‘Nhụy khúc’: Cuộc điều tra về kí ức và sự quên
Nếu đúng như Milan Kundera nói, khi đối mặt với sự quên, tiểu thuyết là một lâu đài có “hệ thống phòng vệ vô cùng thảm hại” thì có lẽ nhà văn trẻ Đinh Phương với “Nhụy khúc” đang cố gắng chống lại điều đó bằng cách từ bỏ nỗ lực xây dựng hệ thống phòng vệ ấy.
Lược khỏi bề mặt câu chuyện tầng tầng lớp lớp những chi tiết, sự kiện, điểm mốc thời gian, mô tả cụ thể về không gian, phác họa về tiểu sử nhân vật, Nhụy khúc chỉ còn lại vài mẩu dữ kiện phân mảnh bị che phủ bởi màn sương dày đặc của kí ức, nỗi đau cá thể, các mối liên hệ rời rạc và không ngừng bị xoáy vào lực hút của sự quên.
Có bốn cái tên nhân vật xuất hiện trong Nhụy khúc: Trang và Vũ, Hà - tên bố Vũ, Yến - tên mẹ Vũ, nhưng hai cái tên ấy gần như treo lơ lửng trong câu chuyện, không có dòng chảy, cũng không có diễn tiến. Cả câu chuyện, Vũ chỉ là một hình hài đã chết qua kí ức của Trang. Cái chết của Vũ và kí ức của Vũ sống trong kí ức của Trang, nhờ kí ức đó mà nương náu.
Câu chuyện của Trang là một chuỗi những câu hỏi: Vì sao Vũ chết? Người đàn ông Vũ nhờ Trang đi tìm là ai? Trong mê cũng những con ngõ của phố, những người lính Pháp và người dân năm xưa đã biến mất như thế nào, bây giờ họ đi đâu? Người nằm dưới ngôi mộ mẹ vẫn dẫn Trang lên thăm mỗi đầu thu là ai? Cỏ nhụy khúc là loài cỏ gì?
Tiểu thuyết "Nhụy khúc". |
Tên địa danh duy nhất - phố Chìa - hóa ra là một cái tên dân gian. Lịch sử của phố Chìa, cảng Chìa cũng đã biến mất vào cõi tăm tối của sự lãng quên. Kí ức về nó gắn liền với không là gì khác ngoài sự mơ hồ, huyền hoặc, với phảng phất cảm nhận về nỗi đau mất mát và chia li. Ngay cả nỗi đau đó cũng trở nên mơ mơ hồ hồ, như có như không.
Cho đến cuối cùng, Nhụy khúc hồ như không có câu trả lời chung cục, tức là không có cái kết. Ngay cả con đường lên núi mà nhân vật nữ tưởng mình vẫn nhớ nằm lòng, rút cùng lại để cho sự quên nuốt mất. Ngoài một sự kiện thực tế ít ỏi là nhân vật nữ mãi mãi rời bỏ thị trấn quê nhà, nơi giờ đây có người bố đã hóa điên, thì những câu hỏi ấy vẫn bám riết lấy nhân vật và rồi bám riết cả người đọc.
Có lẽ nào, việc từ chối trả lời những câu hỏi là một phương cách để người viết khiến câu chuyện trở thành ám ảnh?! Ở điểm này, tác giả Đinh Phương đã có một sự tinh tế riêng. Một kiểu bố cục giải “bố cục”, một sự khuyết thiếu khiến kí ức bộn bề của độc giả phải lưu giữ giữa ngồn ngộn những dòng chảy sự kiện, những câu chuyện đầu cuối tươm tất, đẹp đẽ.
Nhưng nếu vậy thì rút cùng, Nhụy khúc có gì?
Thực ra, Nhụy khúc là một câu chuyện chối bỏ diễn tiến của sự kiện. Mang trên mình định danh tiểu thuyết, song Nhụy khúc hướng tới hình thức của một bài thơ trữ tình. Trong đó đầy những lặp lại, biến tấu, ám chỉ, tượng trưng, đẩy những chi tiết nhỏ lên thành những điểm quan trọng, đẩy lùi sự ngạo mạn của những sự kiện ngày tháng chính xác hay những cái tên được đi vào lịch sử.
Không phải một câu chuyện có hồi kết là mục đích rốt ráo của sự kể, mà chính là kí ức. Nhụy khúc có lẽ là một cuộc điều tra về kí ức và sự quên. Kí ức về cảnh đốt sách của người hàng xóm sống trong Vũ. Kí ức về bố mẹ sống trong Trang. Kí ức thuộc về Vũ sống trong kí ức của Trang. Kí ức về lịch sử sống trong dân gian. Kí ức về lịch sử trong những nhân chứng sống. Đi đến cùng, kí ức hóa ra cũng chơi trò chơi hoán vị và dị bản. Dị bản kí ức của Vũ về cảnh đốt sách nhuốm màu bi tráng khác với dị bản kí ức nhuốm màu bi hài kịch đời sống của Trang.
Nhà văn trẻ Đinh Phương sinh năm 1989, từng đạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014. |
Tra vấn quá khứ của một con người song hành với tra vấn một lịch sử, sự biến mất của một lịch sử cùng sự biến mất của một con người, Nhụy khúc đồng thời tra vấn mức độ đáng tin cậy của kí ức. Kí ức, thay vì là một đám tro tàn, nó là một thực thể sống, một hình hài không chết cứng trong những sự kiện lịch sử mà phả hơi thở vào đời sống cá nhân. Và cùng với hấp lực của sự quên, kí ức cũng chỉ là một ảo ảnh do cá thể tạo dựng, đồng thời là một biến tấu do lịch sử viết nên.
Kí ức vốn có về thể loại cũng trở nên mờ hồ trong Nhụy khúc. Người viết mượn một chút hiện thực huyền ảo, một chút dòng ý thức, lại phản trinh thám, nhưng cuối cùng vẫn không thể đặt tác phẩm vào một ngăn phân loại nào. Nhụy khúc chối bỏ sự định danh thể loại.
Chối bỏ nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ của tiểu thuyết chống lại sự lãng quên, nhưng đồng thời Nhụy khúc lại mượn hình thức của thơ - “một pháo đài của kí ức”, có lẽ khát vọng của người viết không chỉ là đem đến một tiếng nói lạ, mà là một tiếng nói đủ sức âm vang, đủ sức định hình “một kí ức” trong tâm trí độc giả.
Văn chương của cuốn tiểu thuyết đẹp và giàu nhạc điệu như một bài thơ. Chỉ xét riêng ở góc độ này, Nhụy khúc cũng đã thỏa mãn khoái cảm của việc đắm chìm vào những con chữ, một cách thuần túy và tinh khiết, không tính toán, không vụ lợi, không truy tìm ý nghĩa sâu xa.
Nửa đầu năm 2016, tiểu thuyết Nhụy khúc và tập truyện ngắn Đợi đến lượt lần lượt xuất hiện đã đưa cái tên Đinh Phương đến gần hơn với độc giả văn học Việt Nam đương đại, sau tập truyện ngắn đầu tay Những đứa con của chúa trời xuất bản năm 2014.
Một tác giả trẻ đăng đàn, có lẽ không có mong muốn gì hơn ngoài việc khiến cho độc giả đương đại nhớ đến tên mình, đọc và ghi nhớ câu chuyện của mình. Và câu chuyện ấy có thể lưu lại trong kí ức độc giả về sau lâu bền chừng nào hay chừng ấy.
Nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Nhụy khúc” của nhà văn trẻ Đinh Phương, Công ty sách Tao Đàn gửi tặng độc giả báo PetroTimes 5 cuốn. Email đăng ký nhận sách xin vui lòng để tiêu đề “Tặng sách Nhụy khúc'' gửi kèm thông tin địa chỉ, số điện thoại và số chứng minh thư của bạn tới địa chỉ [email protected]. Sau một tuần, BBT sẽ email hoặc điện thoại trực tiếp để thông báo đến độc giả may mắn nhận được sách. |
‘Sophie và tên khổng lồ’: Từ sách lên phim Góp phần làm nên thành công cho bộ phim “The BFG - Chuyện chưa kể ở xứ sở khổng lồ” đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc chính là tác phẩm “Sophie và tên khổng lồ” của nhà văn Roald Dahl. |
'Cô gái viết nỗi cô đơn’: Lời 'thú tội' của nhà văn Shin Kyung-sook là cái tên đã quen thuộc với độc giả Việt Nam qua những cuốn sách gây nhiều đồng cảm như “Hãy chăm sóc mẹ”, “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi”. Lần này, độc giả một lần nữa được thổn thức với cô qua tác phẩm mới xuất bản - “Cô gái viết nỗi cô đơn”. |
‘Xứ tuyết’: Mối tình bi thương giữa miền tuyết trắng Là kiệt tác của văn hào Nhật Bản Yasunari Kawabata, “Xứ tuyết” góp phần tôn vinh Kawabata hơn cả trong giải Nobel văn chương 1968. Tác phẩm kể về mối tình bi thương, lấp lánh và đẹp đẽ trên nền băng tuyết trắng xóa. |
Yên San