây thuộc về Iran. Vì quá sung sướng, ông đã ngất đi và phải vào viện cấp cứu. Các giám đốc của công ty dầu lửa nhà nước mới được thành lập do Mehdi Bazargan, chủ nhiệm Khoa xây dựng của Trường Đại học Tehran, dẫn đầu xuất hiện tại nhà máy lọc dầu ở Abadan, mang theo văn phòng phẩm, các con dấu bằng cao su và một tấm biển lớn mang dòng chữ "Công ty Dầu lửa Quốc gia Iran". Có thêm hàng chục con cừu nữa bị đem ra tế để kỷ niệm sự kiện lớn này. Đám đông tập trung để chào mừng các giám đốc mới cuồng nhiệt trong sự hân hoan. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý vẫn chưa hoàn thành và trong vòng năm tháng sau đó, vị thế của Công ty Anh - Iran vẫn nằm trong sự bất ổn và do dự.
"Mossy già"
Đã ở tuổi 70, với dáng vẻ yếu ớt và cái đầu đã hói nhẵn, mũi dài thòng và cặp mắt tròn nhỏ, Mohammed Mossadegh sẽ là nhân vật thống lĩnh vở kịch của hai năm sau đó. Ông ranh mãnh đánh lừa mọi người – các công ty dầu lửa nước ngoài, Chính phủ Anh và Mỹ, nhà vua và cả các đối thủ trong nước. Bản thân Mossadegh là một người của những mâu thuẫn rõ ràng. Theo chủ nghĩa thế giới, học luật ở Pháp và Thụy Sĩ, Mossadegh lại là một người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, bài ngoại và bị ám ảnh vì sự thù địch với người Anh. Là con trai một quan chức cấp cao và cháu một Shah của triều đại trước, ông là một quý tộc có nhiều đất đai, sở hữu một ngôi làng gồm 150 gia đình sinh sống. Tuy nhiên, ông lại nhận trọng trách cải cách, theo chủ nghĩa cộng hòa và vận động quần chúng ở các khu vực đô thị.
Là một trong những giáo sư hàng đầu tại Trường Khoa học chính trị Ba Tư, Mossadegh bị hút vào cuộc Cách mạng Hiến pháp năm 1906, cuộc cách mạng có nội dung trở thành nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp của ông. Mossadegh đã tham dự Hội nghị hòa bình Versailles sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đặt làm một con dấu cao su có khắc dòng chữ "Comité résistance des nations" (Ủy ban kháng chiến hợp quốc) và tìm cách đưa vụ Iran chống lại sự can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là của Anh ra tòa. Không có phiên tòa nào được tổ chức và ông quay về Iran với cảm giác những hy vọng và chủ nghĩa lý tưởng của mình bị các cường quốc thực dân phản bội.
|
Vào thập niên 1920, Mossadegh đảm trách một số vị trí bộ trưởng và cầm đầu phe chống đối các nỗ lực của vua Reza nhằm đặt Iran dưới chế độ độc tài. Vì những nỗ lực này, Mossadegh đã nhiều lần bị bỏ tù cũng như giam giữ trong điền trang của ông, nơi ông bận rộn với các nghiên cứu không chuyên về y học và phép chữa y lượng đồng cân. Việc Anh và Mỹ trục xuất vua Reza năm 1941 đã tạo điều kiện cho Mossadegh quay trở lại chính trường và ông đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội này; nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp chống đối nhà vua đã giúp ông được nhìn nhận là một người "trong sạch", hết mình vì đất nước và vì nhiệm vụ quét sạch sự thống trị của người nước ngoài.
Mossadegh vừa khiêm nhường vừa lập dị. Khi tiếp người Iran và những nhân vật ngoại quốc quan trọng, ông thường mặc pijama và nằm dài trên giường, một phần cũng vì những cơn chóng mặt. Các cận vệ luôn kề bên bởi ông sống trong nỗi lo sợ bị ám sát. Bất kỳ điều gì mà Mossadegh làm đều nhằm phục vụ cho hai mục đích chính: duy trì quyền lực chính trị của bản thân và trục xuất người nước ngoài, đặc biệt là người Anh. Để đạt được những mục tiêu đó, ông chứng tỏ mình là một tay nhào trộn lão luyện giữa sân khấu và chính trị. Trước đám đông, ông có thể rơi nước mắt hoặc kêu than và đã thành thói quen, cứ đến đỉnh điểm của mỗi bài diễn văn là ông lại ngất. Có lần ông ngã gục xuống sàn của tòa nhà Quốc hội trong lúc đang đọc một bài diễn văn xúc động. Một nghị sĩ Quốc hội, đồng thời cũng là một bác sĩ đã lao tới. Lo ngại rằng người đàn ông cao tuổi này có thể đã đến lúc hấp hối, vị bác sĩ nắm lấy cổ tay Mossadegh để kiểm tra mạch, ngay khi đó, Mossadegh mở mắt ra và nháy mắt với ông.
Các quan chức Mỹ và Anh làm việc với Mossadegh đã gọi ông là Mossy. Anthony Eden nhận xét rằng "Mossy già", với bộ pijama và cái giường của ông, là "đối tượng yêu thích của các họa sĩ châm biếm kể từ hồi chiến tranh". Trong số những người phẫn nộ với Mossadegh, cũng có vài người vẫn nhớ đã bị ông mê hoặc như thế nào. Ban đầu, người Mỹ tưởng sẽ gặp một Mossadegh, một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa dân tộc và được việc. Ông có thể là bức tường thành chắn Liên Xô và là một tác nhân cải cách; ngoài ông ra, chỉ còn một sự lựa chọn khác là chủ nghĩa cộng sản. Về phần Washington, trong bất kỳ trường hợp nào, họ luôn có đủ lý do để phản đối chủ nghĩa đế quốc già cỗi của Anh. Một nhân vật quyền lực không kém Tổng thống Harry Truman nói rằng William Fraser của Công ty Anh - Iran trông giống một "tay thực dân bóc lột điển hình của thế kỷ XIX". Người Mỹ hiểu hơn người Anh rằng vấn đề của Mossadegh chính là các đối thủ của ông tại Iran; ông luôn bị thúc ép bởi nhu cầu kiềm chế những kẻ dân tộc chủ nghĩa hơn, cực đoan hơn, chính thống hơn và bài ngoại hơn ông. Vào lúc này, ông sẽ ứng biến, kích hai cường quốc này chống lại nhau và sẽ không bao giờ thỏa hiệp hoàn toàn. Cuối cùng, người Mỹ đã mất hết kiên nhẫn với ông. Khi mọi việc kết thúc, Dean Acheson đưa ra những phán xét chua cay: "Mossadegh là một diễn viên vĩ đại và một con bạc vĩ đại".
Ngay từ đầu, người Anh đã nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Họ cho rằng người Mỹ không hiểu được những khó khăn khi đàm phán với Mossadegh. Một số quan chức Anh nghĩ nguy cơ cộng sản bị cường điệu quá mức. Peter Ramsbotham, thư ký Ủy ban đặc biệt về Ba Tư của Nội các Anh nói: "Mossadegh là một người Hồi giáo và năm 1951 thì ông ta sẽ không quay sang Liên Xô." Một số người Anh còn cho rằng Mossadegh là một "kẻ điên". Có thể làm được gì với một người như vậy? Thêm vào đó, theo lời của Đại sứ Anh Francis Shepherd, cần phải theo dõi Mossadegh rất cẩn thận vì ông ta là một người "xảo quyệt, láu cá và vô liêm sỉ". Theo quan điểm của vị đại sứ này, Thủ tướng Iran trông "rất giống một con ngựa kéo thuê" và tỏa ra "mùi thuốc phiện thoang thoảng". Tuy nhiên, trong số những biểu hiện bề ngoài, không có gì làm người Anh cảm thấy khó chịu bằng việc niềm tự hào dân tộc của họ – Công ty Anh - Iran và bản thân Anh − lại bị một lão già trong bộ đồ pijama dắt mũi.
Kế hoạch Y
Ngay sau khi Công ty Anh - Iran bị quốc hữu hóa và phải đối mặt với một kẻ thù mưu mô và không đáng tin cậy như vậy, người Anh vội vã cân nhắc lại các lựa chọn của mình. Họ tin chắc cần phải làm gì đó để cứu lấy tài sản quý giá nhất, đồng thời là nguồn dầu lửa số một của Anh ở nước ngoài. Nhưng họ cần làm gì? Nội các Anh đã xem xét Kế hoạch Y, một kế hoạch can thiệp quân sự dự phòng. Họ kết luận rằng các mỏ dầu trong đất liền nằm ở những khu vực xa xôi đến nỗi khó có thể được bảo đảm an toàn nhưng ở Abadan, nơi có nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới, mọi điều kiện lại không phải hoàn toàn như vậy. Do đó, khu vực này là mục tiêu hợp lý hơn. Bằng cách đánh bất ngờ, người Anh có thể chiếm được Abadan. Có lẽ một cuộc trình diễn lực lượng nhanh và mạnh là đã đủ để lấy lại sự kính trọng và làm xoay chuyển tình hình.
Nhưng sự thể không diễn ra như vậy. Sẽ có những người Anh thiệt mạng, bị bắt làm con tin. Chính phủ Mỹ gây áp lực mạnh mẽ để Anh không can thiệp quân sự vì lo ngại rằng một hành động như vậy ở phía Nam sẽ hợp pháp hóa bước tiến của Liên Xô ở phía Bắc và kết cục có thể sẽ là Iran chuyển sang bên kia Bức màn sắt. Ngoài ra, còn có những trở ngại khác đối với hành động quân sự. Ấn Độ vừa mới độc lập và Anh không thể trông chờ vào quân đội của nước này. Anh có thể bị trừng phạt trên khắp thế giới vì chủ nghĩa đế quốc già cỗi của mình. Sức mạnh của bản thân quốc gia này đã bị hạn chế rất nhiều vì những khó khăn lớn trong cán cân thanh toán và không có sức chống đỡ. Anh sẽ chi trả như thế nào cho sự can thiệp quân sự mở rộng?
Tuy nhiên, theo lập luận của một số thành viên Nội các, nếu Anh nhượng bộ ở Iran, vị thế Anh ở Trung Đông sẽ suy yếu. Bộ trưởng Quốc phòng Emmanuel Shinwell nói: "Nếu Ba Tư quốc hữu hóa thành công, Ai Cập và các nước Trung Đông chắc chắn cũng nghĩ mình có thể làm điều tương tự. Điều gì sẽ xảy ra nếu tiếp theo là việc quốc hữu hóa kênh đào Suez?". Bên ngoài Nội các, thủ lĩnh phe đối lập đồng thời cũng là người bảo vệ đáng kính của đế chế Anh, Wilston Churchill, nói với Attlee rằng ông "khá sốc trước thái độ của Mỹ, quốc gia dường như không thực sự đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực rộng lớn trải dài từ Caspi đến vịnh Ba Tư, khu vực quan trọng hơn Triều Tiên rất nhiều". Churchill nhấn mạnh "tầm quan trọng của sự cân bằng nguồn cung dầu lửa như một yếu tố ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô". Lên án chính sách "chạy trốn và đầu hàng", Ngoại trưởng Anh Herbert Morrison đã đề cập đến kế hoạch sử dụng vũ lực. Lính dù được đưa tới đảo Cyprus để bảo vệ và, trong trường hợp cần thiết, sơ tán số lượng lớn công nhân người Anh và gia đình của họ ở Abadan. Tuy nhiên, một số người cho rằng Anh khó có thể thực hiện Kế hoạch Y và tiến hành một cuộc thử nghiệm quân sự vào lúc xế chiều của sức mạnh đế quốc của mình.
Averell ở xứ sở diệu kỳ
Tehran năm 1950 |
Viễn cảnh can thiệp quân sự đã làm tăng thêm những hồi chuông cảnh báo ở Washington. Anh có thể đẩy Iran thẳng vào vòng tay đang rộng mở của Liên Xô. Dean Acheson vội sắp xếp một cuộc gặp với Đại sứ Anh tại Iran và một người bạn cũ của ông Averell Harriman. Ngồi bên ngoài hành lang ở nhà Harriman, nhìn xuống sông Potomac vào một buổi tối tháng 6, Acheson nói rất rõ ràng rằng ông không muốn Anh làm điều mà theo quan điểm của ông là một việc ngu xuẩn – hoặc nguy hiểm. Acheson gợi ý để Harriman làm trung gian giữa Anh và Iran. Mọi người có mặt khi đó đều cho rằng đây là một ý kiến rất hay và dù Harriman không muốn nhận nhiệm vụ này song cuối cùng đã đồng ý.
Là một người khá cao, giản dị và sở hữu nhiều triệu đô-la, Harriman từ bỏ công việc kinh doanh riêng để trở thành một viên chức nhà nước và đã giải quyết nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Ông từng là đại diện đặc biệt của Roosevelt vào những năm đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, đại sứ Mỹ tại Matxcơva và London, Bộ trưởng Thương mại, đại diện Mỹ cho kế hoạch Marshall tại châu Âu. Nhưng chưa bao giờ ông tham dự vào một cuộc đàm phán lạ lùng như cuộc đàm phán với Iran. Harriman đến Tehran vào giữa tháng 7 năm 1951 cùng với một trung tá lục quân Mỹ là Vernon Walters, người sẽ đóng vai trò phiên dịch viên (Mossadegh muốn điều hành công việc bằng tiếng Pháp) và Walter Levy, người đã từng chỉ đạo các vấn đề dầu lửa trong kế hoạch Marshall và vừa mới thành lập một công ty tư vấn.
Người Anh bất đắc dĩ chấp nhận những nỗ lực của Harriman. Họ càng lo lắng hơn về Levy, người được nhiều quan chức Mỹ biết tới như là "nhà tiên tri thực sự của Nhà nước" về các vấn đề dầu lửa quốc tế. Levy không hề giấu giếm suy nghĩ rằng vị thế của Công ty Anh - Iran đã tụt dốc đến mức khó có thể khôi phục lại như cũ. Ông đề cập tới quan điểm chung của phía Mỹ: nếu Anh muốn lấy lại vị thế dầu lửa tổng thể của mình, nước này sẽ phải "ngụy trang" sự tồn tại của công ty Anh - Iran và "làm loãng" công ty này trong một công ty mới, một liên minh nằm dưới sự điều hành của nhiều công ty, trong đó có một số công ty Mỹ. Người Anh thật sự bị xúc phạm trước cái đề xuất được gọi là "sự lai giống" bất hạnh của công ty hàng đầu của Anh. Họ cho rằng lý do thực sự nằm sau đề xuất liên minh này là các công ty Mỹ đang hăm hở chờ đợi và đã thấy trước cơ hội nhảy vào Iran. Nghi ngờ của người Anh càng tăng khi một hạ nghị sĩ trẻ tuổi ham tiệc tùng, John F. Kennedy, con trai cựu đại sứ Mỹ tại London, tới Tehran và gợi ý với đại sứ Anh tại đây rằng nếu không xuất hiện giải pháp nào thì "cách tốt nhất là để người Mỹ gánh lấy nhiệm vụ này".
Tại Tehran, Harriman và nhóm của ông ở trong một cung điện của Shah. Những bức tường của căn phòng đón tiếp được phủ hàng ngàn chiếc gương nhỏ khiến người ta có ấn tượng như nhìn những viên ngọc lung linh. Ban đầu, cách trang trí này có vẻ đẹp mới lạ, nhưng Harriman và nhóm của ông không biết mình sẽ ở đó gần hai tháng và sẽ mệt mỏi vì nó.
Harriman, cùng với Walters, đã đến gặp Mossadegh tại ngôi nhà riêng khiêm tốn của ông. Họ thấy Thủ tướng Iran nằm trên giường, hai lòng bàn tay đặt dưới gáy. Hai ô cửa có các tủ quần áo chặn lại nhằm ngăn những kẻ có âm mưu ám sát. Khi Harriman và Walters bước vào, Mossadegh chỉ vẫy tay chào rồi sau đó, không bỏ phí thời gian, ông ta nói thẳng về thái độ của mình đối với người Anh: "Các ông không biết là họ xảo quyệt và ma qủy đến mức nào đâu. Họ làm hoen ố tất cả những gì mà họ chạm tới."
Harriman không đồng tình. Ông biết người Anh rất rõ bởi ông đã từng làm đại sứ ở Anh. Ông nói: "Tôi bảo đảm với ông rằng họ có cả người tốt, người xấu và phần lớn trong số họ là những người không tốt cũng không xấu."
Mossadegh cúi về phía trước, bắt tay Harriman và chỉ cười. Sau đó, Mossadegh chợt đề cập tới việc đứa cháu trai, thứ quý giá nhất của ông, đang học xa nhà. "Ở đâu vậy?", Harriman hỏi. Mossadegh trả lời: "Ở đâu được nữa chứ, dĩ nhiên là ở Anh rồi".
Chẳng mấy chốc, họ đã tạo ra một tư thế và một không khí có lẽ chưa cuộc thảo luận nào có. Mossadegh ngồi hoặc nằm dài trên giường, đầu gối lên tay. Walters ngồi dưới chân giường giống như đang tập yoga, còn Harriman ngồi trên một chiếc ghế ở giữa hai người kia. Cách sắp xếp như vậy giúp Mossadegh, vốn bị nặng tai, có thể nghe được dễ dàng hơn. Tại đây, trong khung cảnh bình thường này, trật tự dầu lửa sau chiến tranh và định hướng chính trị của Trung Đông được trao đổi bàn bạc. Cảm giác thay đổi liên tục giữa thực tế và tưởng tượng mạnh đến nỗi Walters đã yêu cầu Washington gửi cho ông truyện Alice ở xứ sở diệu kỳ để sử dụng làm sách hướng dẫn không chính thức cho những gì có thể sẽ diễn ra sau này.
Ngày lại ngày, với giúp đỡ của Levy, Harriman cố gắng chỉ cho Mossadegh thấy những sự thật trong lĩnh vực dầu lửa. Trong bức điện gửi Truman và Acheson, Harriman nói: "Trong thế giới mơ ước của Mossadegh, việc thông qua đạo luật quốc hữu hóa công nghiệp dầu lửa chỉ đơn thuần là tạo ra lĩnh vực kinh doanh đầy lợi nhuận và mọi người sẽ đồng ý với mức giá mà ông ta đặt ra." Harriman và Levy tìm cách giải thích cho Mossadegh về việc cần phải có thị trường tiêu thụ để bán dầu Iran, nhưng vô ích. Họ giải thích rằng công ty có tên là Anh - Iran không có nghĩa là tất cả lợi nhuận của công ty này được sản xuất tại Iran. Thu nhập của công ty còn bắt nguồn từ hoạt động lọc và phân phối dầu ở nhiều quốc gia. Nhưng dường như Mossadegh bỏ tất cả ngoài tai. Thậm chí, Mossadegh đòi một mức lợi tức còn cao hơn tổng mức giá bán của tất cả các sản phẩm được làm ra từ một thùng dầu. Harriman nói: "Tiến sĩ Mossadegh, nếu chúng ta muốn bàn bạc sáng suốt về những vấn đề này, chúng ta phải thỏa thuận những nguyên tắc nhất định." Mossadegh nhìn chăm chăm vào Harriman và hỏi: "Như thế nào?" "Chẳng hạn, không gì có thể lớn hơn tổng các phần của nó cộng lại". Mossadegh lại nhìn thẳng vào Hariman và trả lời bằng tiếng Pháp: "Đó là nguyên tắc sai".
Mặc dù không nói tiếng Pháp, Harriman nghĩ là mình đã nắm được chủ ý của Mossadegh nhưng ông không thể tin được điều đó. Ông hỏi đầy hoài nghi: "Ông dùng từ "sai" có ý gì?" Mossadegh trả lời: "Ồ, ông nhìn một con cáo mà xem, đuôi nó thường dài hơn nó". Sau khi đáp trả vòng vo như thế, ông ngả đầu xuống và lăn qua lăn lại trên giường, cười vang.
Tuy nhiên, một vài lần vào cuối cuộc thảo luận trong ngày, Mossadegh dường như đã chấp nhận một giải pháp. Nhưng sáng hôm sau, khi những người Mỹ tới, ông lại nói cần thêm thời gian để thông qua thỏa thuận. Đối với Mossadegh, điều quan trọng hơn so với thị trường dầu lửa hay chính trị quốc tế là toàn bộ sự việc này sẽ có tác động như thế nào lên tình hình chính trị trong nước và của các đối thủ ở cánh tả và cánh hữu, cũng như những người ủng hộ Shah. Ông đặc biệt lo sợ những kẻ Hồi giáo cực đoan vốn luôn phản đối bất kỳ một sự thỏa hiệp nào đối với nước ngoài. Hơn nữa, tướng Razmara vừa mới bị một kẻ Hồi giáo chính thống ám sát.
Cảm nhận được nỗi lo sợ của Mossadegh, Harriman tới gặp Ayatollah Kashami, thủ lĩnh Hồi giáo cánh hữu, một người bị bỏ tù trong Chiến tranh thế giới thứ hai vì ủng hộ phe Trục. Vị thủ lĩnh cao tuổi này tuyên bố mình không hề biết gì về người Anh, ngoại trừ một điều: họ là dân tộc ma quỷ nhất thế giới. Thực ra, theo câu trả lời này, tất cả người nước ngoài có dính líu đến Iran đều là ma quỷ cả. Sau đó, Kashami kể một câu chuyện về một người Mỹ tới Iran vài thập kỷ trước và tham gia xây dựng ngành công nghiệp dầu lửa. Người đàn ông này đã bị bắn trên đường phố Tehran và sau đó được đưa tới một bệnh viện. Một nhóm người Mỹ đã đột nhập vào bệnh viện và tìm thấy ông ta trên bàn mổ, nơi ông ta bị người ta mổ thịt.
"Ông có hiểu không?", vị thủ lĩnh hỏi. Ngay lập tức, Harriman hiểu rằng mình đang bị đe dọa. Ông mím môi lại, cố gắng kiềm chế cơn giận dữ và lạnh lùng đáp lại: "Thưa Giáo chủ, tôi cũng đã trải qua nhiều tình huống nguy hiểm trong cuộc đời và tôi cũng không phải là người dễ dàng sợ hãi." Vị thủ lĩnh nhún vai đáp: "Ồ, có thử thì cũng chẳng làm sao đâu."
Trong cuộc đối thoại, Kashami buộc tội Mossadegh đã phạm phải tội lỗi lớn nhất, đó là ủng hộ người Anh. Kashami nói: "Nếu Mossadegh nhượng bộ, máu của ông ta sẽ chảy như máu của Razmara". Vấn đề không thể rõ ràng hơn là Kashami là một thành phần đối lập nguy hiểm và tàn nhẫn. Tuy nhiên, với Mossadegh, Harriman bắt đầu có những tình cảm nhất định. Mossadegh là một người khôi hài và lịch thiệp theo một cách nào đó và Harriman đã bắt đầu gọi ông là "Mossy", mặc dù không trực tiếp.
Harriman cho rằng có một giải pháp đang le lói hiện ra, một tạm ước có khả năng đạt được. Ông bay về London và đề xuất Anh cử một nhà đàm phán đặc biệt để tiếp tục. Người được chọn là một triệu phú theo đường lối xã hội chủ nghĩa, Richard Stokes. Ông đã tới Tehran cùng với Harriman. Với đôi chút tự tin, Stokes táo bạo tuyên bố rằng mục tiêu của ông là đặt trước Mossadegh "một đề nghị hết sức tốt đẹp".
Đi Tehran với Stokes còn có ngài Donald Fergusson, Thứ trưởng thường trực Bộ Nhiên liệu và Điện, một người rất có ảnh hưởng và ủng hộ quan điểm chỉ trích Công ty Anh - Iran cũng như vị Chủ tịch công ty, William Fraser. Ông đánh giá Fraser là một kẻ hẹp hòi, có tư tưởng độc tài và thiếu nhạy cảm với các xu hướng và các cân nhắc chính trị. Tuy nhiên, Fergusson cũng nghi ngờ khả năng giải quyết vấn đề và lo ngại rằng một thỏa thuận sẽ đe dọa các hoạt động đầu tư nước ngoài khác của Anh với hoạt động sung công của các chính phủ tham lam. Đối với các công ty Anh ở nước ngoài, không có một sự trừng phạt hữu hiệu nào hơn cách này. Ông nói: "Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp Anh đã phát hiện ra dầu lửa dưới lòng đất Ba Tư, đưa dầu mỏ ra khỏi đó, xây dựng nhà máy lọc dầu, phát triển thị trường dầu Ba Tư tại 30 hoặc 40 quốc gia cùng với xà lan, thùng chứa, máy bơm, đường xá, xe ray, và các phương tiện phân phối khác cũng như một hạm đội tàu chở dầu khổng lồ". Theo Fergusson, vì lý do này, trên phương diện đạo đức, lời kêu gọi áp dụng tỷ lệ chia phần 50-50 như thủ lĩnh Hồi giáo Aga Khan đã đưa ra là "nhảm nhí và cần phải được chỉ rõ là nhảm nhí".
Trong bất kỳ trường hợp nào, Fergusson cũng thừa nhận rằng mục tiêu của Mossadegh "không phải là mức giá tốt hơn mà là loại bỏ công ty nước ngoài cùng ảnh hưởng thống trị của nó ra khỏi Ba Tư". Mossadegh không hề có ý định cho phép Công ty Anh - Iran quay lại. Ngoài ra, ông lại bị cầm tù trong tình cảm cuồng nhiệt của dân chúng mà ông đã cố gắng tạo nên. Do đó, trong vòng đàm phán thứ hai, sẽ không có cách nào đạt được thỏa thuận trong vấn đề ai sẽ là người thực sự điều khiển và kiểm soát ngành công nghiệp dầu lửa Iran. Peter Ramsbotham, nhà đàm phán cấp cao trong đoàn đàm phán của Stokes nhớ lại: "Một phiên đàm phán buổi tối trong khu vườn của cung điện, nơi chúng tôi ở, giống như màn cuối của vở Figaro. Những nhân vật lờ mờ, không rõ mặt nấp sau những bụi hoa hồng. Mọi người theo dõi lẫn nhau. Tất cả mọi người đều ẩn nấp. Chúng tôi không bao giờ biết mình đang đối mặt với ai. Kể cả Mossadegh cũng vậy".
Stokes quyết định chấm dứt mọi chuyện. Nhiệm vụ của ông và Harriman đã thất bại. Harriman kết luận: "Mossadegh đang dùng các ngón nghề của mình để chiến đấu với người Anh. Bất kỳ cách giải quyết tranh chấp nào cũng sẽ chấm dứt quyền lực chính trị của ông ta." Tuy nhiên, trong chuyến bay rời Tehran, Harriman buộc phải cay đắng thừa nhận: "Đơn giản là tôi không quen thất bại". Tuy nhiên, cho tới khi đó, ông chưa bao giờ làm việc với những người như "Mossy già".
"Mọi người, hãy đứng vững!" – Lời giã biệt dành cho Abadan Trong khi đó, các mỏ dầu và nhà máy lọc dầu đang giảm công suất hoạt động. Người Anh đã áp đặt thành công lệnh cấm vận việc phân phối dầu mỏ ra thị trường thế giới bằng cách đe dọa trừng phạt chủ các tàu chở dầu tiếp tay cho việc vận chuyển "dầu ăn cắp", tức dầu Iran. Ngoài ra, Anh còn cấm vận hàng hóa Iran. Ngân hàng Trung ương Anh đình chỉ các dịch vụ tài chính và thương mại trước đây dành cho Iran. Tóm lại, hành động quốc hữu hóa của Iran đã vấp phải một cuộc chiến tranh kinh tế.
Quốc hội Iran trả đũa bằng cách thông qua một đạo luật quy định bất cứ ai bị phát hiện phạm tội "phá hoại và coi thường" sẽ bị tử hình. Một lá thư được gửi cho Eric Drake, Tổng giám đốc Công ty Anh - Iran, buộc tội ông "phá hoại và coi thường". Theo lời khuyên của Đại sứ Anh, Drake vội vã rời Iran. Ông phải điều hành hoạt động sản xuất dầu tại Iran từ một văn phòng ở Barsa, Iraq và sau đó, từ một con tàu ở vịnh Ba Tư. Sau một cuộc gặp gỡ ở Suez với các tham mưu trưởng quân đội Anh, ông đã bí mật bay về Anh và ngay lập tức được triệu tập tới dự một cuộc họp nội các của Thủ tướng Attlee. Điều này khiến một người chuyên quyền như William Fraser nổi giận bởi ông không được mời. Mặt khác, xét cho cùng, Drake cũng chỉ là một người của Công ty Anh - Iran có mặt tại hiện trường mà thôi. Bất chấp sự giận dữ của Fraser, Drake đã tới họp. Ông vào tòa nhà số 10 phố Downing bằng một lối đi bí mật xuyên qua khu vườn phía sau để tránh mặt các nhà báo đang đợi sẵn.
Phát biểu trước Nội các, Drake nói rằng nếu không làm gì để giải quyết vấn đề Abadan thì Anh sẽ mất thêm nhiều thứ nữa, trong số đó có cả kênh đào Suez. Sau đó, Drake gặp thủ lĩnh đảng đối lập, Winston Churchill. Sau khi hỏi ông về cuộc thảo luận ở Nội các, Churchill đột ngột lẩm bẩm: "Anh có súng lục không, Drake?" Drake giải thích rằng ông đã nộp lại súng cho chính quyền Iran vì luật mới của nước này quy định ai sở hữu một khẩu súng bất hợp pháp sẽ bị tử hình. Churchill khuyên Drake: "Anh có thể hạ một ai đó bằng súng lục. Tôi biết vì tôi có súng."
Sau thất bại của Harrison và Stokes, Chính phủ Anh một lần nữa tranh cãi về việc sử dụng lực lượng quân sự để chiếm đảo Abadan và nhà máy lọc dầu ở đó. Trên thực tế, các hoạt động quân sự bí mật đã được xúc tiến tới mức chỉ cần thêm 12 giờ đồng hồ là có thể tấn công đánh chiếm Abadan. Nhưng người Anh sẽ làm được gì? Liệu cả nước Iran có đoàn kết chống lại họ? Liệu mối quan hệ Anh - Mỹ có bị cắt đứt? Trong bất kỳ trường hợp nào, yếu tố bất ngờ đều đã không còn. Attlee nói trước Nội các: "Sẽ là một điều nhục nhã đối với Anh nếu số nhân viên người Anh còn lại ở Abadan bị trục xuất." Tuy nhiên, Chính phủ Anh quyết định không sử dụng vũ lực. Nhìn lại, một số người nhìn thấy trong việc không hiện thực hóa sự đe dọa sử dụng vũ lực công khai trong những tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng như khởi điểm thật sự cho hồi kết của niềm tin dành cho Anh và vị thế của Anh ở Trung Đông.
Ngày 25 tháng 9 năm 1951, Mossadegh yêu cầu số nhân viên người Anh còn lại ở Abadan phải rời đi trong thời hạn một tuần. Vài ngày sau, giáo chủ Kashami công bố một ngày đặc biệt – "ngày căm ghét Chính phủ Anh". Tại nhà máy lọc dầu Abadan, các công nhân người Anh và các y tá đã dành một buổi tối ca hát và diễn kịch. Tên vở kịch có nội dung đả kích này là "Mọi người, hãy đứng vững!".
Sáng ngày 4 tháng 10, các công nhân dầu lửa và gia đình tập trung trước Câu lạc bộ Gymkhana, nơi từng là trung tâm giải trí của họ. Những người này mang theo cần câu, vợt tennis và gậy đánh golf. Một vài người còn mang theo cả chó, mặc dù phần lớn các con vật nuôi trong nhà đều đã bị giết. Vị cha xứ cũng gia nhập vào đoàn người trước câu lạc bộ. Ông vừa khóa cửa ngôi nhà thờ nhỏ, nơi chứa đựng lịch sử của cộng đồng trên hòn đảo này – "nơi ghi dấu những con người đã được sinh ra, rửa tội, kết hôn và qua đời ở Abadan". Sau đó, mọi người sẽ lên tàu Mauritius của Anh để ngược sông tới bến cảng an toàn ở Basra, Iraq. Thực hiện một nghi lễ kỳ quặc, ban nhạc của tàu tấu bài quốc ca Iran khi những con xuồng của Hải quân Iran đi qua đi lại giữa con tàu và bờ sông. Đến trưa, tất cả mọi người đã lên tàu và Mauritius bắt đầu chầm chậm nổ máy, ngược dòng tới Basra. Ban nhạc chơi bài "Đại tá Borgey". Hành khách tập hợp thành một dàn đồng ca lớn dưới ánh nắng mặt trời nóng bức. Họ hát những bài hát tự sáng tác và xuyên tạc hành khúc "Đại tá Borgey" trang nghiêm kia. Với sự vùng dậy đầy thách thức bằng âm nhạc này, Anh nói lời giã biệt với hoạt động kinh doanh có quy mô lớn nhất ở nước ngoài, đồng thời cũng là nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới, nhà máy đến giờ phút này đã gần như ngừng hoạt động. Đó là đỉnh điểm của sự rút lui bẽ bàng của đế quốc Anh trong sáu năm sau chiến tranh. Quyền khai thác dầu lớn đầu tiên ở khu vực Trung Đông đã bị kết thúc chóng vánh.
"Một loạt đạn súng trường"
Do lệnh cấm vận hiệu quả của Anh và đặc biệt là tinh thần cảnh giác của Công ty Anh - Iran trong việc khởi kiện chống lại các nhà lọc dầu hoặc phân phối nếu họ lấy dầu từ Iran, dầu không thể ra khỏi nước này, cho dù chỉ là với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, lệnh cấm vận này cũng khiến nền thương mại toàn cầu mất đi một lượng lớn dầu lửa vào một thời điểm vô cùng quan trọng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Chia định mức xăng dầu đã được áp dụng tại một số nơi ở châu Á; các chuyến bay "không cần thiết" tới phía Đông kênh đào Suez bị hủy. Cơ quan dầu lửa quốc phòng của Mỹ đưa ra một tính toán đáng ngại là không có dầu từ Iran, nhu cầu dầu của thế giới sẽ vượt nguồn cung sẵn có năm 1951.
Một cỗ máy nhanh chóng được thiết lập để đối phó với tình trạng thiếu dầu. Như trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai, cỗ máy này dựa trên cơ sở sự hợp tác Anh - Mỹ. Tại Mỹ, theo Luật sản xuất quốc phòng năm 1950 quy định miễn trừ chống độc quyền, 19 công ty dầu lửa đã thành lập một ủy ban tự nguyện để phối hợp hoạt động và sử dụng chung nguồn cung và các cơ sở sản xuất. Ủy ban này hợp tác chặt chẽ với một ủy ban tương tự của Anh để vận chuyển dầu trên khắp thế giới nhằm khắc phụ tình trạng tắc nghẽn và thiếu hụt nguồn cung. Bản thân các công ty này cũng nỗ lực tăng sản lượng dầu tại Mỹ và Arập Xêút, Côoét và Iraq. Như vậy, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp dầu lửa sau chiến tranh đã ủng hộ lệnh cấm vận của Anh đối với Iran và tình trạng thiếu dầu như người ta lo ngại đã không xảy ra. Đến năm 1951, sản lượng dầu của Iran sụt giảm mạnh từ mức 660.000 thùng năm 1950 xuống còn vỏn vẹn 20.000 thùng. Trong khi đó, sản lượng dầu của thế giới đã tăng từ mức 10,9 triệu thùng năm 1950 lên mức 13 triệu thùng năm 1952, gấp gần ba lần sản lượng của Iran năm 1950.
Chính sách chống Iran của Anh được tăng cường vào tháng 10 năm 1951 khi Đảng Bảo thủ lên nắm quyền thay chính phủ Công đảng. Thủ tướng Anh lần này lại là Winston Churchill, đã 77 tuổi, già hơn Mossadegh 5 tuổi. Phàn nàn về tuổi tác của mình, Churchill nói: "Bộ não già nua của tôi không làm việc được như trước đây." Tuy nhiên, ông có quan điểm vững chắc về việc quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu lửa của Iran: chính phủ Công đảng đã quá nhu nhược và yếu kém trong vấn đề này. Churchill nói với Truman rằng, nếu ông nắm quyền trước đó, "có lẽ đã có một loạt súng trường" nhưng Anh "sẽ không bị bật ra khỏi Iran". Có một sự mỉa mai lớn trong câu nói của Churchill. Khi còn là Bộ trưởng Hải quân khoảng 37 năm về trước, Churchill đã mua cổ phần cho chính phủ tại Công ty Anh-Ba Tư, sau đổi thành Công ty Anh - Iran. Giờ đây, ông đã sống, làm việc và có mặt trên chính trường trong một thời gian đủ dài để quay lại và lãnh đạo chính phủ vào thời điểm mà công ty phải đối mặt với cuộc khủng khoảng lớn nhất của nó. Ông sẽ bảo vệ công ty này trong khả năng cho phép.
Ngoại trưởng dưới quyền Churchill là Anthony Aden, một người có tình cảm đặc biệt với Iran. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Eden theo học môn các ngôn ngữ phương Đông tại Oxford và là một sinh viên sáng giá trong môn tiếng Ba Tư. Ông cũng vô cùng yêu thích văn học Ba Tư. Sau đó, ông tiếp tục duy trì những mối liên hệ với Ba Tư. Trở thành Thứ trưởng Ngoại giao năm 1933, ông đã đóng vai trò quan trọng vào việc cứu vãn cuộc khủng hoảng nổ ra vì Shah Reza quốc hữu hóa Công ty Anh-Ba Tư. Tám năm sau đó, năm 1941, với tư cách Ngoại trưởng, Eden rất lo ngại về mối quan hệ thân mật giữa Reza và Đức Quốc xã. Ông đã đóng vai trò chính trong quyết định tấn công Iran và lật đổ Reza. Cá nhân Aden bị đất nước này quyến rũ và đã nhiều lần tới đó. Khi nhận lại chức Ngoại trưởng năm 1951, ông vẫn còn nhớ nhiều tục ngữ bằng tiếng Ba Tư. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng tầm cỡ – hậu quả của quyết định quốc hữu hóa và trục xuất người Anh ra khỏi Abadan – đang đợi ông. Eden nói: "Quyền lực của chúng ta ở Trung Đông bị lung lay dữ dội."
Cuộc khủng hoảng đặt Eden vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một phần lớn tài sản của Eden là cổ phiếu công ty Anh - Iran mà mức giá đã sụt giảm mạnh. Sau khi dành nhiều thời gian suy tính, Eden cho rằng sở hữu những cổ phiếu này không còn phù hợp và dù chính phủ có cổ phần trong công ty, ông đã bán toàn bộ số cổ phiếu của mình với mức giá thấp nhất, việc này đã khiến ông mất ổn định tài chính và khiến ông mất nhiều thứ, trong đó có cả ngôi nhà ở ngoại ô.
Với việc Đảng Bảo thủ trở lại nắm quyền, mối bất đồng căn bản chia rẽ London và Washington càng trở nên rõ ràng. Người Mỹ lo ngại rằng, nếu Mossadegh bị lật đổ, phe cộng sản sẽ lên nắm quyền ở Iran nên giải pháp tốt nhất là hợp tác với ông ta, cho dù đó là một điều khó chịu. Ngược lại, với người Anh, có thể Chính phủ Mossadegh sẽ bị thay thế bằng một chính phủ hợp lý hơn theo cách nhìn nhận của họ và điều này xảy ra càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Sau sự việc ở Iran, việc Mossadegh yên ổn và không vấp phải sự trừng phạt nào tất yếu sẽ khuyến khích tất cả các nước trên thế giới tiến hành một đại chiến dịch sung công và quốc hữu hóa. Người Anh không thể để những tài sản còn lại ở nước ngoài bị đe dọa. Ngài Donald Fergusson của Bộ Năng lượng và điện nói: "Chúng ta cần phải cảnh báo Mỹ ở mức độ cao nhất rằng nếu họ vẫn giữ quan điểm là cần phải duy trì Chính phủ Mossadegh để bảo vệ Ba Tư trước nguy cơ cộng sản, họ vẫn phải lựa chọn giữa việc cứu Ba Tư và việc hủy hoại đất nước này." Trong nội bộ Chính phủ Anh nổ ra tranh luận gay gắt về việc phải làm gì, khiển trách ai. Các quan chức hết sức giận dữ vì những việc làm mà họ cho là ngu xuẩn của công ty Anh - Iran. Chính Eden đã phàn nàn rằng William Fraser là một kẻ "điên điên, gàn gàn".
Mùa thu năm 1951, một vài tuần sau khi người Anh rời khỏi Abadan, Mossadegh tới Mỹ để đưa vụ kiện của Iran lên Liên hiệp quốc. Ông cũng tới Washington để bày tỏ sự ủng hộ của mình với Truman và Acheson, đồng thời xin viện trợ kinh tế. Chính phủ Mỹ cũng muốn tình hình Iran ổn định nhưng chưa sẵn sàng viện trợ cho Mossadegh. Khi Mossadegh giải thích với Truman và Acheson rằng ông "đang cất tiếng nói vì một nước rất nghèo – một nước chỉ có sa mạc toàn cát", Acheson đột ngột cắt ngang: "Đúng, và với dầu của các ông nữa, giống như bang Texas vậy!" Cuối cùng, Mossadegh cũng nhận được một khoản viện trợ kinh tế ở mức tối thiểu.
Tuy nhiên, sau sáu giờ trò chuyện với Mossadegh, Trợ lý ngoại trưởng George McGhee tin rằng đã tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề, dù chưa rõ ràng. Giải pháp này bao gồm việc Shell mua lại nhà máy lọc dầu Abadan (trên cơ sở đây là một công ty Hà Lan chứ không phải một công ty Anh) và một hợp đồng mua dầu đặc biệt cho công ty Anh - Iran với tỷ lệ chia phần được áp dụng là 50-50. Tuy nhiên, Mossadegh nhất quyết đòi thêm một điều kiện: không một kỹ thuật viên dầu lửa nào được làm việc ở Iran. Acheson đã thử đề xuất giải pháp này với riêng Athony Eden trong một bữa trưa ở Paris và khiến ông nổi giận. Ngoại trưởng Anh cho rằng đó là một điều sỉ nhục và ông kiên quyết phản đối toàn bộ đề xuất này. Vốn có những kỳ vọng rất cao trước đó, McGhee cảm thấy choáng váng. Những nỗ lực cứu vãn cuộc khủng hoảng dầu lửa ở Iran của ông đã thất bại. Ông nói: "Thế giới như sụp đổ đối với tôi". Không rõ Mossadegh muốn chia sẻ sự căng thẳng của mình mà cũng không rõ là ông ta thật sự muốn đạt được một thỏa thuận vào ban đêm trước khi rời Mỹ, Mossadegh đã nói với một người Mỹ: "Ông có thấy là trở về Iran với hai bàn tay trắng, tôi có một vị thế lớn hơn so với việc trở về với một thỏa thuận mua bán với những kẻ cuồng tín?"
Tuy nhiên, chính quyền Truman vẫn hy vọng có được một giải pháp với "Mossy". Tại Bộ Ngoại giao, thực chất là tại Văn phòng ngoại vụ ở London, đã có những đề xuất thành lập liên doanh quản lý ngành công nghiệp dầu lửa Iran. Ngoài ra còn có một kế hoạch khôn ngoan mà theo đó, Ngân hàng thế giới sẽ tiếp quản nó dưới dạng ủy thác cho tới khi nào các bên đàm phán đạt được một giải pháp. Tất cả những giải pháp này đều đổ vỡ do Iran không mấy thích thú với một thỏa hiệp làm giảm mức độ quốc hữu hóa và vai trò của mình, hay đem lại một vai trò cho Công ty Anh - Iran.
Do cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục trong những tháng đầu tiên của năm 1952, chính phủ của Mossadegh không thể bán được dầu, tiền bạc cạn dần và nền kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, những điều này dường như cũng chẳng có nghĩa lý gì với Mossadegh. Quan trọng, ông vẫn là một một lãnh tụ dân tộc được yêu mến, người đã đạt được mục tiêu lịch sử là tống khứ những kẻ ngoại quốc và giành lại di sản dân tộc. Mossadegh tuyên bố rằng những gì mà ông quan tâm là dầu sẽ ở lại trong lòng đất cho các thế hệ tương lai. Đại sứ Mỹ tại Tehran lưu ý tới mối ác cảm thâm căn cố đế mà Mossadegh dành cho Shah. Theo ông, lý do của mối ác cảm này là "thái độ khinh miệt thầm kín" của một người sinh ra trong một gia đình quý tộc lâu đời trước "đứa con trai yếu đuối của một kẻ mạo danh hung bạo mới phất lên". Tuy nhiên, Mossadegh, người theo chủ nghĩa hợp hiến, lại đang chuyển sang các công cụ ngoài hiến pháp để điều hành đất nước, bao gồm cả việc sử dụng các đám đông đường phố để vận động chính trị. Đồng thời, ông cũng tăng cường quyền lực độc tài. Một thủ lĩnh phe đối lập nói: "Tôi luôn coi con người này không thể phù hợp với vị trí tối cao nhưng ngay cả trong những cơn ác mộng, tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng ra rằng một người ở độ tuổi 70 lại trở thành một kẻ kích động quần chúng. Một người liên tục dùng côn đồ để bao vây tòa nhà Quốc hội Majlis thì không hơn gì một kẻ gây rối công cộng." Mossadegh cũng chứng tỏ mình là một nhà chính trị tầm cỡ khi là nhà lãnh đạo Trung Đông đầu tiên sử dụng radio khuấy động những người đi theo mình. Mỗi khi ông kêu gọi, hàng ngàn và hàng chục ngàn, thậm chí có khi là hàng trăm ngàn người, điên cuồng đổ ra các đường phố, hô khẩu hiệu, dọa nạt, phá hoại tòa soạn các tờ báo đối lập. Trước sự mến mộ mà dân chúng dành cho Mossadegh, Shah cảm thấy mình chẳng có chút quyền lực nào. Ông nói với một đại sứ Mỹ: "Tôi có thể làm được gì đây? Tôi là kẻ vô dụng."
"Vận may là một quý cô đêm nay"
Trong thời gian này, Acheson lại gặp Eden và Eden cho rằng "đến một lúc nào đó, cần phải… nhấn mạnh với Quốc vương Iran về sự cần thiết" phải tước bỏ quyền lực của Mossadegh. Tuy nhiên, bằng bất kỳ cách nào, cả Anh và Mỹ đều không chịu từ bỏ con đường ngoại giao với Mossadegh. Truman tha thiết đề nghị Churchill chấp nhận giá trị pháp lý của đạo luật quốc hữu hóa của Iran, "đạo luật dường như đã trở nên thiêng liêng trong con mắt người Iran như kinh Koran vậy… Nếu Iran theo chân cộng sản, ít ra chúng ta cũng có thể hài lòng chút đỉnh vì đã bảo vệ quan điểm luật pháp đến cùng." Churchill lại muốn Anh và Mỹ cùng đưa ra một lời kêu gọi chung dành cho Mossadegh. Về con người này, ông nói: "Chúng ta làm việc với một người đang ở bên bờ vực của sự phá sản, của cách mạng và của cái chết nhưng tôi vẫn nghĩ đó là một con người. Giải pháp phối hợp của chúng ta có thể sẽ thuyết phục được ông ta."
Truman miễn cưỡng đồng ý về một đề xuất chung rằng sẽ sử dụng trọng tài để quyết định mức bồi thường cho các tài sản bị quốc hữu hóa. Tuy nhiên, sau một thời gian né tránh và cân nhắc, cuối cùng, Mossadegh đã từ chối vì cho rằng đây là một "cái bẫy" do Công ty dầu lửa Anh - Iran gài.
Đến cuối nhiệm kỳ tổng thống của Truman, cả Anh và Mỹ đều gần như bỏ bẵng Mossadegh. Cuối năm 1951, Anh đề xuất với Mỹ một sự hợp tác song phương nhằm tạo ra một sự thay đổi trong Chính phủ Iran – nói cách khác là một cuộc đảo chính. Phía Mỹ không trả lời. Tới thời Tổng thống Eisenhower, đề xuất trên mới được đưa ra xem xét lại với sự ủng hộ của Ngoại trưởng John Foster Dulles và em trai Allen của ông, vị giám đốc mới của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Tuy nhiên, vào những tuần cuối cùng của chính quyền Truman và tuần đầu tiên của chính quyền Eisenhower, Mỹ lại tiến hành một nỗ lực ngoại giao mới nhằm tìm kiếm một giải pháp về dầu lửa giữa Iran và Anh. Sau nhiều cuộc thảo luận gay gắt, một lần nữa Mossadegh lại trả lời là không. Trong khi đó, tình hình Iran ngày càng xấu đi. Trước khi tiến hành quốc hữu hóa, xuất khẩu dầu lửa đem lại hai phần ba số ngoại hối và một nửa thu nhập của chính phủ. Nhưng đã hai năm rồi, Iran không có thu nhập từ dầu nữa, lạm phát tăng vượt tầm kiểm soát và nền kinh tế nước này đang đổ vỡ. Tình hình còn tồi tệ hơn cả trước khi tiến hành quốc hữu hóa. Luật pháp và trật tự không còn tác dụng; cảnh sát trưởng Tehran bị bắt cóc và giết hại. Ngoài ra, Mossadegh cũng không có khả năng điều hành đất nước. Ông chỉ đạo các cuộc họp nội các từ trên giường.
Vào những tháng đầu năm 1953, Mossadegh nỗ lực cải thiện vị trí đang suy yếu ở trong nước bằng cách mở rộng chế độ thiết quân luật, ra các sắc lệnh, giành quyền kiểm soát việc bổ nhiệm trong quân đội, đe dọa và khóa miệng phe đối lập, bãi bỏ thượng nghị viện trong Quốc hội và giải tán hạ nghị viện, đồng thời tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý kiểu Liên Xô trong đó ông giành được chiến thắng tới 99%. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhà cải cách từng ủng hộ Mossadegh đã bị ông phản bội khi nỗ lực độc chiếm quyền lực và sự tín nhiệm ngày càng tăng mà ông dành cho "sự thống trị của quần chúng" và đảng Tudeh. Những người tôn giáo chính thống cũng quay lưng lại với Mossadegh khi ông tìm cách mở rộng quyền lực. Họ cho rằng Mossadegh là kẻ thù của đạo Hồi. Đối với một số người, việc Mossadegh được tạp chí Time bình chọn là "Người đàn ông của năm" là một bằng chứng cho thấy ông là tay chân của Mỹ. Xem ra, Mossadegh còn đang chuẩn bị cho việc loại trừ Shah và tiến sát hơn tới Liên Xô. Về phần mình, Shah vẫn bất lực như thường lệ.
Việc Mossadegh ngả về phía Matxcơva càng trở nên đáng ngại hơn khi đại sứ mới của Liên Xô tại Tehran được bổ nhiệm. Nhân vật này từng là đại sứ của Liên Xô ở Prague năm 1948, năm mà những người cộng sản đã tiến hành một vụ đảo chính và nắm chính quyền. Chỉ có ai ngây thơ mới tin rằng Liên Xô sẽ không gắng giành quyền kiểm soát chính trị ở Iran thông qua tay chân riêng của họ và đảng Tudeh. Mục tiêu mong ước bấy lâu nay của người Nga – cho dù đó là những người thuộc dòng họ Romanov hay những người Bolshevik – cuối cùng đã ở trong tầm tay. Xét cho cùng, theo Hiệp ước Xô - Đức, Kremlin đã coi Iran là trung tâm của "những tham vọng" Liên Xô. Con gà giờ chỉ còn đang chờ bị vặt lông mà thôi.
Tại Washington, trong một cuộc họp ảm đạm của Hội đồng an ninh quốc gia, Ngoại trưởng Dulles dự đoán Mossadegh sẽ sớm thiết lập chế độ độc tài tại Iran và sau đó phe cộng sản sẽ lên nắm chính quyền. Ông nói: "Không chỉ thế giới tự do sẽ bị cướp đi những tài sản lớn, tiêu biểu là các nhà máy sản xuất dầu và tài nguyên dầu lửa ở Iran, mà người Nga sẽ còn chiếm được những tài sản này và do đó, từ nay về sau, họ sẽ không còn phải lo lắng về nguồn cung dầu lửa nữa. Tệ hơn nữa… nếu Iran rơi vào tay những người cộng sản, chỉ trong một thời gian ngắn, các khu vực khác của Trung Đông với khoảng 60% trữ lượng dầu lửa của thế giới, chắc chắn cũng sẽ nằm trong sự kiểm soát của phe cộng sản."
Tổng thống Eisenhower hỏi: "Vậy có hướng hành động khả thi nào để cứu vãn tình hình không?" Câu trả lời là có. Về phía Anh, Ngoại trưởng Eden bị ốm và đến tháng 7 năm 1953, ông vẫn đang trong quá trình hồi phục. Chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành Bộ Ngoại giao, Churchill đã thông qua một kế hoạch lật đổ Mossadegh. Người Mỹ cũng làm đúng như vậy. Theo lời của Allen Dulles, cuộc hành quân đã được "kích hoạt". Tướng Fazlollah Zahedi, một người trung thành với Shah, sẽ là người lãnh đạo vụ lật đổ Mossadegh. Với lý do là cuộc đảo chính do Shah và Zahedi tiến hành, Anh và Mỹ gần như đứng ngoài cuộc.
Quyền chỉ huy "Cuộc hành quân Ajax" được giao cho Kermit Roosevelt thuộc CIA, cháu của Theodore Roosevelt. Và lực lượng hỗ trợ là tình báo Anh M16. Giữa tháng 7 năm 1953, "Kim" Roosevelt đi ôtô từ Iraq tới Iran. Tuy nhiên, trước khi "cuộc hành quân Ajax" bắt đầu, Quốc vương Iraq vốn đang hoài nghi phải được thuyết phục rằng kế hoạch này là thực tế và có cơ hội thành công. Ông thừa biết rằng Chính phủ Mỹ đã và đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của Mossadegh. Ông cũng nghi ngờ rằng Mossadegh là tay chân của Anh, mặc dù có lẽ đó là một kẻ tay chân có cách cư xử không được đúng đắn cho lắm. Để bí mật gặp gỡ với Shah nhằm xoa dịu những nghi ngờ của ông, một đêm, Roosevelt lẻn vào cung điện bằng cách nấp dưới một tấm chăn dưới sàn một chiếc xe hơi. Ông đã thuyết phục được nhà vua.
"Cuộc hành quân Ajax" bắt đầu vào giữa tháng 8 năm 1953 với nhiều kịch tính và rất gay cấn. Những nhân vật chính trong sự kiện này đều có biệt danh riêng: nhà vua là "Hướng đạo sinh"; Mossadegh là "Lão già đáng ghét". Một lính canh ở biên giới đọc sai hộ chiếu của Roosevelt và khiến ông có được biệt danh là "Ông có sẹo ở trán phải". Trong lúc lo lắng chờ đợi nhiều ngày trời tại nhà một trong những mật vụ của mình tại Tehran, Roosevelt chơi đi chơi lại bài hát "May mắn là một quý cô đêm nay" trích trong vở ca kịch hài Các chàng trai và những con búp bê, bài hát khi đó rất được yêu thích ở Broadway. Bài hát này đã trở thành bài hát chủ đề cho cuộc hành quân Ajax.
Nhưng ngay từ đầu, cuộc hành quân đã không gặp may. Nó được dự định sẽ bắt đầu khi nhà vua ra lệnh cách chức Mossadegh, nhưng việc này bị hoãn mất ba ngày. Mossadegh nhận được thông tin từ tình báo Liên Xô về những gì sắp xảy ra và đã ra lệnh bắt giữ viên sĩ quan truyền lệnh của Shah. Sau đó, Mossadegh tìm cách lật đổ nhà vua. Tướng Zahedi phải bỏ trốn. Những người ủng hộ Mossadegh và đảng Tudeh trấn giữ các đường phố. Họ đập vỡ các bức tượng cha đẻ Shah trên các quảng trường Tehran. Nhà vua vội vã lên máy bay và bay sang Baghdad. Đối với ông, cuộc đảo chính đã thất bại và ông chẳng còn mấy hy vọng có thể trở lại Tehran. Shah nói với đại sứ Mỹ tại Baghdad rằng mình sẽ phải nhanh chóng kiếm lấy một công việc vì ông có một gia đình lớn và rất ít của cải bên ngoài Iran.
Trạm dừng chân tiếp theo của nhà vua là Rome, nơi ông và vợ mượn một căn phòng trong khách sạn Excelsior để ở. Họ hầu như không có quần áo, không có người hầu và không có cả tiền bạc. Hoàng hậu đi lại trong các cửa hàng mà không có tiền để mua bất kỳ thứ gì. Đôi vợ chồng hoàng tộc phải hạ mình dùng bữa tại những phòng ăn chung của khách sạn và nghe tin tức qua những các báo cáo viên trung gian. Tóm lại, đó là một quãng thời gian đầy lo âu và cay đắng tại khách sạn Excelsior.
Ngày 18 tháng 8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Walter Bedell Smith giải thích với Eisenhower rằng cuộc hành quân Ajax đã thất bại và buồn bã nói thêm rằng: "Giờ đây, chúng ta phải có một cái nhìn hoàn toàn mới về tình hình ở Iran và có lẽ phải xích lại gần Mossadegh nếu muốn cứu vãn bất thứ gì ở đó. Tôi dám nói rằng đây lại là một khó khăn nữa đối với người Anh." Tuy nhiên, vào buổi sáng ngày hôm sau, ở Tehran có một sự thay đổi. Tướng Zahedi tổ chức một cuộc họp báo mà tại đó, ông phát cho mọi người bản sao lệnh cách chức Mossadegh của nhà vua. Một cuộc biểu tình ủng hộ Shah đã nổ ra. Dẫn đầu đám đông là các diễn viên nhào lộn biểu diễn các động tác tung người, các đô vật khoe cơ bắp và những tay cử tạ xoay các thanh sắt. Đám đông ngày càng lớn vượt qua các khu chợ, tiến vào trung tâm thành phố để bày tỏ sự căm phẫn đối với Mossadegh và ủng hộ nhà vua. Các bức ảnh của nhà vua đột nhiên xuất hiện và được dán ở khắp nơi. Mặc dù đã xảy ra những trận đụng độ trên đường phố nhưng ưu thế rõ ràng thuộc về lực lượng ủng hộ nhà vua. Việc Shah cách chức Mossadegh và bổ nhiệm Zahedi đã được mọi người biết tới. Những bộ phận chủ chốt trong quân đội tập hợp lại để ủng hộ nhà vua trong khi các chiến binh và cảnh sát tiến hành đàn áp những người ủng hộ nhà vua. Mossadegh đã bỏ trốn qua bức tường phía sau khu vườn nhà ông và Tehran thuộc về những người ủng hộ nhà vua.
Tại khách sạn Excelsior ở Rome, một nhân viên điện tín lao tới chỗ nhà vua với bản tin có nội dung: "Tehran: Mossadegh đã bị lật đổ. Binh lính của nhà vua kiểm soát Tehran." Hoàng hậu bật khóc. Mặt nhà vua trở nên trắng bệch, sau đó, ông nói: "Tôi biết là họ yêu mến tôi". Trong niềm vui chiến thắng, Shah trở lại Tehran. Cuộc đảo chính bên bờ vực thất bại đã bất ngờ thành công. Đến cuối tháng 8 năm 1953, nhà vua trở lại với ngai vàng, thủ tướng mới đã được bổ nhiệm, còn Mossadegh bị bắt giam. Những bức tượng của cha nhà vua cũng được dựng lại.
Trong những năm sau đó, người ta sẽ còn tranh cãi nhiều về tầm quan trọng thực sự của cuộc hành quân Anh - Mỹ. Liệu hai cường quốc phương Tây này đã tạo ra cuộc đảo chính hay chỉ bôi trơn nó? Nhưng chắc chắn thời của Mossadegh đã hết. Điều mà CIA và MI6 đã làm là đóng vai trò quan trọng thúc đẩy cuộc đảo chính, cung cấp viện trợ tài chính và hậu cần, khuyến khích phe đối lập và thiết lập những mối quan hệ và cả mặc cả về lợi nhuận sau này. Cuộc hành quân Ajax thành công vì nó phù hợp với nguyện vọng của dân chúng và sự chống đối chế độ hiện tại cũng như sự thất vọng ngày càng tăng về Mossadegh, kẻ đã cố gắng thay đổi chế độ hiện tại bằng một chế độ khác mà trong đó ông là người nắm giữ quyền lực chứ không phải nhà vua và có thể rốt cục sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Liên Xô. Theo một trong những nhà lập kế hoạch cho cuộc hành quân Ajax, cuộc hành quân này tạo ra "ở Tehran một tình huống và một bầu không khí buộc người ta phải lựa chọn giữa thể chế có sẵn là chế độ quân chủ và một tương lai không chắc chắn mà Mossadegh mang lại". Mặc dù vậy, không ai dám bảo đảm rằng cuộc hành quân này chắc chắn sẽ thành công. Khi trở lại Washington, Kermit Roosevelt đã báo cáo trực tiếp lên Eisenhower và Eisenhower đã viết trong nhật ký của ông rằng cuộc hành quân Ajax "có vẻ giống một tiểu thuyết rẻ tiền hơn là một sự thật lịch sử".
"Một nhóm công ty"
Sau khi nhà vua lại lên nắm quyền, dầu của Iran có thể được tiếp tục sản xuất và quay lại với thị trường thế giới. Nhưng việc này sẽ được thực hiện như thế nào? Dĩ nhiên, Công ty Anh - Iran đã bị loại và việc để công ty này trở lại sẽ khiến cho những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Iran nổi giận. Theo lời một quan chức trong Bộ Năng lượng và điện của Anh, đối với London, đây là một câu hỏi "quá khó".
Rõ ràng là Washington sẽ đảm nhận việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề dầu lửa. Bộ Ngoại giao Mỹ đã thuê Herbert Hoover Con, đại sứ đặc biệt của Ngoại trưởng Dulles, để xem xét việc thành lập một liên minh gồm nhiều công ty để tiếp quản những lợi ích của Công ty Anh - Iran. Ngoài việc là con trai của cựu tổng thống, Hoover còn là một chuyên gia tư vấn có máu mặt về dầu lửa. Ông cũng không ưa gì người Anh. Giải pháp mà Hoover theo đuổi đã trở thành một công thức phổ biến của Mỹ, đồng thời cũng là một giải pháp mà Chính phủ Anh đã cân nhắc: một liên minh trong đó Công ty Anh - Iran được ngụy trang giữa nhiều công ty, trong đó có cả các công ty của Mỹ.
Tuy nhiên, các công ty dầu lửa của Mỹ, mà cụ thể là các "ông lớn", không mấy hào hứng khi dính líu đến Iran. Hoạt động khai thác dầu của họ tại các khu vực khác ở Trung Đông đang phát triển nhanh chóng. Các nhà sản xuất Arập, đang hài lòng vì tổng thu nhập tăng lên, thì không muốn sản lượng dầu hay thu nhập của họ bị giảm để nhường chỗ cho dầu Iran và rất có thể họ sẽ tìm cách cản trở các công ty dầu lửa. Bốn đối tác trong Aramco đã có thừa dầu ở Arập Xêút để đáp ứng nhu cầu trong tương lai gần và cũng đang đổ vào nước này những khoản đầu tư khổng lồ. Vậy có lý do gì khiến họ đầu tư vào Iran để có được lượng dầu mà họ không cần tới?
Không ai muốn dính líu với người Iran và liên quan đến tình hình chính trị bất ổn ở nước này? Một quan chức của Jersey nhớ lại: "Chẳng có gì bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không mất tất cả trong vòng vài tháng như trong quá khứ." Ông giải thích: "Không thể biết quốc gia này tồn tại được bao lâu nữa." Với những người theo chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo chính thống, những rủi ro chính trị chưa kết thúc. Việc Nga tiếp tục gây áp lực với Iran đã hình thành nên cái mà một đại diện của Công ty Standard California gọi là tình hình "ouchy".
Về phần mình, các quan chức Mỹ nhận thấy rằng lãnh đạo của các công ty dầu lửa không phải là những người dễ làm việc cùng. Giữa năm 1953, trong một bài phân tích dài về vấn đề dầu lửa ở Trung Đông, Richarch Funkhouser, nhà chiến lược dầu lửa cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ, đưa ra cho đồng nghiệp lời khuyên: "Điều tối quan trọng để tiếp cận thành công những nhà dầu mỏ là phải thận trọng và ngoại giao ở mức cao nhất. Họ có vẻ là những người rất nhạy cảm trước mọi hoạt động và điều đó cho thấy ngành công nghiệp này là không hoàn hảo… Cảm xúc, niềm tự hào, lòng trung thành và sự hoài nghi khiến họ khó lòng nhận ra sự thật."
Một loạt biện pháp ngoại giao mạnh đã được đưa ra nhằm thuyết phục các công ty dầu lửa của Mỹ làm điều mà họ đặc biệt không muốn làm − tới Iran và tìm cách giải quyết tình hình ở đây. Ngoài ra, các biện cứng rắn khác cũng được Washington áp dụng với sự hỗ trợ của London. Sau này, Howard Page, điều phối viên Trung Đông của công ty Jersey nói: "Nếu Chính phủ Anh và Mỹ không thực sự dùng các biện pháp tâm lý thì chúng tôi đã không quay trở lại." Bộ Ngoại giao Mỹ còn đưa ra lập luận rằng nếu tình hình dầu lửa Iran không biến chuyển, nền kinh tế nước này sẽ sụp đổ và Iran sẽ rơi vào tay Liên Xô theo cách này hay cách khác. Rồi sau đó, điều này sẽ đe dọa đến phần còn lại của khu vực Trung Đông, nhất là Arập Xêút, Côoét và Iraq cũng như quyền khai thác dầu tại các quốc gia này. Điều này đồng nghĩa với những rắc rối nghiêm trọng về thương mại: người Nga có thể đưa dầu Iran ra thị trường thế giới. Lý lẽ này đã thuyết phục các công ty Mỹ nhảy vào Iran. Sự tham gia này sẽ đem lại cho các công ty Mỹ một vị thế quan trọng, nếu không muốn nói là quyền kiểm soát tuyệt đối, đối với tốc độ sản xuất dầu lửa ở Iran.
Herbert Hoover Con, dừng chân tại London và nói với William Fraser rằng không có lựa chọn nào khác và Công ty Anh - Iran phải đi đầu trong vấn đề này. Hoover nói: "Ai trả tiền cho người chơi nhạc thì người đó có quyền mời khách đến buổi khiêu vũ." Sau đó, tháng 12 năm 1953, Fraser viết thư cho chủ tịch các công ty dầu lửa lớn của Mỹ, mời họ tới London thảo luận về việc thành lập một liên minh. Lời mời này chứng tỏ rằng Fraser đã thừa nhận thất bại. Các công ty Mỹ hờ hững nhận lời.
Trong bức thư gửi Ngoại trưởng Dulles, một Phó chủ tịch của công ty Jersey viết: "Theo quan điểm hoàn toàn mang tính chất thương mại, công ty của chúng tôi không có một lợi ích đặc biệt nào để tham gia một nhóm công ty như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi biết rất rõ những lợi ích an ninh quốc gia to lớn có liên quan. Do vậy, chúng tôi sẵn sàng tham gia ở một mức độ hợp lý." Nhưng trước khi Jersey và các công ty khác có thể làm được một điều gì đó, còn có một trở ngại khác phải vượt qua. Đó là một vấn đề khó xử nhất: Chính phủ Mỹ đang tiến hành một vụ kiện chống độc quyền đối với các công ty dầu lửa lớn, trong đó có những công ty được đưa vào liên doanh để giải quyết vấn đề Iran. Bộ Tư pháp lại một lần nữa bận rộn đẩy mạnh một vụ kiện chống lại những công ty vì tội "tham gia vào một các-ten dầu lửa quốc tế" và dính líu đến đúng loại quan hệ kinh doanh mà Bộ Ngoại giao đang xúc tiến cho Iran. Tóm lại, tình hình thật rắc rối và có lẽ vì thế, các công ty này sẽ không đủ nhiệt tình để tham gia vào một liên minh mà Washington mong đợi.
Vụ các-ten dầu lửa
Mâu thuẫn trong chính sách của Mỹ đối với các công ty dầu lửa đã xuất hiện nhiều lần. Thỉnh thoảng, Washington ủng hộ các công ty và sự mở rộng của họ, với mục đích thúc đẩy những lợi ích chính trị và kinh tế, bảo vệ các mục tiêu chiến lược và tăng cường thế lực của đất nước. Tuy nhiên, vẫn những công ty này lại là đối tượng của các cuộc tấn công chống lại "công ty dầu lớn" vì bị cho là tham lam, độc quyền, ngạo mạn và khéo che đậy. Trước đây, hai chính sách chưa bao giờ cùng xuất hiện trong một cuộc xung đột mạnh mẽ và có khả năng làm tê liệt các công ty như vào thời điểm hiện nay. Rất có thể xung đột này sẽ gây ra những hậu quả to lớn cả về kinh tế và chính trị.
Các luật sư chống độc quyền tại Bộ Tư pháp nghi ngờ về sự hợp tác giữa các công ty dầu lửa lớn. Họ cho rằng hệ thống xuất hiện dưới thời Harold Ickes để bảo đảm nguồn cung xăng dầu hiệu quả trong Chiến tranh thế giới thứ hai rõ ràng là một "sự tán thành chính thức nhanh chóng" đối với một các-ten trong thời gian trước khi cuộc chiến nổ ra. Họ xem xét Aramco và các thỏa thuận lớn khác về dầu lửa cuối những năm 1940 với thái độ thù ghét. Họ tìm kiếm bàn tay bí mật của gia đình Rockefeller và lờ đi những lời giải thích cho liên doanh với Aramco: những rủi ro về kinh tế và chính trị, nhu cầu vốn rất lớn để triển khai quyền khai thác dầu lửa, xây dựng một đường ống và một nhà máy lọc dầu cũng như hệ thống phân phối – và cú hích đáng kể của Chính phủ Mỹ. Các luật sư chống độc quyền không phải là những người duy nhất tại Washington nghi ngờ Aramco. Năm 1949, Ủy ban thương mại liên bang đã sử dụng quyền ra trát đòi hầu tòa để thu thập các tài liệu của công ty rồi đưa ra một nghiên cứu, phân tích rất chi tiết về các mối quan hệ quốc tế giữa các công ty dầu lửa. Đây là một nghiên cứu có tính chất bước ngoặt và đến nay vẫn được những người nghiên cứu ngành công nghiệp dầu lửa sử dụng.
Nghiên cứu này đưa ra một quan điểm rõ ràng, dứt khoát như được thể hiện ở tiêu đề của nó: Các-ten dầu lửa quốc tế. Một trong những chuyên gia dầu lửa hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ thời kỳ đó cho rằng nghiên cứu này có một "cách tiếp cận rất thiên kiến và không khách quan" trong việc giải thích những sự kiện phức tạp nhằm ủng hộ luận điểm chủ đạo rằng ngành công nghiệp dầu lửa quốc tế thực chất là một các-ten. Đặc biệt, nghiên cứu này làm sáng tỏ một ẩn ý cơ bản là trong thế giới của các-ten dầu lửa quốc tế: trong thế giới của Các-ten dầu lửa quốc tế, các công ty dầu lửa không phải thích nghi hay điều chỉnh theo những đòi hỏi của chính phủ – các chính phủ có xu hướng các-ten những năm 1930, các chế độ độc tài, Chính phủ Anh, Pháp và chính phủ các nước sản xuất dầu quanh năm suốt tháng chỉ muốn có thu nhập cao hơn và luôn luôn có thể hủy bỏ một quyền khai thác dầu.
Những người có trách nhiệm hoạch định chính sách đối ngoại của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và CIA sững sờ trước nghiên cứu của Ủy ban thương mại Liên bang. Họ tin rằng nghiên cứu này sẽ là một công cụ cho những ai cố gắng tìm cách làm suy yếu vị thế của phương Tây ở Trung Đông cũng như ở các khu vực khác. Theo Ủy ban cố vấn tình báo của Nhà Trắng, nó "sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác tuyên truyền của Liên Xô" và "sẽ thúc đẩy Liên Xô đạt được các mục tiêu trên khắp thế giới". Nghiên cứu này được đưa ra vào một thời điểm không thể tồi tệ hơn; Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh Triều Tiên và đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Iran. Mặt khác, những công ty đang là mục tiêu của Ủy ban thương mại liên bang lại chính là những công ty được huy động để bảo đảm cung cấp dầu có hiệu quả cho cuộc chiến tranh và bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung gây ra do việc đóng cửa hoạt động sản xuất dầu ở Iran.
Lo ngại những hậu quả xấu, chính quyền Truman đã xếp nghiên cứu này vào loại bí mật. Tuy nhiên, do thông tin bị rò rỉ, áp lực chính trị yêu cầu phải công bố nó ngày càng tăng, đặc biệt, khi cuộc bầu cử tổng thống năm 1952 sắp diễn ra. Cuối cùng, Truman cho phép một tiểu ban của Thượng viện xuất bản nó với một số đoạn đã bị cắt bỏ. Ảnh hưởng của bản nghiên cứu thật sâu rộng. Khắp nơi, từ Riyadh đến Caracas, đều có người đọc nó và không có gì ngạc nhiên khi nó đã trở thành chủ đề bình luận thậm chí trên cả các chương trình của Đài truyền thanh Baku tới khu vực Trung Đông.
Vài tháng trước khi được chính thức xuất bản, nghiên cứu của Ủy ban thương mại liên bang cuối cùng đã thuyết phục được các quan chức cấp cao trong Bộ Tư pháp tiến hành một vụ kiện hình sự chống độc quyền đối với cái được gọi là "sự thông đồng nguyên trạng". Lịch sử của "các-ten dầu lửa", theo tài liệu của Bộ Tư pháp, chứa đựng nhiều sai sót và những ám chỉ kỳ quặc. Chẳng hạn, "thị trường tại chỗ" lại được cho là tại "mức giá cao nhất trong lịch sử". Nghiên cứu ngụ ý rằng, rõ ràng chỉ là kết quả của những mưu đồ của "các-ten" và không có liên quan gì tới việc đóng cửa hoạt động sản xuất dầu và mất nguồn cung ở Iran hay chiến tranh Triều Tiên và sự bùng nổ kinh tế. Theo tài liệu của Bộ Tư pháp, không có một chính phủ nước ngoài nào đưa ra yêu cầu đối với các công ty dầu lửa; thậm chí còn không có cả Ủy ban đường ray Texas.
Đối với Bộ Ngoại giao, nghiên cứu của Ủy ban thương mại liên bang là một nghiên cứu tồi tệ; một cuộc điều tra hình sự kéo dài sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Việc thành lập một bồi thẩm đoàn có vẻ như sẽ gán cho các công ty tội vi phạm pháp luật, và một chiến dịch của Bộ Tư pháp sẽ không chỉ thúc đẩy các chính phủ khác, đặc biệt là chính phủ các nước Trung Đông, tiến hành truy tố các công ty dầu lửa mà còn hợp pháp hóa cuộc tấn công ấy. Cụ thể hơn, hành động truy tố sẽ làm cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Iran bằng việc đưa các công ty dầu lửa của Mỹ vào là không thể.
Tuy nhiên, vào tháng 6 năm 1952, Tổng thống Truman đã ủy quyền cho Bộ Tư pháp tiến hành một cuộc điều tra hình sự, thành lập danh sách bồi thẩm đoàn và các tài liệu đòi hầu tòa. Bộ Tư pháp Mỹ cũng muốn truy tố các công ty nước ngoài bao gồm Shell, Anh - Iran và CFP. Tất cả các công ty này đều là thành viên của Công ty dầu lửa Iraq. Họ cũng nhận được trát đòi ra hầu tòa và bị yêu cầu xuất trình các tài liệu. Chính phủ Anh cảm thấy bị xúc phạm; họ cho rằng những hành động của Bộ Tư pháp Mỹ là vi phạm chủ quyền và là những đòi hỏi không thể chấp nhận được. Theo quan điểm của London, bản thân vụ kiện rõ ràng là một điều ngu xuẩn vì nó không chỉ làm cho cuộc khủng hoảng Iran phức tạp thêm mà còn phá vỡ những mối quan hệ rộng rãi với các nước sản xuất dầu và đe dọa những lợi ích chiến lược cả về kinh tế và chính trị của phương Tây.
Tại một cuộc họp nội các vào tháng 9 năm 1952, Ngoại trưởng Anh Eden nhận định rằng nghiên cứu này giống như "bánh mì thiu" và là tác phẩm của "những kẻ lùng diệt người bị nghi là phù thủy". Ông nói thêm rằng, những gì mà Ủy ban thương mại liên bang công bố "có thể gây thiệt hại nặng nề cho lợi ích quốc gia". Chính phủ Anh đưa ra mệnh lệnh dứt khoát yêu cầu Công ty Anh - Iran và Shell không được hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào. Chính phủ Hà Lan cũng đưa ra hướng dẫn tương tự đối với bộ phận của Shell thuộc Hoàng gia Hà Lan. Chính phủ các nước Anh, Hà Lan, Pháp đều phản đối mạnh mẽ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ đang áp dụng một khái niệm mới và rộng hơn về chống độc quyền. Theo Đạo luật chống độc quyền Sherman, nếu các công ty có dính líu đến hoạt động các-ten bên ngoài Mỹ thì họ không vi phạm đạo luật này. Tuy nhiên, theo cách giải thích luật mới, các doanh nghiệp Mỹ bên ngoài Mỹ có thể bị buộc tội vi phạm luật chống độc quyền nếu có những hành vi "tác động" đến giá cả trong nước hoặc các khía cạnh khác của nền thương mại Mỹ.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc tấn công của Bộ Tư pháp Mỹ khiến các công ty dầu lửa của nước này không dám hợp tác và bước vào Iran mặc dù đã được Bộ Ngoại giao khuyến khích. Dù sao, Washington đã bật đèn xanh cho "những thỏa thuận lớn về dầu lửa" để liên minh Aramco, Công ty dầu lửa Côoét, Công ty dầu lửa Iraq có thể thỏa thuận lại các hợp đồng dài hạn với sự tham gia của Jersey, Socony và Công ty Anh - Iran trên cơ sở "phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ," theo một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1947. Giờ đây, Bộ Tư pháp lại đang chuẩn bị buộc tội các công ty này phạm tội thông đồng vào đúng thời điểm Bộ Ngoại giao đang nỗ lực thuyết phục họ tham gia liên minh dầu lửa ở Iran – một liên minh chắc chắn sẽ làm cơn giận dữ của Bộ Tư pháp trở nên đáng sợ hơn vào thời gian sau đó.
Lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra ở Iran và đối với các mục tiêu chung trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Dean Acheson ra sức kêu gọi Bộ Tư pháp dừng tay. Được Bộ trưởng Quốc phòng Robert Lovett và tướng Omar Bradley hỗ trợ, Acheson tìm cách thuyết phục Tổng chưởng lý James McGranery hủy cuộc điều tra hình sự. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông không đem lại kết quả nào. Tổng thống Truman mới là người đưa ra quyết định có tiến hành vụ kiện hay không. Thời gian còn lại rất ít. Eisenhower đã thắng cử vào tháng 11 năm 1952 và những tuần cuối cùng của chính quyền Truman đang trôi qua nhanh chóng.
Harry Truman sẽ quyết định như thế nào? Ông cũng có hiểu biết nhất định về lĩnh vực dầu lửa. Khi còn trẻ, Truman từng làm trong một công ty có những ý định đầu tư táo bạo. Khi đó, động cơ thúc đẩy ông là một giấc mơ bình thường về vận may và sự giàu có. Tuy nhiên, giấc mơ đó không thành hiện thực và ông bị mất tiền. Ngược đời thay, một tập đoàn mua hợp đồng của Truman đã nhanh chóng phát hiện ra một mỏ dầu lớn và sau này, Truman đôi khi vẫn trầm ngâm suy nghĩ về những điều có thể đã xảy ra nếu ông và các đối tác của mình phát hiện ra dầu. Có lẽ ông đã trở thành một triệu phú dầu lửa thay vì một tổng thống. Truman vẫn giữ thái độ nghi ngờ và chỉ trích đối với các công ty dầu lửa lớn; ông từng giữ ghế chủ tịch Ủy ban Thượng viện, cơ quan đã phê phán Jersey về mối quan hệ với I. G. Farben trong thời gian trước chiến tranh, năm 1942. Tuy nhiên, dù quan điểm dân kiểm của Truman hướng về đâu, quan niệm của ông về đúng, sai và những gì là tốt cho nền chính trị trong nước ra sao, ông vẫn cho rằng có những rủi ro quá lớn. Iran là một quốc gia khiến ông cảm thấy lo lắng. Một lần, trong một cuộc thảo luận về chiến tranh Triều Tiên, Truman chỉ vào Iran trên quả địa cầu và nói với một trợ lý: "Đây là nơi sẽ gây ra rắc rối nếu chúng ta không thận trọng. Nếu chúng ta chỉ đứng nhìn, họ sẽ tiến đến Iran và chiếm toàn bộ Trung Đông". "Họ" ở đây chính là Liên Xô.
Ngày 12 tháng 1 năm 1953, chưa đầy hai tuần trước khi rời ghế tổng thống, Truman công bố quyết định của ông. Cuộc điều tra hình sự bị hủy và được thay thế bằng một cuộc điều tra dân sự. Chính quyền Eisenhower đã tiến hành vụ kiện dân sự vào tháng 4 năm 1953, buộc tội năm công ty dầu lửa của Mỹ về tội "phối hợp và thông đồng bất hợp pháp để cản trở các hoạt động thương mại liên bang và ngoại thương của Mỹ đối với dầu và các sản phẩm dầu mỏ". Theo L. J. Emmerglick, một luật sư chống độc quyền cao cấp, lý do duy nhất khiến Bộ Tư pháp không tiến hành vụ kiện hình sự là "quyết định đã được cân nhắc của hai tổng thống, hai ngoại trưởng, các đại diện của họ, hai Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng liên quân, Cục tình báo trung ương và một số thành viên nội các cũ".
Để thực hiện quyết định của chính quyền mới, Ủy ban an ninh quốc gia đã gửi cho Tổng chưởng lý một chỉ thị: "Việc áp dụng luật chống độc quyền của Mỹ lên các công ty phương Tây đang hoạt động có thể được coi là thứ yếu so với lợi ích an ninh quốc gia." Một điều chắc chắn là các công ty dầu lửa này sẽ không tham gia vào liên minh dầu lửa tại Iran trừ phi họ có được một bảo đảm cụ thể rằng chính quyền của tổng thống mới sẽ không tiến hành một vụ kiện chống lại họ như chính quyền cũ đã từng làm. Tháng 1 năm 1954, cả Tổng Chưởng lý và Hội đồng an ninh quốc gia cùng đưa ra bảo đảm rõ ràng như vậy. Theo Tổng chưởng lý Herbert Brownell của chính quyền Eisenhower, kế hoạch cho việc thành lập liên minh dầu lửa Iran mới "sẽ không vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ".
Xây dựng Công-xooc-xiom dầu lửa
Những nỗ lực thực sự nhằm xây dựng một Công-xooc-xiom mới giữa các công ty dầu lửa phương Tây cho hoạt động tại Iran đã bắt đầu. Đây sẽ là biểu hiện tuyệt vời của chính sách ngoại giao đa phương diện. Ngoài Công ty Anh - Iran, tham gia liên minh còn có bốn công ty thuộc Aramco – Jersey, Socony, Texaco và Standard California, cùng với Gulf – đối tác của Công ty Anh - Iran tại Côoét, Shell – đối tác của Gulf ở Côoét, và công ty CPF của Pháp. Bảy công ty kể trên đủ tư cách trở thành thành viên của liên minh được Chính phủ Mỹ và Anh tích cực ủng hộ này là vì họ là thành viên của các liên doanh sản xuất dầu tại Trung Đông và chịu trách nhiệm cùng với Công ty Anh - Iran về phần lớn hoạt động sản xuất dầu ở đây. Trong suốt những năm dầu Iran vắng mặt trên thị trường thế giới, sản lượng tại các quốc gia láng giềng đã tăng lên nhanh chóng và những ai quan tâm đều nhận thấy rõ ràng lẽ ra nó phải bị kiềm chế để dành thị phần cho Iran khi nước này xuất khẩu dầu trở lại. Cách duy nhất bảo đảm sự đồng thuận của tất cả bảy công ty là dành cho mỗi công ty trong số đó một phần cổ phần trong liên minh mới.
Thậm chí, trước khi tình hình ở Iran được giải quyết, cũng còn phải xoa dịu các quốc gia sản xuất dầu lửa láng giềng. Các đối tác trong Aramco tới gặp vua Ibn Saud già nua để làm việc rất tế nhị là giải thích tại sao họ phải dùng dầu Iran, và nhờ thế sẽ giảm tốc độ tăng sản lượng của Arập Xêút xuống. Đại diện các công ty này cho biết họ sẽ tham gia vào liên minh dầu lửa Iran "chỉ vì có nguy cơ xảy ra lộn xộn trong khu vực nếu chúng tôi không làm vậy". Họ hành động không phải vì muốn có thêm dầu lửa, và vì đây là "một vấn đề chính trị, theo yêu cầu từ phía chính phủ chúng tôi". Ibn Saud hiểu điều đó. Những lợi hại về chính trị đã rõ ràng: Iran có thể sẽ đi theo cộng sản, và điều đó có thể kéo theo những hiểm họa cho Arập Xêút. Các đối tác trong Aramco nên tiến tới, nhà vua nói. Nhưng ông đưa ra một cảnh báo quan trọng: "Trong bất kỳ trường hợp nào, các ông cũng không được vượt quá giới hạn đã đặt ra để thỏa mãn những yêu cầu đối với việc này."
Các công ty này đã cử một phái đoàn tới Tehran để đàm phán với người Iran. Cuộc đàm phán này lại trở thành một trong những cuộc đàm phán không biết bao giờ mới kết thúc bởi các vấn đề, các định nghĩa và các mục tiêu luôn bị thay đổi. Mặc dù Mossadegh đã mất quyền và các quan chức Iran rất muốn vực dậy hoạt động xuất khẩu dầu lửa, nhưng họ không muốn làm tổn hại đến chủ quyền của Iran hoặc đánh đổi nó lấy những lợi ích kinh tế. Hơn nữa, Shah và các nhà đàm phán của ông có cùng một nỗi sợ hãi có cơ sở: một cuộc nổi dậy khác, và họ sẽ bị trục xuất khỏi đất nước – hoặc thậm chí cả những điều tồi tệ hơn thế. Do vậy, họ rất cứng rắn và kiên quyết.
Mệt mỏi và mất hết hy vọng, đoàn đàm phán chuẩn bị quay về London. Tuy nhiên, một số thành viên trong đoàn vẫn ở lại Tehran, để làm "con tin", như họ nói đùa. Howard Page của Jersey dẫn đầu đoàn đàm phán trở lại Tehran vào tháng 6 năm 1954. Cuối cùng, ngày 17 tháng 9 năm 1954, Page, người giữ vai trò trung tâm ở các công ty này, và Bộ trưởng Tài chính Iran đã ký tắt vào một thỏa thuận giữa liên minh và Công ty dầu lửa Iran. Ngày 29 tháng 10 năm 1954, bản thỏa thuận được Shah phê chuẩn. Ngày hôm sau – ba năm sau cuộc rút lui nhục nhã của người Anh khỏi nhà máy lọc dầu Abadan – đã diễn ra một buổi lễ ở Abadan. Trong khi Page và Bộ trưởng Tài chính Iran đọc diễn văn, dầu bắt đầu chảy vào những tàu chở dầu đang đợi sẵn. Tàu đầu tiên rời cảng là tàu British Advocate thuộc sở hữu của Công ty Anh - Iran. Ngành công nghiệp dầu lửa của Iran đã hoạt động trở lại.
Việc thành lập liên minh dầu lửa này là một trong những bước ngoặt lớn của ngành công nghiệp dầu lửa. Khái niệm về quyền khai thác dầu thuộc sở hữu của người nước ngoài lần đầu tiên được thay thế bằng đàm phán và thỏa thuận. Những gì đã diễn ra ở Mexico là sự sung công theo mệnh lệnh. Nhưng tại Iran, lần đầu tiên tất cả các bên đã công nhận rằng, về nguyên tắc, dầu lửa là thuộc về Iran. Theo thỏa thuận mới, Công ty dầu lửa quốc gia Iran sẽ nắm quyền sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa và các cơ sở sản xuất dầu của nước mình. Tuy nhiên, trên thực tế, công ty này không thể ra lệnh cho liên minh kia phải làm những việc gì. Với tư cách là một đại lý theo hợp đồng, liên minh dầu lửa sẽ quản lý ngành công nghiệp dầu lửa của Iran và mua toàn bộ sản lượng dầu khai thác được. Mỗi công ty trong liên minh sẽ tiêu thụ lượng dầu được chia theo phần của mình thông qua hệ thống tiếp thị độc lập của công ty đó.
Mặc dù bị xem nhẹ, Công ty Anh - Iran vẫn là đối tác hàng đầu, vì sở hữu 40% giá trị của liên minh. Shell nắm giữ 15% và mỗi công ty trong số năm công ty lớn của Mỹ ban đầu nắm giữ 5%, còn 6% thuộc về công ty CFP.
Vài tháng sau, liên minh này đã áp dụng một hình thức tổ chức có đôi chút khác biệt so với ban đầu. Theo sự sắp đặt trước đó với Chính phủ Mỹ, mỗi công ty Mỹ bỏ ra 1% giá trị liên doanh để tạo thành một thực thể mới có tên là Iricon – một dạng "liên minh nhỏ" trong một liên minh lớn hơn. Liên minh này bao gồm chín công ty dầu lửa độc lập của Mỹ, trong đó có Phillips, Richfield, Standard của Ohio và Ashland. Chính phủ Mỹ nhất định yêu cầu các công ty này tham gia liên minh vì lý do chính trị và chống độc quyền. Nếu không có sự góp mặt ấy, liên minh có lẽ đã không thể vượt qua những khó khăn do chính trị Mỹ gây ra. Sau này, Howard Page có lần nói đùa rằng người ta cảm thấy là "vì mọi người luôn ba hoa về vấn đề này nên tốt hơn hết là chúng tôi nên đưa vào đó một vài công ty độc lập". Người Anh rất giận dữ trước toàn bộ ý tưởng này. Một quan chức Anh từng có vai trò khá quan trọng trong các cuộc đàm phán nhớ lại: "Chúng tôi không biết những công ty độc lập đó là những công ty nào. Chúng tôi không cho đó là những công ty tiếng tăm. Chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ làm hỏng kế hoạch tại Trung Đông theo nhiều cách và họ không phải là loại người để hợp tác". Nhưng người Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận yêu cầu của Mỹ.
"Liên minh nhỏ" là một liên minh mở đối với bất kỳ công ty độc lập nào của Mỹ có khả năng tài chính đã được công ty kiểm toán Price Waterhouse kiểm tra và chứng nhận. Tuy nhiên, để xoa dịu cơn giận của Chính phủ Anh, Bộ Ngoại giao Mỹ bảo đảm với London rằng Price Waterhouse sẽ đảm nhận "trách nhiệm quản lý việc đưa các công ty độc lập vào liên minh" và nghiêm chỉnh hứa rằng "chỉ những công ty độc lập tốt và đáng tin cậy" mới được phép gia nhập liên minh. Với việc thành lập liên minh dầu lửa Iran, Mỹ giờ đây là chủ trò trong lĩnh vực dầu lửa và nền chính trị đầy biến động ở khu vực Trung Đông. Mặc dù sự gián đoạn nguồn cung do những rắc rối chính trị ở Iran đã được giải quyết dễ dàng hơn nhiều so với dự đoán, một số người vẫn lo ngại về hậu quả của sự phụ thuộc ngày càng tăng vào dầu Trung Đông. Vài tháng sau khi Mossadegh bị lật đổ và Quốc vương Iran trở lại ngai vàng, Loy Henderson, Đại sứ Mỹ tại Tehran đồng thời là cựu trợ lý ngoại trưởng về vấn đề Trung Đông, đã suy nghĩ kỹ về vấn đề này. Ông không tin sự biến mất hoàn toàn của Mossadegh đồng nghĩa với việc những rủi ro dài hạn đã được loại trừ, đặc biệt là những rủi ro về an ninh nguồn cung dầu lửa. Năm 1953, ông dự đoán: "Gần như chắc chắn rằng đến một lúc nào đó trong tương lai… các quốc gia Trung Đông… sẽ hợp tác với nhau và quyết định những chính sách hợp nhất có thể gây ra những tác động khủng khiếp đối với hoạt động của các công ty này. Sự phụ thuộc tiếp tục gia tăng của phương Tây vào dầu Trung Đông rốt cục sẽ khiến hành vi của người tiêu dùng tại phương Tây bị các nước này quyết định."
Vụ kiện chống độc quyền chống lại các công ty dầu lửa tiếp tục gặp khó khăn. Việc Tổng chưởng lý thông qua liên minh dầu lửa Iran đã giúp các hoạt động sản xuất chung ở thượng nguồn như Aramco thoát khỏi tầm ngắm của các cuộc tấn công chống độc quyền. Do đó, vụ kiện trên đã thu hẹp lại, chỉ nhằm vào các hoạt động hạ nguồn, bao gồm tiếp thị và phân phối. Kết quả là, đến đầu thập niên 1960, Starvac, công ty liên doanh giữa Jersey và Socony ở Viễn Đông, bị giải thể. Hệ thống hạ nguồn của Caltex ở châu Âu thuộc sở hữu chung của Socal và Texaco cũng bị giải thể vì những lý do thương mại. Mặc dù ngày càng có nhiều công ty độc lập và các công ty dầu lửa quốc gia gia nhập thị trường thế giới, cho tới tận năm 1968, Chính phủ Mỹ mới chịu chấm dứt vụ kiện này. Vào thời điểm đó, liên minh dầu lửa đã hoạt động được gần một thập kỷ rưỡi tại Iran.
Về phần mình, Công ty dầu lửa Anh - Iran làm người ta ngạc nhiên vì đã thoát khỏi những rắc rối ở Iran. Từ đầu đến cuối, công ty này luôn đòi được bồi thường cho những tài sản đã bị quốc hữu hóa của mình như một phần của bất kỳ một thỏa thuận liên minh nào. Những đòi hỏi của một người keo kiệt và ngoan cố như William Fraser đã khiến cho những người có nhiều kinh nghiệm trong thương thuyết của chính phủ hay doanh nghiệp phải nổi cáu. Nhưng sự kiên trì của Fraser cuối cùng đã có kết quả, mặc dù khoản bồi thường là do các thành viên của liên minh dầu lửa trả, bởi phía Iran dứt khoát cho rằng mình không nợ công ty này bất cứ thứ gì. Các công ty đã trả trước cho Công ty dầu lửa Anh - Iran 90 triệu đô-la cho quyền sở hữu 60% mà công ty đã phải từ bỏ. Ngoài ra, Công ty Anh - Iran sẽ nhận được một khoản tiền nhượng quyền khai thác là 10 xu/thùng dầu đối với toàn bộ sản lượng do liên minh kiểm soát, cho tới khi nào công ty đã nhận được khoản tiền tương đương 500 triệu đô-la. Do đó, dù sự quốc hữu hóa đã chính thức được công nhận và dù Iran sở hữu nguồn tài nguyên và ngành công nghiệp dầu lửa của mình, các công ty khác vẫn phải trả cho Công ty Anh - Iran tiền bồi thường để có được quyền tiếp cận nguồn dầu lửa của Iran. John Loudon, Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn Royal Dutch/Shell nói: "Đó là một thỏa thuận tuyệt vời cho Fraser, thỏa thuận tuyệt vời nhất mà William Fraser từng đạt được bởi xét cho cùng, Công ty Anh - Iran trên thực tế chẳng có gì để bán và đã bị quốc hữu hóa."
Còn người đàn ông già nua nóng tính đóng vai trò chính trong cuộc khủng hoảng Iran đã có một kết cục không mấy tốt đẹp. Mohammed Mossadegh bị Shah đem ra xét xử. Trước tòa, ông hùng hồn tự bào chữa nhưng vẫn phải ngồi tù ba năm. Những ngày tháng còn lại trong đời, Mossadegh được hưởng án treo tại điền trang riêng và tiếp tục tiến hành các thí nghiệm về thuốc vi lượng đồng căn, gần giống như những gì ông đã làm ba thập kỷ trước đó. Trong khi đó, thu nhập từ dầu lửa ngày càng cao đã biến vị vua trẻ vốn thiếu tự tin nhưng giờ đã ngồi vững trên ngai vàng của Iran, thành một hoàng đế quyết đoán, tự phụ và có những tham vọng toàn cầu.
(Còn tiếp)
Nam Hà (giới thiệu)