Kỳ 2: Cha Việt con Mỹ còn nợ nhau ở ‘tiền kiếp’?
(PetroTimes) - Tổ sư Phước Huệ được kỹ sư ở Mỹ nhận làm cha của “tiền kiếp”. Hai thân phận người ở nửa vòng trái đất phải chăng mắc nợ nhau và gặp nhau để trả nợ ở kiếp “lai sinh”?
Tổ sư Thích Phước Huệ. |
Việc kỳ diệu này đã diễn ra vào ngày chủ nhật 27 tháng 4 năm 1958, lúc 4h30 chiều. Để rồi, hai tuần sau, một buổi lễ quy y cho viên kỹ sư Hoa Kỳ Frank M.Balk đã được tổ chức tại chùa Hải Đức. Sư Phước Huệ ban cho đệ tử mình pháp danh là Chơn Trí. Đồng thời, cũng ban cho đệ tử một chiếc áo tràng màu lam và chiếc quần dài màu nâu sòng.
Sau đó, “hai cha con” đã chụp chung một tấm ảnh kỉ niệm ngày hội ngộ. Tấm ảnh này đã được phóng lớn và treo ở hai ngôi chùa cùng tên là Hải Đức, một ở Nha Trang và một ở Huế. Ngày nay, du khách đến Nha Trang hay Huế, nếu ghé thăm hai ngôi chùa Hải Đức nói trên ắt sẽ thấy tấm ảnh treo ở nhà khách của chùa.
Nhìn tấm ảnh, ai cũng ngạc nhiên thấy sự trùng hợp lạ lùng về hai con người xa lạ. Người góc biển, kẻ chân trời nhưng lại có hai gương mặt, từ mắt, mũi, miệng, tai… cho đến cả khuôn mặt đều giống nhau như tạc.
Lại dưới tấm ảnh còn đề hai hàng chữ một bằng tiếng Pháp, một bằng tiếng Việt, như sau: Le fils perdu et retrouvé. Dimanche, le 27 Avril 1958, 4h30. Và: Đứa con mất đã tìm lại được. Chủ nhật 27-4-1958 – 4h30 chiều.
Trong khoảng thời gian đó, khi còn công tác tại Việt Nam, viên kỹ sư này đã vẽ kiểu và xây dựng một ngôi bảo tháp bên cạnh chùa Hải Đức nói trên. Câu chuyện “người cha tiền kiếp” này loan truyền khắp miền Nam, khiến chính quyền Ngô Đình Diệm – hết sức lo lắng.
Chính quyền họ Ngô đã tìm mọi cách tác động để chính quyền Hoa Kỳ phải triệu hồi kỹ sư Frank M.Balk về nước gấp. Cuộc chia ly thật vô cùng cảm động. Hai cha con nắm chặt tay nhau, rưng rưng nước mặt. Tình đời ý đạo, nói khôn cùng.
Từ đó, Frank M.Balk vẫn thường xuyên liên lạc với sư Phước Huệ.
Vào ngày rằm tháng tư năm 1963, sư Phước Huệ viên tịch. Nhà chùa có đánh điện qua báo tin cho viên kỹ sư, nhưng vào thời gian này, miền Nam đang nổ ra cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo nên việc trở lại Việt Nam để dự đám tang người cha tiền kiếp của viên kỹ sư Mỹ là bất khả. Nhưng dù sao…
Quả là: “nhưng dù sao”… thực. Vì chưng cuộc hội ngộ tương phùng của hai cha con, một Việt một Mỹ, một tăng một tục này dù muốn dù không cũng đã khắc một dấu ấn tuyệt vời lên cõi tâm linh Việt. Những người Việt ta, ai đã có nhân duyên chứng kiến chuyện này hoặc nghe biết chuyện này, thảy đều cảm nhận được một niềm hoan hỉ mang tính thiền duyệt, do thỏa mãn được niềm tin về chánh pháp, về đạo lý luân hồi.
Câu chuyện “người cha tiền kiếp” trên đây quả là đầy đủ ý vị: vừa đạo vị, vừa thi vị. Câu chuyện lại đầy đủ nhân chứng, vật chứng đáng cho người tin cậy. Nay nếu chuyện từ “sự” qua “lý” mà nói, thì ta cũng có thể thấy rằng nội dung câu chuyện còn rất phù hợp với cái gọi là “lý chứng”.
Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ đến hai câu đối chữ Nho như sau:
Mai hương bất cập thi hương viễn,
Thế vị vô như đạo vị trường.
Có nghĩa là:
Mùi hương của hoa mai không thoảng xa bằng mùi hương của thơ, ý vị của đời không thấm thía bằng ý vị của đạo.
Qua câu chuyện “người cha tiền kiếp” trên, chúng ta, vô hình trung, có thể bắt gặp cái ý thâm túy của hai câu thơ vừa dẫn. Về câu “mai hương bất cập thi hương viễn” thì không cần nói tới ở đây, bởi chưng cái vai tuồng của câu này chỉ để “dẫn đường” thôi: câu hai mới là câu “trọng tài”. Rằng: vị đời khôn sánh bằng vị đạo…
Với trường hợp của câu chuyện “Người cha tiền kiếp”, thì vị đạo nó nằm ở trong mối tình cha con của sư Thích Phước Huệ và chàng Frank M.Balk vậy. Bởi chưng cái mối tình cha con của họ, những người sống lặng về tâm linh, hiển nhiên phải có một cái gì đó sâu đậm hơn các mối tình cha con thông thường khác. Ấy là vì: đạo vị vốn “trường” hơn, sâu lắng đậm đà hơn thế vị - vị đời.
Chính cái tính cách sâu đậm đà này mà trong kiếp lai sinh xảy ra vào thời điểm cuối thế kỷ thứ 19 kể trên, chàng Frank M.Balk mới để hồn phách mình mở ngõ mà lắng nghe được những tiếng gọi siêu thanh của sư Phước Huệ, “người cha tiền kiếp”, nay đang hiện hữu trên đời, cách nửa vòng trái đất; để rồi, theo quy luật “tương ứng tương cầu”, mọi sự đã xảy ra…
Điểm khác lạ là ở đó, mà điểm tương đồng cũng ở đó. Thì cũng vì chữ Ái làm động cơ tạo nên nghiệp lực để đẩy guồng máy luân hồi đó thôi. Có điều là thay vì là si ái, thì đây là từ ái, là hiếu ái, một niềm ái thật trong lành, nó giúp con người tinh tấn…
Trên đây, chúng ta đã đề cập đến một số trường hợp tiêu biểu cho tình trạng luân hồi do chữ Ái. Nay để thay đổi không khí, chúng ta thử chuyển đề tài. Từ chữ Ái, chữ Ân, chúng ta thử chuyển qua chữ Ố, chữ Oán. Qua một câu chuyện lân hồi chuyển kiếp tất nhiên cũng “người thực việc thực”, lại rất, rất đặc thù.
Chuyện ‘tiền kiếp’ vua Thần Tông nhà Minh (PetroTimes) - Mẩu chuyện “ly kỳ về tiền kiếp của vua Thần Tông nhà Minh” có liên quan đến nước Việt Nam rất đáng để chúng ta lưu ý. |
Chuyện luân hồi vùng Bảy Núi (Kỳ 2) (PetroTimes) - Đôi trai gái yêu nhau nhưng vướng phải cuộc tình ngang trái đã buộc tay nhau và cùng tự vẫn đã “chuyển kiếp” thành anh em song sinh. |
Chuyện ‘tiền kiếp’ của cha Việt con Mỹ thời hiện đại (kỳ 1) (PetroTimes) - Chuyện mới xảy ra vào giữa thế kỷ 20 đây thôi, và mãi cho đến ngày nay, cũng còn cả chứng nhân cũng như chứng tích, đủ để đóng một dấu chứng nhận về tính xác thực của nó, dành cho thế hệ bây giờ. |
Huỳnh Uy Dũng