Tiếng nói của Đại biểu Quốc hội cuối nhiệm kỳ (Bài 2)
Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII, nên dường như nhiều ĐBQH còn không ít tâm tư, trăn trở trong suốt một nhiệm kỳ qua. Với các đại biểu ấy, sự kỳ vọng vào thế hệ đại biểu khóa tới không chỉ là điều mong mỏi, mà còn là sự gửi gắm cho một nhiệm kỳ mới đầy thử thách.
Ông Dương Trung Quốc (ĐBQH Đồng Nai): Đại biểu còn nể nang, ngại đụng chạm
Không ít người cho rằng có những đại biểu dù am hiểu về một số vấn đề đang được đề cập nhưng không phát biểu trước QH, theo tôi, về khách quan số đông người dân biết đến hoạt động ĐBQH chủ yếu thông qua cơ quan truyền thông, đó là các diễn đàn chính thức của QH, truyền hình phát thanh trực tiếp các phiên họp. Nhưng còn rất nhiều ý kiến được phát biểu ở các diễn đàn khác như các cuộc thảo luận ở tổ, hoặc kiến nghị cá nhân về các hoạt động của các Ủy ban thì ít được biết đến.
Theo lẽ thường, người dân sẽ chỉ “soi” vào những gì nhìn thấy, nhưng bản chất toàn bộ hoạt động của ĐBQH họ lại không nắm được hết.
ĐBQH Dương Trung Quốc |
Theo tôi, vẫn có những người vẫn âm thầm đóng góp, nhưng ở đây vẫn có một cơ chế. Một thành phần không nhỏ những người hành pháp trong QH, mà chức năng của QH là giám sát cơ quan hành pháp nên nhiều khi nó trở thành một mối quan hệ rất khó bộc lộ. Chưa kể đến những yếu tố liên quan đến cơ chế chính trị - xã hội của chúng ta. Như chế độ “thủ trưởng”, ở QH các đại biểu bình đẳng nhưng vẫn thực tế vẫn tồn tại mối quan hệ cấp trên - cấp dưới trong Đảng hoặc trong chính quyền. Và trong thực tiễn, chúng ta còn tồn tại mối quan hệ xin - cho.
Tạm thời bỏ qua vấn đề lợi ích cá nhân, mà nói đến lợi ích địa phương. Trên diễn đàn QH, với tư cách ĐBQH phát biểu về cấp trên, về bộ ngành cụ thể; ngày mai với tư cách là địa phương đến đề nghị xin dự án này, dự án kia. Điều này sẽ dẫn đến sự khó khăn trong các mối quan hệ, dẫn đến sự e ngại của ĐBQH khi phát biểu trên nghị trường.
Chưa kể đến, tập tính của người Việt Nam là hay nể nang, ngại đụng chạm và chính ngay bản thân tôi cũng vậy. Thực tế, khi nêu một vấn đề gì đó với một cơ quan mà mình thường xuyên làm việc, bản thân cũng cần phải lựa chọn cách đề cập, cách nói sao cho êm xuôi nhất.
Tôi cho rằng, để ĐBQH thẳng thắn, phát huy hết khả năng đóng góp cho QH là điều hoàn toàn đúng đắn, nhưng rõ ràng để thực hiện được, để cất được tiếng nói thì người ta phải vượt qua được những rào cản này.
Đó là về phát biểu ở nghị trường, còn làm sao để lựa chọn được đại biểu chất lượng vào QH, theo tôi, thực ra mọi sự lựa chọn đại biểu đều đã có ý đồ chính trị, mục đích là để có một lực lượng đại biểu như mong muốn. Nhưng điều quan trọng là ý chí của người dân, làm sao người dân được thực sự tham gia. Đây là điểm cần có sự nhìn nhận hai chiều. Một là các cơ quan tổ chức bầu cử phải bảo đảm đúng luật, công bằng, minh bạch. Hai là người dân phải ý thức được trách nhiệm, sự tham dự của mình, nhận thức rằng điều đó thiết thân với mình, chứ nếu vẫn thờ ơ, né tránh, thậm chí không quan tâm, vô can thì sau này, những hệ quả thông qua các hoạt động của QH có tác động tới mình, thì không thể kêu ai được. Đây là điều quan trọng nhất.
Đối với những hiện tượng như nhờ bỏ phiếu hộ, bỏ phiếu thay, bỏ phiếu lấy lệ, bỏ phiếu cho xong, dẫn tới hậu quả mà chính người dân không hài lòng với QH cũng phải xem lại. Đương nhiên có thể chê trách trong quy trình thực hiện có thể có vấn đề này, vấn đề kia, nhưng người dân cũng có quyền giám sát, đấu tranh. Theo đó, nếu mọi người tham gia nghiêm túc, chúng ta sẽ từng bước cải thiện được những gì còn bất cập, và thực sự thực hiện được một cuộc bầu cử đúng nghĩa, thể hiện đúng quyền nhân dân.
Kỳ vọng QH Khóa XIV, tôi cho rằng cần nhận thức được đây là một quá trình, tiến trình dân chủ hóa được thể hiện rất rõ và đang gặp không ít các cản lực, đương nhiên đó là xu thế không thể thay đổi được. Nhưng dân chủ cũng là một phẩm chất được đào luyện và từng bước trở thành ý thức tập quán của xã hội.
Ông Huỳnh Nghĩa (ĐBQH Đà Nẵng): Cần chọn đại biểu xứng tầm để không lãng phí…
Trong phát biểu trước QH, tôi có nói phải chọn lựa đại biểu chuyên trách có đức, có tài, có tâm, có trí tuệ, đặc biệt là bản lĩnh và phải biết phản biện. Là một ĐBQH phải đầy đủ những phẩm chất trên thì mới thực hiện được nhiệm vụ mà người dân gửi gắm, chứ nếu anh sợ va chạm, rồi không chịu khó nghiên cứu, không chịu đầu tư suy nghĩ thì không nên làm đại biểu chuyên trách. Bởi như vậy đang gây lãng phí, không những là lãng phí nhà nước, mà còn phí công ngồi ở QH, rồi lãng phí cơ hội với những người có điều kiện, năng lực hơn, có thể thay mặt cho cử tri phát biểu.
ĐBQH Huỳnh Nghĩa |
UB Thường vụ QH, Ban Công tác Đại biểu nên tham mưu để lựa chọn những đại biểu chuyên trách xứng tầm. Có như thế, QH mới có thể mạnh hơn, tiếng nói của QH sẽ lan tỏa hơn, chất lượng hơn và mới thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.
Tôi rất kỳ vọng vào QH khóa XIV này, trên nền tảng nghị quyết ĐH Đảng lần thứ 12 và những điểm đổi mới của QH, tôi tin rằng QH khóa tới sẽ mới mẻ hơn, khắc phục thực sự được những nhược điểm thiếu sót, để khóa XIV này có nhiều khởi sắc.
Bà Bùi Thị An (ĐBQH Hà Nội): Nếu bầu nhầm đại biểu sẽ hối hận cả nhiệm kỳ...
Tôi thấy QH khóa XIII đã có những hoạt động hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ, khác hẳn về chất lượng, hoạt động nghị trường cũng sôi động. Theo tôi, một mặt là do chất lượng đại biểu được nâng lên, và mặt khác, sự điều hành của Thường vụ QH đã linh động trên cơ sở nguyên tắc, bám sát những nội dung chính để điều hành ngay trong hội trường. Rồi trong các chương trình và nội dung định hướng đều tốt. Không khí tranh luận trên hội trường rất rõ, thể hiện đúng yếu tố dân chủ. Và chính vì tranh luận trên nghị trường nhiều, nên các luật thông qua chất lượng hơn, các vấn đề được quyết định chuẩn xác hơn.
ĐBQH Bùi Thị An |
Tuy nhiên, điều tôi còn băn khoăn là giai đoạn vừa rồi Thường vụ QH tổ chức rất nhiều đoàn giám sát, các đoàn cũng tổ chức nhiều cuộc giám sát, nhưng kết luận của đoàn giám sát với các cơ quan, đối tượng bị giám sát chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Theo tôi, nếu không theo dõi, giám sát tiếp và hậu giám sát, thì những kết luận của đoàn giám sát sẽ lại bị lãng quên, không hiệu quả và không như mong muốn của cử tri cả nước.
Kỳ vọng vào QH khóa tới, để QH hoạt động có chất lượng thì đầu tiên phải là chất lượng từ ĐBQH, tôi rất mong cử tri cả nước sáng suốt lựa chọn, không vì một lý do nào cả, hãy nghiên cứu cẩn thận để lựa chọn những đại biểu xứng tầm, có tâm, có đức, có trình độ, bản lĩnh và là người đại diện xứng đáng cho mình. Chứ nếu lỡ bầu nhầm thì sẽ rất hối tiếc cho cả nhiệm kỳ.
Về chất lượng ĐHQH khóa XIII, cá nhân tôi không thể đánh giá được, mà phải là cử tri cả nước đánh giá. Nhưng tôi thấy các hoạt động của QH tính hiệu quả dần dần được tăng lên, điều này rõ ràng cũng thể hiện chất lượng của ĐBQH, còn đánh giá cụ thể thế nào thì phải là cử tri cả nước.
Tiếng nói của Đại biểu Quốc hội cuối nhiệm kỳ Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII, nên dường như nhiều ĐBQH còn không ít tâm tư, trăn trở trong suốt một nhiệm kỳ qua. Với các đại biểu ấy, sự kỳ vọng vào thế hệ đại biểu khóa tới không chỉ là điều mong mỏi, mà còn là sự gửi gắm cho một nhiệm kỳ mới đầy thử thách. |
Thanh Huyền